Thủy điện phải tuân thủ đúng quy trình tích - xả

GD&TĐ - Hàng loạt thủy điện ở miền Trung, miền Bắc phải xả lũ cấp tập, rồi sự cố sạt lở tại công trình thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế), cho thấy có nhiều vấn đề rất đáng quan ngại khi mùa mưa bão lũ đến.

Thủy điện Lai Châu đồng loạt mở 5 cửa xả lũ vào tháng 8-2020
Thủy điện Lai Châu đồng loạt mở 5 cửa xả lũ vào tháng 8-2020

PV Báo SGGP vừa có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Nhật, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT), về vấn đề này. 

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, có phải do quy trình tích nước - xả nước không được tuân thủ đúng quy định, các thủy điện năm nay tích nước quá sớm, không bám sát thông tin dự báo về nguy cơ mưa lũ do La Nina tác động nên vừa qua phải cấp tập xả lũ?

Ông LÊ MINH NHẬT: Năm nay, các hồ chứa phải xả lũ vì tình hình mưa lũ ngày càng cực đoan, bất thường, không tuân theo quy luật như trước đây. Hiện nay đối với khu vực miền Bắc, đã qua thời gian mùa lũ (từ ngày 15-6 đến 15-9 hàng năm) quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được Thủ tướng phê duyệt.
Vì thế, các hồ đang trong giai đoạn tích nước theo quy trình vận hành và đến ngày 30-9, các hồ được phép tích đến mực nước dâng bình thường. Tuy nhiên, do gần đây xuất hiện nhiều đợt mưa lớn bất thường, cực đoan, các hồ đều tích xấp xỉ mực nước dâng bình thường sớm hơn so với quy trình và có nguy cơ lên cao hơn mực nước dâng bình thường (như thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang vừa rồi). 
Thủy điện phải tuân thủ đúng quy trình tích - xả ảnh 2
Ông LÊ MINH NHẬT
Do vậy, để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, tránh việc phải xả lũ cấp tập nhiều cửa xả đáy, vừa qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã lệnh các hồ chứa mở các cửa xả để giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước dâng theo quy định. Riêng đối với khu vực miền Trung, hiện nay đang trong thời kỳ lũ chính vụ. Mặc dù mực nước các hồ đang ở mức thấp, nhưng do các hồ vừa trải qua đợt mưa rất lớn, nên cơ bản cũng tích được một lượng nước khá lớn. Để đảm bảo việc cắt giảm lũ cho hạ du theo quy trình vận hành liên hồ chứa, các hồ ở miền Trung phải chủ động hạ dần mực nước theo quy trình, để đảm bảo cắt giảm được lũ cho hạ du khi ở miền Trung tiếp tục chuẩn bị đón một trận mưa lũ lớn nữa.

Nhưng việc các hồ chứa phải xả lũ theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” có phải là do “tham bát bỏ mâm”, sợ thiếu hụt nguồn nước cho thủy điện vào mùa khô? 

Quyết định vận hành các hồ chứa phụ thuộc rất nhiều vào công tác dự báo. Nếu dự báo càng chính xác thì càng đưa đến quyết định tích - xả chính xác. Quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay cũng đã được điều chỉnh nhiều lần, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Vì vậy, hiện chúng tôi đang rà soát, tổng hợp gửi cơ quan chủ trì, trình Thủ tướng quyết định điều chỉnh lại quy trình cho phù hợp với tình hình thực tiễn để vừa đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du lại vừa sử dụng được hiệu quả nguồn nước cho thủy điện và sản xuất.

Nhưng nếu thủy điện không chịu xả lũ hoặc xả lũ quá cấp tập thì Ban chỉ đạo Trung ương điều hành như thế nào, có giám sát và can thiệp được không?

Đây là vấn đề nhiều người quan tâm. Tuân thủ theo quy trình vận hành các hồ chứa được Thủ tướng phê duyệt, hàng năm, Ban chỉ đạo Trung ương giao văn phòng thường trực ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn đầu ngành của Việt Nam để tổ chức tính toán và đề xuất các phương án vận hành hàng ngày đối với hồ chứa, gửi về Ban chỉ đạo Trung ương để tham khảo, ra quyết định. Hơn nữa, để kiểm soát, giám sát việc vận hành của các chủ hồ, Ban chỉ đạo Trung ương có hệ thống theo dõi giám sát các hồ như: mực nước, lưu lượng về, lưu lượng xả, camera giám sát… được truyền trực tuyến về văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương.

Hiện nay, chúng tôi cũng đang áp dụng công nghệ của Nhật Bản để theo dõi giám sát việc vận hành của các hồ chứa theo thời gian thực. Còn việc hồ chứa thủy điện Sơn La và Hòa Bình tích nước sớm hay không thì tôi khẳng định một lần nữa là các hồ này vận hành, tích nước theo đúng quy trình. Trong trường hợp có dự báo khu vực miền Bắc tiếp tục mưa lớn, có khả năng làm gia tăng lưu lượng về các hồ chứa thì ban sẽ chỉ đạo hạ dần mực nước để đảm bảo các hồ chứa vận hành an toàn theo quy trình.Vậy hồ chứa nào thì việc đóng mở xả lũ do Ban chỉ đạo Trung ương “lệnh”, còn thủy điện nào thì công ty thủy điện tự quyết định việc đóng mở, thưa ông? Tại sao Thủy điện Hòa Bình vừa rồi mở một cửa xả đáy mà chỉ cần báo cáo ban chỉ đạo chứ không phải do ban chỉ đạo điều hành?

Theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được Thủ tướng phê duyệt, trong thời gian mùa lũ từ ngày 15-6 đến 15-9, Ban chỉ đạo Trung ương trực tiếp vận hành các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà và các chủ hồ sẽ vận hành các hồ Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát. Còn ngoài thời gian mùa lũ như quy định thì sẽ do các chủ hồ chịu trách nhiệm ra quyết định vận hành một cách linh hoạt (phải báo cáo về ban chỉ đạo trước 2 tiếng đồng hồ). Trong trường hợp xảy ra mưa lũ lớn bất thường, các hồ có nguy cơ mất an toàn hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hạ du, ban chỉ đạo sẽ can thiệp như trường hợp vào tháng 10-2017, yêu cầu Thủy điện Hòa Bình lần đầu tiên phải mở 8 cửa xả đáy.

Các thủy điện ở miền Trung khi xả lũ có cần báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương không, hay chỉ cần báo cáo chính quyền địa phương? Hệ thống các thủy điện ở miền Trung, ví dụ như trên lưu vực sông Vu Gia, có quy trình vận hành liên hồ chứa không?

Theo các quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng phê duyệt thì trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khi ban hành lệnh vận hành hồ chứa, ngoài thông báo đến các cơ quan liên quan trên địa bàn, còn phải báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai bằng các hình thức phù hợp.

Đến nay, Thủ tướng đã ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên cả nước, trong đó, liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong những quy trình bắt buộc các thủy điện phải tuân thủ. Để tránh tình trạng lũ chồng lũ, khi có dự báo mưa lũ lớn, các thủy điện ở miền Trung cùng chính quyền các địa phương phải chủ động rà soát, quyết định phương án xả lũ thích hợp để không gây nguy hiểm cho an toàn hồ đập và làm tăng ngập lụt cho hạ du khi mưa lũ lớn.

Theo sggp.org.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ