Thường vụ Quốc hội lo ngại chất lượng bảo hiểm y tế

Thường vụ Quốc hội lo ngại chất lượng bảo hiểm y tế

(GD&TĐ) - Trong ngày làm việc 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 21. Một trong những nội dung trọng tâm được đưa lên  bàn nghị sự là kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 - 2012. Buổi làm việc bàn về nội dung này có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

-> Phiên họp thứ 21 UBTVQH: Siết điều kiện lao động ngoại nhập
-> UBTVQH khai mạc phiên họp thứ 21: Sửa đổi Luật Quân đội nhân dân

Đánh giá chưa toàn diện

 

Mở đầu phiên làm việc, TVQH đã nghe Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ báo cáo về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009 - 2012. Theo nhận xét của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, kết quả báo cáo của Đoàn giám sát chưa toàn diện, chưa làm rõ được mặt được, mặt hạn chế; đặc biệt không đưa ra được trách nhiệm trong thực hiện để dẫn đến những hạn chế yếu kém.

Đi sâu hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chỉ rõ những bất cập trong thực hiện khám chữa bệnh BHYT hiện nay, với ví dụ điển hình gây bức xúc trong dư luận là vụ “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) hay một trạm y tế mà làm giả cả giấy tờ, dấu giả, báo cáo khống về BHYT. 

Cũng cho rằng báo cáo chưa đánh giá được thực trạng khám chữa bệnh bằng BHYT hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề: Bây giờ bệnh nhẹ nhưng lại kê nhiều đơn thuốc, yêu cầu xét nghiệm nhiều vượt quá mức chi của BHYT thì giám định việc này như thế nào? Bệnh viện quá tải thì ai cũng thấy rõ, nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc không có đầu tư của Nhà nước thì sẽ ra sao? Do đó, Đoàn giám sát cần có những phân tích sâu hơn nữa, trước khi TVQH có thể xem xét ban hành Nghị quyết thông qua báo cáo giám sát.

Phát biểu tại phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, phải làm rõ hơn mục đích giám sát, tìm ra tồn tại và trách nhiệm khắc phục. Trong báo cáo chưa chỉ ra được trách nhiệm giữa BHYT, bảo hiểm xã hội mà chỉ đề xuất chung chung. Ông Lý cũng nêu một thực tế là bệnh viện tuyến huyện không chuyển bệnh nhân lên tỉnh dù bệnh rất nặng, vì chuyển thì BHYT cũng phải chạy theo. Việc sử dụng BHYT không đúng sẽ ảnh hưởng tới tính mạng sức khỏe của người dân. Vậy tuyến huyện, tỉnh phải có điều chỉnh gì không? Những điều này, báo cáo giám sát chưa làm rõ được.

Cần làm rõ trách nhiệm để xảy ra yếu kém

Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, khi triển khai thực hiện, các cấp đã để sai xót xảy ra. Báo cáo giám sát của UBTVQH mới dừng ở mô tả tình hình khám chữa bệnh, thực hiện BHYT mà chưa chỉ ra được nơi nào làm tốt, chưa tốt, hay trách nhiệm thế nào. 

Chỉ ra thực tế tình trạng không được đối xử công bằng, chi trả bảo hiểm rất lâu, không đủ, nhiều địa phương giữ người lại không cho chuyển lên tuyến trên khiến bệnh của họ trầm trọng hơn; Phó Chủ tịch nước đặt ra câu hỏi với những trường hợp như vậy thì hướng giải quyết là thế nào? Điều này, chưa được báo cáo giám sát đề cập tới. 

Phó Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh đến góc độ tuân thủ pháp luật khi nhiều sự việc buồn đã xảy ra trong quá trình thực hiện, không chỉ ở BHYT mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như: Ăn bớt tiền thương binh liệt sĩ, tiền cho người nghèo, trẻ em vùng cao, người bệnh… làm cho chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân không được như mong muốn. Đây cũng là những vấn đề mà Đoàn giám sát của UBTVQH cần bổ sung, làm rõ trước khi TVQH có thể ra Nghị quyết thông qua.

K.S

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ