“Tổng thống Recep Tayyip Erdogan dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng tới tại thủ đô Kazakhstan”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Hakan Fidan, ngày 24/6/2024 xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với Haberturk TV của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hội nghị thượng đỉnh SCO dự kiến sẽ được tổ chức trong hai ngày, vào ngày 3 và 4/7 tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Các phương tiện truyền thông trước đó nhận định, trong cuộc hội đàm sắp tới, hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ thảo luận các vấn đề chính như xung đột giữa Moscow với Kiev và những nỗ lực bảo vệ các chuyến hàng ngũ cốc qua Biển Đen.
Các chủ đề khác cũng có thể sẽ được nhắc đến bao gồm việc thành lập một trung tâm thương mại khí đốt tự nhiên, xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu của Thổ Nhĩ Kỳ, và các cuộc bầu cử ở khu vực người Kurd ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò trung gian cho một thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine vào tháng 7/2022, thiết lập hành lang nhân đạo cho xuất khẩu nông sản qua Biển Đen.
Reuters vào tháng 4/2024 đưa tin rằng, Moscow và Kiev đã gần hoàn tất một thỏa thuận ngũ cốc mới vào tháng 3, nhưng các nhà đàm phán Ukraine đột ngột rút lui sau hai tháng đàm phán.
Chính quyền Tổng thống Erdogan cũng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình vào mùa xuân năm 2022, ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, nhưng các cuộc đàm phán được cho là đã bị chệch hướng do áp lực của phương Tây đòi tiếp tục giao tranh.
Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến là một trong số ít quốc gia có quan điểm độc lập trong quan hệ với Nga.
Mặc dù là thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, duy trì cả mối quan hệ kinh tế và ngoại giao với Moscow, đồng thời đang nỗ lực làm sâu sắc thêm các mối quan hệ này.
Quyết định của Ankara đã nhiều lần khiến nước này mâu thuẫn với các thành viên khác trong khối quân sự do Mỹ đứng đầu.