Tại Thanh Hóa, để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngành y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, máy móc. Đồng thời, tổ chức giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm tại các địa phương.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, cho biết, năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 411 bệnh nhân nghi mắc sốt xuất huyết (hiện tại, các ổ dịch sốt xuất huyết đã bị triệt tiêu, không ghi nhận ca mắc mới sau 14 ngày kể từ ngày khởi phát ca bệnh cuối cùng); 57 trường hợp viêm não virút (trong đó có 6 trường hợp viêm não Nhật Bản); 49 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (tập trung chủ yếu tại Mường Lát); 1.167 ca tay chân miệng (tập trung chủ yếu tại TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn và các huyện Thiệu Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, Hoằng Hóa); ...
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập Thanh Hóa và phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, đảm bảo an toàn cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, trung tâm đã có công văn về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch COVID-19, dịch bệnh mùa đông xuân và Tết Nguyên đán 2021, gửi các trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; tổ chức đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, tái nổi với mức độ cảnh giác cao nhất, không chủ quan, lơ là; huy động các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.
Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, khu vực biên giới, tại các khu cách ly tập trung, tại cơ sở y tế và cộng đồng; đặc biệt giám sát chặt chẽ người về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch, thực hiện phân loại cách ly y tế theo đúng các quy định hiện hành; phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm. Phối hợp chặt chẽ với ngành thú y trong công tác phòng chống các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Bảo đảm công tác tiêm chủng thường xuyên, đặc biệt chú trọng tới các huyện miền núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số, các điểm tiêm chủng lưu động, tiêm chiến dịch tại các thôn bản.
Tại Đà Nẵng, theo báo cáo của Sở Y tế, kể từ sau giai đoạn bùng phát dịch lần thứ 2 (từ 24/7 đến 28/8) đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 đều là những trường hợp nhập cảnh đã được cách ly ngay khi nhập cảnh, được xét nghiệm theo quy định.
Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, bệnh viện nghiêm túc thực hiện công tác giám sát, xét nghiệm, chủ động phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cộng đồng; tiếp tục rà soát kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện tốt công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị; duy trì tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe đối với nhân viên y tế và nhân viên phục vụ tại cơ sở y tế; chủ động, kịp thời xử lý, can thiệp y tế khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Tiếp tục tạm dừng việc thăm bệnh nhân, yêu cầu mỗi người bệnh chỉ được tối đa 1 người nhà vào chăm sóc trong suốt quá trình điều trị và phải đăng ký với bệnh viện; tăng cường việc hướng dẫn phòng, ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 cho người chăm sóc và bệnh nhân theo quy định.
Ghi nhận tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk đã lập hàng loạt điểm khám sàng lọc, các chốt kiểm dịch chặt chẽ, 260 tổ tuyên truyền cơ động để tránh trường hợp dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.
Lãnh đạo ngành y tế đều nhận định việc phát hiện sớm và khống chế kịp thời các ca mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong những tháng đông xuân cuối năm 2020 và đầu năm 2021 là nhiệm vụ rất quan trọng. Mỗi người đều phải ý thức rõ điều này. Các tỉnh cũng đảm bảo đủ thuốc, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch.
Trên tinh thần nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế), ngành y tế các địa phương tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, giám sát tình hình dịch bệnh, chú trọng giám sát ngăn chặn bệnh qua biên giới tại cửa khẩu, bến cảng, sân bay.
Chuẩn bị phương án đối phó trong tình huống có dịch xảy ra, đảm bảo không để dịch lan rộng, khống chế dịch tại chỗ, không để xảy ra tử vong do dịch. Với các bệnh truyền nhiễm chưa có vắc-xin như tay chân miệng, sốt xuất huyết..., để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, ăn chín, uống sôi...