Dạy học tích hợp:

Tích sao cho hợp?

GD&TĐ - Triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đặt ra yêu cầu mới trong xây dựng chương trình bồi dưỡng,

Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (TP Đà Nẵng) tham gia hoạt động trải nghiệm.
Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (TP Đà Nẵng) tham gia hoạt động trải nghiệm.

Nhà giáo Chu Thị Hảo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chất lương cao Văn Lang (Phú Thọ):Cần đổi mới chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm

Nhà giáo Chu Thị Hảo.

Nhà giáo Chu Thị Hảo.

Trung tâm Bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - Trường ĐH Hùng Vương từng thực hiện một khảo sát đánh giá năng lực dạy học tích hợp của giáo viên THCS trên địa bàn. Kết quả cho thấy, giáo viên đã có hiểu biết cơ bản về dạy học tích hợp và có các năng lực đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp. Tuy nhiên, giáo viên chưa nhận thức một cách sâu sắc bản chất của dạy học tích hợp, khả năng thực hiện dạy học tích hợp mới dừng lại ở mức độ nội môn như liên hệ, phối hợp kiến thức, kỹ năng thuộc các môn học; mức độ đạt được về các năng lực dạy học tích hợp chưa cao, chưa có kỹ năng về dạy học tích hợp.

Trước thực trạng này, cơ sở giáo dục cần nâng cao nhận thức cho giáo viên về tầm quan trọng của dạy học tích hợp trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay; phải hiểu dạy học tích hợp là phương pháp tạo ra năng lực cho người học. Cơ sở giáo dục cũng cần phối hợp với đơn vị tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho cán bộ quản lý, giáo viên. Sau bồi dưỡng, có bài kiểm tra, đánh giá năng lực dạy học tích hợp của giáo viên. Hằng năm, tổ chức tốt hội thi dạy học tích hợp liên môn theo chủ đề để giáo viên có cơ hội trải nghiệm, gắn lý thuyết với thực hành.

Đối với cơ sở đào tạo giáo viên: Cần đổi mới chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm, sắp xếp, thiết kế, xây dựng theo hướng tích hợp các môn học mới. Phát triển chương trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm để đào tạo sinh viên ra trường có khả năng dạy tích hợp một số môn học cùng lĩnh vực; tăng cường thực hành rèn nghề để sinh viên được tiếp cận với phương pháp, kỹ năng dạy học tích hợp.

Đối với cơ sở bồi dưỡng giáo viên: Cần xây dựng một bộ công cụ, tiến hành điều tra khảo sát trên diện rộng, đánh giá chính xác năng lực, nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên. Xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng, phối hợp với cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học tích cực theo định hướng mở. Kết hợp đào tạo ban đầu, gắn đào tạo với bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, hướng tới nâng cao năng lực dạy học nói chung, dạy học tích hợp nói riêng cho giáo viên THCS nhằm đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và yêu cầu đổi mới Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. Các chuyên đề bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cần bám sát định hướng đổi mới, nội dung, Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.

Quan điểm dạy học tích hợp với mục tiêu phát triển các năng lực ở người học, có khả năng giải quyết và đáp ứng sự biến đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại để đem lại thành công cao nhất trong cuộc sống phù hợp với xu thế giáo dục phổ thông hiện nay. Khi quan điểm dạy học, chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, yêu cầu chuẩn nghề nghiệp thay đổi đòi hỏi người giáo viên phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của dạy học tích hợp là phương pháp tạo ra năng lực, chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học tích hợp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đồng hành, hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực nghề nghiệp, thực hiện tốt thiên chức của người thầy trong xu thế chung của giáo dục phổ thông.

GS.TS Đinh Quang Báo, Chủ biên chương trình môn Sinh học, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội: Giáo viên không đơn độc

GS.TS Đinh Quang Báo.

GS.TS Đinh Quang Báo.

Nội dung giáo dục khoa học tự nhiên được xây dựng kết hợp 3 trục cơ bản là: Các nguyên lý và khái niệm chung nhất về thế giới tự nhiên; chủ đề khoa học tự nhiên; năng lực khoa học tự nhiên. Trong đó, các nguyên lý và khái niệm chung nhất về thế giới tự nhiên là vấn đề xuyên suốt gắn với chủ đề khoa học tự nhiên.

Để tổ chức dạy học tích hợp môn học Khoa học tự nhiên cần xác định logic quan hệ giữa 3 trục cơ bản của chương trình đã nêu trên. Dữ liệu để kết nối 3 trục là các đơn vị nội dung về Lý, Hóa, Sinh. Để mô tả các quan hệ đó, nhà trường cần tổ chức để tập thể giáo viên môn học thiết kế các bảng ma trận chi tiết và xem đó là công cụ để mỗi giáo viên khi dạy môn Khoa học tự nhiên thể hiện tiếp cận tích hợp.

Khi phân công giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, một trong những quan điểm cần lưu ý, đó là: Nội dung tích hợp nhưng dạy học thì hợp tác. Cần thiết phải dạy học theo tinh thần đồng đội. Ngày nay, giáo dục thế giới đang khắc phục tư tưởng thiết kế chương trình môn học với quy định khép kín, cứng nhắc, tách rời nhau.

Trước đây, mỗi môn học có một chương trình xác định, giáo viên chỉ đóng khung trong môn mình dạy. Ngày nay, kiến thức học trong nhà trường phải kích thích sự tìm hiểu, quan sát, đặt vấn đề, giúp liên kết các môn học, lĩnh vực lại với nhau. Để thực hiện được điều này, giáo viên không thể làm việc đơn độc như trước mà cần có sự phối hợp, phát huy tinh thần đồng đội, bổ sung, giúp đỡ nhau. Trong dạy học ưu tiên phân công người giỏi nhất về một nội dung dạy học sinh nội dung đó. Nếu giáo viên chưa quen với dạy học tích hợp thì bắt đầu liên kết vài vấn đề đơn giản từ các môn học, dần dần tích hợp với độ phức tạp cao hơn. Cái quan trọng không phải là một người dạy tất cả 3 phân môn, hay nhiều người dạy, mà quan trọng và bắt buộc là phải thể hiện được sự tích hợp theo tinh thần của môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình): Tính tỷ lệ giáo viên từng môn thật chi tiết để không bị động

Thầy Nguyễn Tiến Dũng.

Thầy Nguyễn Tiến Dũng.

Năm học này triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 7. Giữa nhiều vấn đề đặt ra và cần giải quyết với các môn học, sự chú ý được tập trung nhiều hơn vào môn tích hợp như Khoa học tự nhiên. Đây là môn tích hợp được hình thành từ 3 phân môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học, có sự liên kết ngoại môn với các môn khoa học khác chứ không phải cơ học ghép môn. Do vậy, nhà trường đã lựa chọn giải pháp là dạy môn Khoa học tự nhiên theo trình tự tuyến tính trong sách giáo khoa và lựa giáo viên dạy bộ môn của các phân môn này để phân công giảng dạy; linh hoạt sắp xếp giáo viên, thời khóa biểu lớp 7 theo giai đoạn để cố gắng đến phân môn nào, giáo viên môn đó dạy.

Với những chuyên đề tích hợp, kiến thức giao thoa, giáo viên sinh hoạt trong nhóm chuyên môn trao đổi, bổ trợ cho nhau. Sau đó, cử một giáo viên dạy để bảo đảm hoàn thành giảng dạy nội dung môn học.

Từ sang năm, việc sắp xếp giáo viên dạy môn tích hợp sẽ khó khăn hơn nếu nguồn giáo viên dạy vẫn thiếu. Do vậy, cần cơ cấu lại giáo viên cấp THCS, tính tỷ lệ giáo viên từng môn thật chi tiết để không bị động ở giai đoạn tiếp theo. Các trường sư phạm chú ý đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp trong chỉ tiêu hằng năm.

Đối với trường phổ thông, cần dành sự ưu tiên cho giáo viên dạy lớp 7, lựa chọn người có năng lực, giàu kinh nghiệm đón đầu lứa học sinh lớp 7; sắp xếp giáo viên, thời khóa biểu cho khối 7 trước rồi mới đến khối còn lại. Bên cạnh đó, cần tiến hành sinh hoạt, giao ban, tập huấn chuyên môn thường xuyên để trao đổi, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho giáo viên. Ngoài ra, các giáo viên cũng tự giác học hỏi, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu chương trình; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, trao đổi bài giảng, tăng tương tác, phản biện... để có những cách thức giảng dạy sáng tạo, truyền đạt kiến thức tốt nhất đến học sinh.

Ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu: Xây dựng kế hoạch dạy học kết nối liên trường

Ông Trịnh Ngọc Hải.

Ông Trịnh Ngọc Hải.

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục huyện Than Uyên tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nỗ lực, quyết tâm cao nhất để bảo đảm chất lượng giáo dục. Riêng môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, do chưa có giáo viên phụ trách được cả môn học, nên nhà trường phân công giáo viên chuyên môn nào phụ trách phân môn đó. Với các chuyên đề, tổ bộ môn sẽ cùng xem xét, trao đổi và thống nhất: Nội dung chuyên đề thiên nhiều về kiến thức phân môn nào thì giao giáo viên phụ trách phân môn đó giảng dạy.

Về cơ bản, đến nay, việc dạy học các môn tích hợp được triển khai khá tốt. Tuy nhiên vẫn có khó khăn bởi còn thiếu giáo viên. Về cơ sở vật chất, nhiều trường có 2 - 3 điểm trường, nên khó trong phân công nhiệm vụ giảng dạy. Ở điểm trường lẻ, phòng bộ môn, trang thiết bị còn thiếu…

Để khắc phục khó khăn, phòng GD&ĐT và các nhà trường đã tích cực tuyên truyền giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng chuyên môn để bảo đảm thầy cô đủ điều kiện và năng lực thực hiện giảng dạy tất cả lĩnh vực trong một môn học; quan tâm chỉ đạo giáo viên tăng cường tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo trường học đưa nội dung các chủ đề chung vào sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn để giúp giáo viên được phân công giảng dạy nội dung này có cơ hội được trao đổi, học hỏi, bồi dưỡng chuyên môn; thực hiện giảng dạy bảo đảm các yêu cầu cần đạt của chủ đề. 100% các trường được chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất để có ít nhất 1 phòng học kết nối/trường.

Cùng với những nỗ lực của ngành Giáo dục huyện Than Uyên và các nhà trường, chúng tôi cũng mong được bảo đảm đủ về cơ cấu đội ngũ. Cùng với đó, mong nhanh chóng có đội ngũ giáo viên đảm nhiệm dạy được môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý để phòng GD&ĐT tham mưu các cấp tuyển dụng, bổ sung.

Từng nhà trường, phòng GD&ĐT cần quan tâm xây dựng cộng đồng phát triển nghề nghiệp bằng nghiên cứu bài học. Nghiên cứu bài học gồm các bước: Cùng nhau lập kế hoạch; quan sát tiến hành bài học; thảo luận bài học; điều chỉnh kế hoạch bài học; tiến hành bài học sau khi đã sửa; thảo luận, chia sẻ ý kiến về bài học sau khi sửa. - GS.TS Đinh Quang Báo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ