'Gã khổng lồ' vũ khí Đức nhận được đơn đặt hàng đạn pháo kỷ lục

GD&TĐ - Rheinmetall, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức mới đây nhận được đơn đặt hàng đạn pháo kỷ lục - đơn hàng lớn nhất trong lịch sử 135 năm của công ty.

Trụ sở công ty vũ khí Rheinmetall của Đức ở Dusseldorf.
Trụ sở công ty vũ khí Rheinmetall của Đức ở Dusseldorf.

Chính phủ Đức ngày 21/6/2024 đã trao hợp đồng trị giá 8,5 tỷ euro (9,1 tỷ USD) cho nhà sản xuất vũ khí khổng lồ Rheinmetall để chế tạo đạn pháo 155mm.

Rheinmetall đã công bố hợp đồng vào ngày 21/6/2024, trong đó nêu rõ rằng, đơn đặt hàng trị giá 9,1 tỷ USD là lớn nhất trong lịch sử 135 năm của công ty.

Rheinmetall không cho biết số lượng đạn sẽ được sản xuất với mức giá này, nhưng cho biết số đạn này sẽ được sử dụng để bổ sung vào kho dự trữ của Đức, Đan Mạch, Hà Lan và Estonia, cũng như để hỗ trợ Ukraine trong cuộc đấu tranh phòng thủ.

Đại diện của Rheinmetall cho biết, Đức sẽ thanh toán phần đơn đặt hàng cho Ukraine.

Những chuyến giao hàng đầu tiên sẽ bắt đầu vào năm 2025, với khoảng 1/10 số đạn dược được sản xuất tại nhà máy mới của Rheinmetall ở Lower Saxony, nơi vẫn đang được xây dựng.

Nhà máy dự kiến ​​​​sẽ sản xuất khoảng 100.000 quả đạn hàng năm kể từ năm hoạt động thứ hai trở đi, trong khi Rheinmetall cho biết vào tháng trước rằng, họ đặt mục tiêu sản xuất 700.000 quả đạn trên tất cả các nhà máy của mình vào năm tới.

Tuy nhiên, Ukraine yêu cầu hơn 700.000 quả đạn pháo mỗi năm.

Đầu năm nay, các quan chức Kiev tuyên bố rằng, họ sẽ cần 20.000 quả đạn mỗi ngày để duy trì tốc độ bắn của súng do phương Tây cung cấp.

Mặc dù đã chi hàng trăm tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng phương Tây vẫn gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ đạn pháo và chuyển chúng đến Kiev.

Sau khi hứa vào tháng 3 năm ngoái sẽ cung cấp một triệu quả đạn 155 mm trong vòng một năm, ba tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã thừa nhận rằng, họ đã trượt mục tiêu này một nửa.

Tương tự như vậy, trong khi Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn hai triệu quả đạn pháo 155mm kể từ khi xung đột bắt đầu vào năm 2022, các nhà máy sản xuất vũ khí của Mỹ chỉ có thể sản xuất khoảng 28.000 quả đạn loại này mỗi tháng, mặc dù Lầu Năm Góc có kế hoạch tăng gần gấp bốn lần con số này vào năm tới.

Rheinmetall tuyên bố vào năm ngoái rằng, một quả đạn pháo 155mm có giá ít nhất là 3.600 euro (3.813 USD), và mức giá này sẽ còn tăng hơn nữa khi xung đột Ukraine kéo dài.

Về mặt lý thuyết, 8,5 tỷ euro có thể mua được hơn 300 triệu quả đạn pháo, mặc dù công ty sẽ phải mất hơn 4 thế kỷ mới chế tạo được số lượng đạn pháo này, giả sử công ty đạt được mục tiêu sản xuất 700.000 quả mỗi năm.

Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng, việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không khiến cuộc xung đột có lợi cho Kiev mà chỉ kéo dài cuộc đổ máu đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ thảm khốc giữa Nga và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cách mua hàng trên 1688 về Việt Nam