Tiệm cơm làm ấm lòng người nghèo

GD&TĐ - Ở Hà Nội, mỗi suất cơm bình dân có giá trung bình từ 25.000 – 30.000 đồng, tuy không quá đắt đỏ nhưng nó cũng thành gánh nặng cho những người lao động nghèo, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Tiệm cơm làm ấm lòng người nghèo

Gần đây, một tiệm cơm từ thiện trên đường Giải Phóng, không xa Bệnh viện Bạch Mai, đã góp sức, làm bớt đi gánh nặng của hàng trăm người nghèo tại Thủ đô với mỗi suất cơm giá chỉ 2.000 đồng.

Bữa cơm đầy đủ rau thịt

Từ cuối tháng 6/2018, tiệm cơm An Phúc trên đường Giải Phóng (địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt đầu đi vào hoạt động. Tiệm cơm là một trong những dự án tình nguyện của Câu lạc bộ thiện nguyện An Phúc, một câu lạc bộ đã hoạt động được 9 năm trong các hoạt động giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là xây trường, tặng quà cho các trẻ em vùng cao. Từ ngày khai trương đến nay, cứ thứ Bảy hàng tuần, tiệm cơm từ thiện này đã bán ra hàng trăm suất cơm “2.000 đồng” mỗi ngày cho những người lao động nghèo và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Bạch Mai.

Chúng tôi đến tiệm cơm đúng vào giờ cơm trưa. Tiệm “chật cứng” người. Theo lịch, tiệm cơm mở cửa từ lúc 11 giờ tới 1 giờ 30 các ngày thứ Bảy hàng tuần, nhưng từ trước 11 giờ, trước cửa tiệm đã có rất nhiều người lao động tất tả gửi xe đạp, đứng xếp hàng để chờ mua cơm.

Khi đến tiệm cơm, khách có thể tự chọn đồ ăn theo sở thích và khả năng của mình. Anh Chu Việt Hà, Trưởng Câu lạc bộ thiện nguyện An Phúc cho biết: “2.000 đồng chỉ là số tiền tượng trưng, thậm chí người lao động nghèo có thể đến ăn mà không phải trả tiền. Vì có những người giàu lòng tự trọng, ăn cơm miễn phí họ sẽ ngại nên chúng tôi đặt hòm tùy tâm ở trước cửa. Họ ăn xong để tiền vào chiếc hòm đó”.

Tuy số tiền phải bỏ ra là quá ít, nhưng suất cơm tại tiệm cơm từ thiện lại đầy đủ rau thịt, đồ ăn được nấu nướng sạch sẽ, đẹp mắt. Cô Nguyễn Thị Lan, một bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư phổi tại Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Bệnh nhân chúng tôi được giới thiệu về tiệm cơm này nên rủ nhau cùng đi. Đến đây chúng tôi ai cũng được đón tiếp chu đáo, cơm rất sạch sẽ và ngon. Những suất cơm tôi mua 30.000 đồng ở căng tin bệnh viện cũng không ngon bằng ở đây. Thậm chí ăn xong chúng tôi còn mang về cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, không lại đi được”.

Muốn có thêm nhiều tiệm cơm từ thiện

Để có thể phục vụ hàng trăm suất cơm như vậy, những thành viên của Câu lạc bộ thiện nguyện An Phúc đã phải thức dậy từ rất sớm, lên thực đơn, đi chợ và lựa chọn đồ tươi ngon để chế biến. Mỗi người một việc để có thể phục vụ hàng trăm lượt khách vào lúc 11 giờ trưa. Theo chia sẻ của những thành viên câu lạc bộ, chi phí bỏ ra hoàn toàn là “tiền túi” của chính thành viên góp lại. Thậm chí, khi nhiều người biết đến tiệm cơm hơn, có nhiều em học sinh, sinh viên cũng tự nguyện đến xin phục vụ, nhiều người dân sống xung quanh cũng nấu chè, làm sinh tố... để tặng kèm bữa ăn.

Những ngày hoạt động đầu tiên của tiệm, mỗi ngày có khoảng 200 đến 250 suất cơm được bán ra. Nhưng tới những buổi thứ Bảy gần đây, số suất cơm được bán ra mỗi ngày là hơn 400 suất.

Mới đầu chỉ là những người lao động sống xung quanh đường Giải Phóng biết đến tiệm cơm, nhưng sau người này rủ người kia, những bệnh nhân nghèo của Bệnh viện Bạch Mai cũng tìm đến nhiều hơn. Tuy mới hoạt động được hơn nửa tháng, nhưng “tiếng lành đồn xa”, ngày càng có nhiều người nghèo tìm tới tiệm để thưởng thức bữa cơm vừa ngon, vừa rẻ.

“Chứng kiến ngày càng nhiều người nghèo tìm đến tiệm cơm, tôi vô cùng xúc động. Những bệnh nhân cố gắng đi xa tới đây để ăn cơm, rồi mang cơm về cho những bệnh nhân không đi được, trong đó có rất nhiều bệnh nhân ung thư đang xạ trị. Tôi đang bàn với một số người bạn, dự định sẽ mở thêm những tiệm cơm như thế này tại các bệnh viện lớn của Hà Nội, để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn” - anh Chu Việt Hà, Trưởng CLB thiện nguyện An Phúc khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.