Tiềm năng khổng lồ của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Công ty tư vấn McKinsey (Mỹ) ước tính, ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể mang lại cho nền kinh tế thế giới từ 3,5 - 5,8 tỷ USD/năm. Công ty McKinsey đã phân tích hơn 400 đề án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong 19 lĩnh vực. Lợi nhuận lớn nhất thu được từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo là trong lĩnh vực marketing và bán hàng.  

Tiềm năng khổng lồ của trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo là tiềm năng khổng lồ - đó là kết luận được đưa ra trong báo cáo của McKinsey. Theo kết quả nghiên cứu của công ty này, trong 69% số trường hợp được phân tích, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo tỏ ra hiệu quả hơn so với sử dụng các công cụ phân tích khác.

Trong một số trường hợp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang lại kết quả tốt hơn hẳn. Chỉ số cải thiện cao nhất được quan sát trong lĩnh vực du lịch (128%), hậu cần (87%) và thương mại (86%).

“Nhiều năm trước, trí tuệ nhân tạo được giới thiệu như một sự kỳ dị. Một thứ công nghệ, mặc dù thắng con người trong chơi cờ, nhưng không có ứng dụng thương mại. Các nghiên cứu của McKinsey cho thấy, một thực tế khác, chẳng hạn như trong các hệ thống đàm thoại. Công nghệ này hiện phát triển tới mức chatbot được tăng cường trí tuệ nhân tạo có thể hiểu bối cảnh và trả lời chính xác đối với hơn 98% số câu hỏi do khách hàng đặt ra.

Cũng chính vì vậy, các khách hàng ngân hàng hay viễn thông mặc dù biết rằng phải nói chuyện với chatbot/voicebot nhưng họ vẫn sẵn sàng sử dụng dịch vụ này, bởi thông tin do chatbot đưa ra là chính xác, kịp thời và nhanh chóng” - ông Maciej Stanusch ở Công ty Stanusch Technology (Ba Lan) cho biết. Theo ông, trí tuệ nhân tạo không chỉ lấp đầy chỗ trống trên thị trường công việc, mà còn là sự hỗ trợ đắc lực trong lĩnh vực marketing, bán hàng hay dịch vụ khách hàng, thậm chí bảo hiểm.

Các nhà phân tích lưu ý, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực thương mại, mang lại lợi nhuận lớn nhất. Ứng dụng các giải pháp mới cho phép sinh lợi tới 800 tỷ USD/năm. Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực vận tải, du lịch và hậu cần mang về lợi nhuận 400 - 500 tỷ USD/năm. Cũng nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trung bình mỗi năm ngành tài chính sinh lợi thêm 200 - 300 tỷ USD, viễn thông: 100 - 200 tỷ USD, sản xuất ô tô: 300 - 400 tỷ USD.

Cần lưu ý là trí tuệ nhân tạo không chỉ thay đổi thương mại điện tử mà còn thay đổi cả thương mại truyền thống. “Thử nghiệm cho thấy, nhờ phân tích video chuyển động và hành vi khách hàng hay vị trí sản phẩm trên giá để hàng, có thể tăng lợi nhuận lên ít nhất 10%.

Nhờ sử dụng thuật toán học sâu (deep learning), trí tuệ nhân tạo trở nên chính xác và hiệu quả hơn; thậm chí hiệu quả hơn con người trong nhận biết sản phẩm qua hình ảnh. Hơn nữa, trí tuệ nhân tạo cho phép nhanh chóng rút ra kết luận từ các dữ liệu mà con người không nhìn thấy hoặc phải bỏ ra nhiều thời gian thì mới có được” - ông Wojciek Stramski, Giám đốc điều hành Công ty Lab4Motion (Ba Lan) cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ