Được biết tổng cộng 93 chiếc máy bay chiến đấu loại này vẫn còn trong biên chế Quân đội Đức, mặc dù vậy chúng sẽ sớm "nhận sổ hưu" trong thời gian tới.
Theo Kyiv, những tiêm kích phản lực này có thể thay thế dòng MiG và Su do Liên Xô sản xuất, vốn đang cạn kiệt đạn dược cũng như phụ tùng.
Đặc biệt, nguyện vọng nói trên đã được Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine đồng thời là cựu Đại sứ tại Đức - ông Andriy Melnyk bày tỏ gần đây. Nếu Lực lượng vũ trang Ukraine có thể sở hữu chiến đấu cơ Đức, quân đội nước này sẽ được tiếp cận hạ tầng thiết bị quân sự hùng hậu của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Trong bối cảnh nguồn dự trữ máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô trong trang bị của các quốc gia từng thuộc khối Warsaw đang dần cạn kiệt, một "món quà" như vậy từ Berlin sẽ rất quan trọng đối với Ukraine.
Kyiv có thể sẽ nhận được phụ tùng thay thế cùng với sự trợ giúp từ các chuyên gia để duy trì sức chiến đấu cho phi đội tiêm kích Tornado. Nhận định trên được ông Oleg Panteleev - người đứng đầu công ty phân tích AviaPort cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Tuy vậy theo ý kiến của vị chuyên gia, các phi công nước ngoài có thể sẽ điều khiển những chiếc Tornado trên bầu trời Ukraine, đặc biệt khi luật pháp địa phương cho phép điều này.
Nhưng bên cạnh đó, ông Pateleev cũng nhấn mạnh: "Trong điều kiện phòng không Nga khống chế bầu trời, việc dành nhiều thời gian và công sức để huấn luyện các phi công bản địa là điều vô nghĩa, bởi những chiến đấu cơ này sẽ không bay được bao lâu".
Nhận định trên sẽ cần được kiểm chứng bằng kết quả trên chiến trường nếu viễn cảnh Đức cung cấp tiêm kích Tornado cho Ukraine thành sự thực. Nhưng cần lưu ý thêm, trước đó báo chí Nga cũng đưa ra nhận xét tương tự khi được biết Anh có thể viện trợ trực thăng tấn công Apache, điều này rõ ràng cho thấy Moskva đang cảm thấy khá lo ngại.
Chiến đấu cơ Tornado của Không quân Đức có thể được giao cho Ukraine sau khi loại biên? |
Panavia Tornado là loại chiến đấu cơ cánh cụp cánh xòe do liên doanh Anh, Đức và Ý sản xuất, nó thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 14/9/1974.
Ban đầu Tornado được thiết kế với vai trò máy bay cường kích siêu âm tấn công mặt đất ở độ cao thấp, có khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn.
Sau đó Tornado được phát triển thành 3 phiên bản chính gồm: Tiêm kích đánh chặn Tornado ADV (Air Defense Variant); Tiêm kích đa năng Tornado IDS (Interdictor/ Strike) và bản chế áp phòng không Tornado ECR (Electronic Combat/ Reconnaissance).
Biến thể Tornado IDS (GR4) / Tornado ADV (F3) có chiều dài 16,72 / 18,7 m; sải cánh 13,91 m khi xòe ở góc 25 độ và 8,6 m khi cụp ở góc 67 độ; chiều cao 5,95 m; trọng lượng rỗng 13.890 / 14.500 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 28.000 kg.
Động cơ phản lực trang bị cho các phiên bản máy bay chiến đấu cánh cụp cánh xòe Tornado là loại Turbo-Union RB199-34R có lực đẩy 73 kN mỗi chiếc.
Tốc độ tối đa của Tornado vào khoảng 2.400 km/h; tầm hoạt động 1.390 km ở chế độ thông thường, hoặc 3.890 - 4.265 km khi mang theo 4 thùng dầu phụ; trần bay 15.240 m.
Vũ khí trang bị cho Tornado gồm pháo 27 mm Mauser BK-27 với 180 viên đạn (2 khẩu trên Tornado IDS và 1 khẩu trên Tornado ADV), các điểm treo trên cánh và thân mang được 9.000 kg vũ khí gồm bom và tên lửa.