(GD&TĐ)-Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2011, chiều (28/7), Bộ Công thương đã công bố nhiều biện pháp tích cực triển khai trong thời gian tới.
Bộ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực phối hợp với các DN sản xuất điện có kế hoạch huy động tối đa công suất đáp ứng nhu cầu thiết yếu của sản xuất (ảnh MH) |
Theo đó, Bộ Công thương sẽ thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, đồng thời có các biện pháp điều tiết kịp thời để tránh sốt giá.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường phối hợp, nắm bắt thông tin từ các địa phương, hiệp hội ngành hàng để chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất; theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá nhằm bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường. Tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nội địa.
Tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, hạ giá thành nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu.
*Tại phiên họp thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và các cơ quan chức năng có các chính sách để kích thích tiêu thụ, giảm hàng tồn kho, phát triển sản xuất trong đó: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất việc cho ứng trước kế hoạch vốn đầu tư năm 2013 đối với các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2012, 2013; phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh bằng các biện pháp phù hợp theo lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền. Bộ Công Thương chỉ đạo phát triển thị trường trong nước, kích thích tiêu thụ, giảm hàng hóa tồn kho, thúc đẩy sản xuất; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tranh thủ cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn khi có phục hồi; kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất cơ chế để triển khai mạnh mẽ việc xây dựng đường bê tông thay thế đường nhựa, kể cả việc xây dựng đường giao thông nông thôn theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống lụt bão; chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai. |
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất điện có kế hoạch huy động tối đa công suất các nhà máy điện đáp ứng nhu thiết yếu của sản xuất và đời sống trong những tháng còn lại của năm.
Xuân Hương