Thương xót bé gái lớp 5 bị bệnh hiếm gặp

GD&TĐ - Khi vừa lọt lòng mẹ, cô bé ấy đã phải mang trong mình căn bệnh hiếm gặp. Quả tim của bé nằm về phía bên phải ngực, còn bên trái cũng thiếu một lá phổi.

Hai chị em bé gái Lê Thị Anh Thư (phải) và Lê Thị Lan Anh đang nhặt rau giúp bà nội.
Hai chị em bé gái Lê Thị Anh Thư (phải) và Lê Thị Lan Anh đang nhặt rau giúp bà nội.

Đó là cô bé Lê Thị Anh Thư (SN 2010), hiện đang theo học lớp 5A, Trường tiểu học Vĩnh Quang, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá).

Tim nằm bên phải và một lá phổi

Lê Thị Anh Thư là con út của gia đình có 2 chị em. Chị gái của Anh Thư là Lê Thị Lan Anh (SN 2007), hiện đang học lớp 8B, Trường THCS Vĩnh Quang. Hai chị em Thư hiện sống dựa vào bà nội đã gần 80 tuổi, trong điều kiện gia cảnh vô cùng khó khăn, bi đát.

Từ khi lọt lòng mẹ, Anh Thư đã mắc bệnh hiếm gặp. Quả tim nằm ở  phía ngực phải, lá phổi bên trái của em cũng không có.

Khi Anh Thư lên 3, mẹ em đã rời bỏ gia đình, đến nay không trở về. Bố của em là anh Lê Văn Hùng (SN 1982), dù mang trong mình bệnh tật, sức khoẻ không tốt, nhưng vẫn phải bôn ba làm thuê ở phương xa để tích cóp tiền tự điều trị bệnh cho mình và lo cho hai đứa con.

Hai chị em Anh Thư không có cha, mẹ ở bên cạnh, nên phải sống cùng bà nội là Phạm Thị Quy (78 tuổi) ở thôn Eo Lê, xã Vĩnh Quang suốt những năm qua. Hàng ngày, 3 bà cháu bấu víu vào nhau để gắng gượng vượt qua cuộc sống cơ cực và đầy gian khó.

Ba bà cháu Lê Thị Anh Thư.
Ba bà cháu Lê Thị Anh Thư.

Bà cụ Quy năm nay đã ngót nghét tuổi 80, với thân hình gầy gò, khuôn mặt xạm đen, hốc hác ngồi tâm sự rằng: Từ ngày con dâu bỏ chồng con, nhà cửa ra đi, bà cụ phải gánh cả vai cha, vai mẹ với hai đứa cháu nội tội nghiệp, đáng thương.

Bà cụ Quy kể: “Từ ngày Anh Thư được sinh ra, cháu mang trong cơ thể mình tình trạng hiếm gặp. Đó là, quả tim nằm bên phải lồng ngực và thiếu một lá phổi bên trái. Có lẽ vì điều này, nên Anh Thư luôn trong tình trạng bị đau bụng, khó thở, buồn nôn.

Lúc Anh Thư được chừng 3-4 tuổi, cháu bị ốm triền miên. Có 3 lần cháu bị ốm, thoi thóp thở, cơ sở y tế đã trả về để lo hậu sự. Nhưng khi mọi người đang chuẩn bị hậu sự cho cháu, thì người thân phát hiện nhịp thở của cháu mạnh trở lại. Rồi từ ngày ấy, ba bà cháu tôi dựa vào nhau, chăm sóc nhau trong nỗi khó khăn, nhọc nhằn, thiếu thốn và cơ cực như vậy cho đến bây giờ”.

Cũng theo bà cụ Quy, vợ chồng bà có 3 người con, chị gái và anh trai của bố Anh Thư đều có gia đình riêng. Mặc dù các bác đều sinh sống ở địa phương, nhưng hoàn cảnh gia đình đều khó khăn, nên cũng chẳng hỗ trợ được nhiều cho ba bà cháu.

“Hàng ngày, tôi đi làm thuê, như bóc ngô, dọn cỏ vườn ...để kiếm vài đồng chi phí sinh hoạt cho ba bà cháu. Người ta thương tình, hôm thì họ trả công bằng tiền hoặc  cho đồ ăn, thức uống mang về cho cháu. Ngoài ra, khoản trợ cấp xã hội của Anh Thư được 540.000 đồng/tháng, tôi cố gắng tiết kiệm lo ăn uống cho hai chị em chúng.

Gia đình bà cụ Phạm Thị Quy thuộc diện hộ nghèo ở địa phương.
Gia đình bà cụ Phạm Thị Quy thuộc diện hộ nghèo ở địa phương.

Mỗi khi thiếu ăn, thì các bác của hai đứa lại hỗ trợ thêm gạo. Còn bố chúng nó, do ốm đau, sức yếu, nên đi làm thuê cũng chỉ đủ chi phí điều trị bệnh. Thi thoảng, bố các cháu cũng có gửi được vài trăm nghìn đến một triệu đồng về lo cho 2 đứa thôi.

Do cuộc sống khó khăn quá, nên tôi và đứa cháu lớn ăn cơm rau là chính, còn dành tiền mua thịt băm nhỏ, nấu cháo cho cháu Thư ăn, để giữ sức khỏe”, bà Quy nói.

Bà cụ 80 “níu” đời hai cháu bé

Khi được hỏi về ước mơ của mình, ánh mắt của Anh Thư tỏ vẻ đượm buồn và nói: “Con chỉ ước mình được khỏe mạnh bình thường để không phải bỏ học giữa chừng và cao lớn lên, để có thể chăm lo được cho bà nội”.

Cô bé kể rằng, nhiều hôm đang đi học, bỗng lên cơn đau, các thầy, cô giáo lại phải đưa em vào trạm y tế. “Con thường bị đau ở ngực và phía dưới mạn sườn bên phải. Dường như ngày nào con cũng bị đau âm ỉ ở ngực và bụng. Nhiều hôm đau quá không thể chịu được, con lại phải xin nghỉ học.

Có lần, đang học ở trên lớp thì bị đau, các thầy, cô phải đưa con vào trạm y tế. Nhiều lần, thầy cô phải gọi người nhà lên đón về. Nhiều hôm, con đau quá lăn từ giường xuống đất mà không biết gì”.

Do không có điều kiện về người chăm sóc và chi phí, nên mỗi lần Anh Thư lên cơn đau, được người nhà đưa đến bệnh viện tuyến huyện khám điều trị, rồi xin thuốc về nhà tự uống.

Lê Thị Anh Thư cùng bà nội nấu ăn trong căn nhà bếp tồi tàn.
Lê Thị Anh Thư cùng bà nội nấu ăn trong căn nhà bếp tồi tàn.

“Thấy tình trạng bệnh của cháu như vậy, nhiều người khuyên tôi đưa cháu đi khám tuyến trên. Thế nhưng, điều kiện của bà cháu khó khăn quá, nên đành phải chịu.

Có lần, nhờ sự hỗ trợ của nhà hảo tâm, gia đình đưa cháu đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên, các bác sĩ nói, tình trạng bệnh của Anh Thư hiện chưa thể can thiệp được gì”- bà Quy kể.

Cũng theo bà cụ Quy, sau khi thăm khám, các bác sĩ dặn dò bà chăm sóc Anh Thư bằng cách cho ăn ít mỗi lần, ăn thịt băm với cháo hoặc cơm nhuyễn để tiêu hoá tốt…

“Ngoài tình trạng tim, phổi hiếm gặp, Anh Thư cũng thường xuyên phải nhập viện do có biểu hiện đi ngoài, nôn, viêm ruột thừa”, bà cụ Quy cho hay.

Mặc dù ốm đau, bệnh tật như vậy, nhưng Anh Thư rất ham học và không muốn rời bỏ trường, lớp. Hàng ngày, bé vẫn gắng gượng đến trường cùng các bạn, chăm chú nghe thầy, cô giảng bài.

Nhận xét về cô học trò đặc biệt này, thầy giáo Phạm Minh Khôi - Chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Vĩnh Quang, cho biết: Mặc dù bị sức khoẻ yếu, bị bệnh hiếm gặp bẩm sinh, nhưng Lê Thị Anh Thư lại rất ham học. Từ năm học lớp 4 đến nay, tình trạng đau bụng, khó thở, buồn nôn của bé diễn ra thường xuyên.

Do vậy, các bạn trong lớp, các thầy, cô giáo thường hỗ trợ bù bài cho Anh Thư. Vào các dịp lễ, Tết, Ban giám hiệu Nhà trường, lớp học cũng có những món quà nhỏ để động viên, khích lệ tinh thần cho Anh Thư.

Căn nhà của cụ bà Phạm Thị Quy và hai cháu gái đáng thương đang sinh sống hàng ngày tại thôn Eo Lê, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, (Thanh Hóa).
Căn nhà của cụ bà Phạm Thị Quy và hai cháu gái đáng thương đang sinh sống hàng ngày tại thôn Eo Lê, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, (Thanh Hóa).

Gia đình em Anh Thư thuộc diện hộ nghèo, lại có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì thế, ngoài những chính sách hỗ trợ theo quy định của nhà nước, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống của 3 bà cháu.

Tuy nhiên, do điều kiện gia đình Thư quá khó khăn, tình trạng sức khoẻ của em Thư rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm để tiếp thêm sức mạnh cho 3 bà cháu vượt qua khó khăn.

Tâm sự từ đáy lòng mình, bà cụ Quy, bảo: “Tôi cũng không thể biết trong người Anh Thư có bao nhiêu loại bệnh. Giờ đây, tôi chỉ mong sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn về y tế hỗ trợ thăm khám, có hướng điều trị cho cháu, để giảm đi những cơn đau đớn và được sinh hoạt bình thường.

Bước sang năm mới này, tôi đã chạm tuổi 80 rồi. Ở cái tuổi này, sống khỏe được ngày nào là quý ngày đó. Tôi chỉ lo, khi mình nằm xuống, hai chị em chúng nó sẽ không biết bấu víu vào đâu, liệu cháu Anh Thư có thể sống tiếp được nữa không”.

Thông tin liên hệ để thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình bé Lê Thị Anh Thư, xin gọi về:

Bà Phạm Thị Quy (bà nội của Anh Thư), thôn Eo Lê, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, (điện thoại: 0349169693).

Ông Phạm Xuân Ái - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Vĩnh Quang (điện thoại: 0977.828.330).

Anh Phạm Duy Bình - Bí thư Đoàn xã Vĩnh Quang (điện thoại: 0868.581.989)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.