Thủy điện Rào Trăng 3: Đau xót đón Chủ tịch huyện Phong Điền về đất mẹ

GD&TĐ - Những ngày qua, cả nước đang hướng về Rào Trăng 3, địa danh xảy ra sự cố sạt lở đất nghiêm trọng làm 13 cán bộ, chiến sĩ tử nạn cùng 17 công nhân đã mất tích.

Người thân đau đớn đón Chủ tịch huyện Phong Điền về đất mẹ.
Người thân đau đớn đón Chủ tịch huyện Phong Điền về đất mẹ.

Nén lòng thương tiếc

Trong số 13 cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ thuộc đoàn công tác gặp nạn, có Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) vừa nhận nhiệm vụ được 45 ngày. Vị chủ tịch đáng mếm này đã mãi mãi ra đi sau chuyến đi cứu nạn vượt núi, băng rừng tìm kiếm những nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3.

Sáng ngày 16/10, Huế đang đổ mưa tầm tã, đi theo con đường ven sông Bồ ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) đập vào mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 đã cũ, nay trở nên vắng lạnh bởi sự ra đi đột ngột của ông Nguyễn Văn Bình.

Sáng nay, hàng xóm, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của ông đến rất đông tại nhà riêng. Những khuôn mặt nặng nề, những tiếng thở dài cùng với đó là những tiếng khóc nức nở.

Hàng xóm đau đớn, thương tiếc khi biết vị chủ tịch đáng quý đã tử nạn.
Hàng xóm đau đớn, thương tiếc khi biết vị chủ tịch đáng quý đã tử nạn.

“Từ hôm biết tin, vợ ông và 2 con qụy ngã, mọi người cố động viên, nhưng làm sao xoa dịu được nổi đau mất người thân. Căn nhà đầy bùn đất khi vừa trải qua trận lũ được người thân, xóm làng dọn giúp để chuẩn bị tang lễ cho ông. Mọi người đều nén lòng, lặng im, chờ đón ông về với gia đình và người thân” – một người hàng xóm ông chia sẻ.

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Bình năm này mới 42 tuổi, trú thị trấn Tứ Hạ, TX. Hương Trà, quê quán xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ông được HĐND H.Phong Điền bầu cử chức danh Chủ tịch UBND H.Phong Điền tại tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6, khóa VI, nhiệm kỳ 2016 – 2021 vào ngày 1/9/2020.

Trước sự ra đi đột ngột của ông, để lại bao nhiêu tiếc nuối cho bạn bè, đồng nghiệp, xóm giềng. Khi nghe tin ông gặp nạn, rất nhiều cán bộ của Huyện ủy và UBND huyện Phong Điền cùng đông đảo mọi người đã đến ngay đầu đường dẫn vào thủy điện Rào Trăng 3 để đưa ông về với đất mẹ.

Chưa kịp từ biệt vợ con

Chờ đợi, ngóng trông các lực lượng chức năng đã đưa thi thể ông về nhà để tổ chức tang lễ, tiễn biệt vị chủ tịch đáng quý lần cuối. Tại đây, nhiều người vẫn chưa dám tin đó là sự thật. “Tôi đã khóc rất nhiều, không thể tin 13 cán bộ, chiến sĩ trong đó có vị chủ tịch huyện của chúng tôi đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn” – một người dân thốt lên khi được hỏi đến.

Chiều muộn ngày 15/10, khi chiếc xe cứu thương chở thi thể Chủ tịch UBND huyện Phong Điền từ khu vực gặp nạn ở Tiểu khu 67 ra đến trung tâm xã Phong Xuân và hướng thẳng về Bệnh viện Quân y 268.

Công tác làm tang lễ tại nhà riêng ông Bình.
Công tác làm tang lễ tại nhà riêng ông Bình.

Đây cũng là lúc người thân, bạn bè vỡ òa nước mắt trong vô vọng, khi ông đã mãi mãi ra đi khi tìm đường cứu người dân gặp nạn. Chứng kiến cảnh tượng trên, nhiều người dân có mặt tại hiện trường không khỏi xót xa.

Anh Nguyễn Văn Tiến  (42 tuổi), một người dân có mặt chia sẻ: “Thương tiếc, xót xa cho những người không may bị gặp nạn. Tôi cầu nguyện, thời tiết sẽ tốt hơn, xin trời đừng đổ mưa nữa để cho lực lượng chức năng thuận lợi trong công tác tìm kiếm tung tích các nạn nhân còn lại”.

Một cán bộ đang công tác tại UBND huyện Phong Điền cho biết: Toàn thể anh em trong cơ quan đều cảm thấy bùi ngùi, đau xót khi nghe tin anh Bình gặp nạn. “Buổi sáng hôm gặp nạn, anh vẫn cùng đoàn công tác đi cứu trợ lũ lụt cho bà con tại địa bàn huyện. Trong lúc đi cứu trợ thì nhận được tin có vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 nên anh tức tốc cùng đoàn lãnh đạo tỉnh và Quân khu 4 chạy lên hiện trường, chưa kịp về nhà thăm vợ, con trước khi lên đường” – vị cán bộ này cho hay.

Nói đến đây, anh cán bộ này bỗng khóc nức lên thành tiếng mà rằng, “Trên đường tiếp cận hiện trường, ai ngờ đâu cả đoàn cứu hộ cùng anh Bình lại gặp nạn”.

Chiếc xe đưa thi hài anh Bình về với quê nhà.
Chiếc xe đưa thi hài anh Bình về với quê nhà.

Trước đó, Báo GD&TĐ đã đưa tin, trưa ngày 12/10, sau khi nhận được tin về sự cố sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Đoàn công tác Quân khu IV gồm 21 đồng chí đã tổ chức đi kiểm tra, khảo sát thủy điện Rào Trăng 3 xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ kịp thời. 

Vào khoảng 14h ngày 12/10, đoàn xuất phát từ cơ quan Huyện ủy, thị trấn Phong Điền bằng phương tiện ô tô để đi thủy điện Rào Trăng, đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ô tô không qua được, đoàn để lại xe và đi bộ vào thủy điện Rào Trăng khoảng 13km.

Đến khoảng 21h cùng ngày, do mưa rất lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, đoàn đã phải dừng chân, nghỉ tại nhà kiểm lâm tại Tiểu khu 67, trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24h cùng ngày, bất ngờ đất đá đổ xuống đè lên tòa nhà mà đoàn đang nghỉ, có 8 người thoát khỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...