Tiệm cận chương trình

GD&TĐ - Theo thống kê của các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trường khối kỹ thuật, hầu như năm nào, cũng có một số sinh viên năm thứ nhất bị đình chỉ học tập.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Câu hỏi đặt ra là tại sao với đầu vào được sàng lọc qua kỳ tuyển sinh lại có thể mất đà từ năm thứ nhất? Một trong những nguyên nhân được đưa ra là một số môn đại cương như Toán – Lý – Hóa, vốn đã được học sinh học rất kỹ ở phổ thông, tân sinh viên tiếp tục học trong thời gian đầu ở trường ĐH, tạo nên sự nhàm chán và chủ quan.

Giảm sự trùng lắp về kiến thức cũng như tạo điều kiện cho học sinh xuất sắc, nhất là học sinh trường chuyên được tiếp cận chương trình đào tạo ĐH ngay từ bậc phổ thông theo hình thức tín chỉ là đề xuất được dư luận chú ý.

Đề xuất này đã hướng tới mục tiêu kép, khi vừa tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phổ thông có cơ hội hiểu biết về ngành nghề, có kiến thức cơ bản về các nhóm ngành. Tiếp cận cách học ở ĐH cũng tạo ra một lực lượng “sinh viên dự bị” có năng lực vượt trội.

Học sinh phổ thông tiếp cận sớm với môi trường ĐH là mong muốn của nhiều cơ sở giáo dục đại học, nhất là khối STEM. Đây là điều kiện lý tưởng giúp các em hình thành, phát triển tư duy ban đầu về công nghệ, kích thích sự sáng tạo để có sự thích ứng nhanh khi tiếp cận với các lĩnh vực chuyên sâu sau này. Nếu các trường ĐH tạo được môi trường giáo dục STEM tốt để thu hút học sinh phổ thông tham gia vừa giải quyết được đam mê sáng tạo của các em, vừa có thể khai thác năng lực ở thời điểm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi.

Khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu giáo dục theo định hướng nghề nghiệp, phát triển năng lực cá nhân, sự liên thông giữa các bậc học, nhất là giáo dục phổ thông và giáo dục ĐH đã được tính đến. Sự “khớp nối” giữa chương trình phổ thông và giáo dục ĐH được đặt ra để HS dễ dàng thích nghi hơn với sự thay đổi, phát triển của ngành học và các trường ĐH cũng như nhu cầu của xã hội.

Chính vì vậy, đề xuất học sinh phổ thông có thể tích lũy tín chỉ một số môn học ở ĐH là sự bắt nhịp với xu hướng giáo dục của thế giới. Học sinh sẽ rút ngắn được thời gian học tập những môn cơ bản, tập trung vào chuyên môn sâu. Đây cũng là động lực để học sinh phát huy năng lực của bản thân, nhất là với những em đã sớm xác định được con đường học tập của mình ở bậc ĐH.

Vấn đề còn lại là cơ chế, chính sách cũng như sự sẵn sàng của chính người học. Hiện nay, chưa có quy định nào cho phép học sinh phổ thông có thể đăng ký học và thi tín chỉ theo khung đào tạo của các trường ĐH. Và mặc dù đề xuất này rất tốt, giúp các em làm quen sớm với môi trường đào tạo ở bậc ĐH, rút ngắn thời gian học tập, tuy nhiên, áp lực về thời gian và cường độ học tập là rất lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ