Máy bay chiến đấu MiG-21 của Liên Xô lần đầu tiên cất cánh vào năm 1955, hiện vẫn đang được sử dụng. Không quân Ấn Độ đang vận hành khoảng 80 chiếc MiG-21 với nhiều sửa đổi khác nhau, họ mới đây đã buộc phải hoãn quyết định cho nghỉ hưu loại tiêm kích này.
Cần nhắc lại, thời hạn loại biên MiG-21 ban đầu là năm 2019, sau đó là năm 2023 và cho đến gần đây lại được dời sang năm 2025, tờ Indian Defence Research Wing cho biết.
Vấn đề là tất cả bản kế hoạch nói trên đều liên quan đến việc cung cấp máy bay chiến đấu nội địa Tejas. Điều đáng nói đó là Tejas bắt đầu được sản xuất từ năm 1983, chính xác là được tạo ra để thay thế MiG-21, nhưng đến thời điểm hiện tại nó vẫn chưa sẵn sàng.
Theo thông báo mới nhất, do vấn đề cung cấp động cơ F404-IN20 của Mỹ gặp trục trặc mà kế hoạch sản xuất lượng lớn tiêm kích Tejas chưa thể thực hiện.
Những động cơ này, với số lượng 99 chiếc, đã được đặt hàng vào năm 2023 với giá trị 720 triệu đô la. Trước đó, 75 chiếc nữa đã được giao cho Ấn Độ, giúp New Delhi sản xuất hơn 50 chiếc máy bay chiến đấu này cùng với nguyên mẫu.
Nhưng thực tế không phải là nguyên nhân của vấn đề chỉ nằm ở phía Mỹ, vì theo điều khoản của hợp đồng, việc sản xuất động cơ F404-IN20 được cho là sẽ diễn ra với sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp Ấn Độ.
Bên cạnh đó, hợp đồng năm 2023 dường như gắn liền với đơn đặt hàng 97 máy bay chiến đấu Tejas Mk 1A, thương vụ này được thực hiện vào mùa xuân năm 2024.
Những gì diễn ra đồng nghĩa việc hoãn loại biên MiG-21 đến năm 2026 có thể không phải lần cuối cùng, đồng nghĩa chiếc máy bay chiến đấu lần đầu tiên được Không quân Ấn Độ sử dụng vào năm 1964 sẽ có thời gian phục vụ lâu hơn.
Được biết lần gần đây nhất Ấn Độ tiếp nhận những chiếc tiêm kích như vậy là vào năm 1984, tức là máy bay MiG-21 trẻ nhất của Ấn Độ hiện đã 40 tuổi.
Vấn đề cuối cùng cần phải lưu ý chính là MiG-21 bị mang tiếng rất xấu ở Ấn Độ - khoảng một nửa trong số 840 máy bay nhận từ Liên Xô đã bị mất trong các vụ tai nạn, khiến hơn 170 phi công và hơn 40 dân thường thiệt mạng.