“Khúc hát phiêu ly” diễn ra vào đêm 10/7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã khiến biết bao khán giả mãi xúc động khi các nghệ sĩ “rút ruột” hát bằng tấm chân tình. Mọi người động viên tinh thần nhạc sĩ trong những ngày ông đang chiến đấu với bệnh ung thư tụy. Đó cũng là đêm nhạc, dù vô tình nhưng cũng để công chúng nhìn lại sự nghiệp đồ sộ của Phó Đức Phương.
Số phận thành nhạc sĩ
Khi nghe tin nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời, nghệ sĩ – nhà giáo Nguyễn Thăng Long đã phải thốt lên: “Anh Phương ơi! Nếu ngày ấy, anh cứ tiếp tục theo học khoa Toán của Đại học Sư phạm rồi trở thành một giáo viên dạy Toán ở trường phổ thông. Số phận đã an bài: Anh phải trở thành một nhạc sĩ.
22 tuổi, Phó Đức Phương trình làng ca khúc “Những cô gái quan họ” làm ngỡ ngàng bao người. Nhiều nhạc sĩ đương thời nhận định: “Phó” sẽ thành nhạc sĩ lớn sau này.
Nhận định đó hoàn toàn đúng. Điều kỳ lạ là trong các sáng tác của ông: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Chảy đi sông ơi, Bên dòng sông Cái, Về quê, Trên đỉnh Phù Vân... chất dân ca Bắc Bộ tuôn trào từ trong con người ông. Sự dào dạt, bất tận và mạnh mẽ như phù sa sông Hồng mà ông không cần phải học hỏi, nghiên cứu hay bắt chước bất cứ ai. Và có lẽ chính vì điều đó mà số phận bắt ông phải trở thành nhạc sĩ.
“Trong đêm nhạc “Bộ tứ sông Hồng” cách đây 3 năm. Nói chuyện với anh ở Cung văn hóa Hữu nghị. Anh tâm sự: Nhiều năm qua, tớ làm ở trung tâm bản quyền. Công việc nhiều nên sáng tác gần như ngừng hẳn. Giờ tớ bàn giao cho người khác để trở lại với sáng tác. Dự định của tớ là sẽ viết một chùm khoảng 5 ca khúc về đề tài sử thi. Ý tưởng đó nung nấu từ lâu rồi, giờ đã đến lúc phải thực hiện. Tớ coi đó là sứ mệnh của mình. Anh đã kịp viết được 2 ca khúc: Hoa Lư đại trận tập và Mênh mang một khúc sông Hồng”, nghệ sĩ Thăng Long kể.
Bền lâu âm nhạc họ Phó
Là người Việt, ai chẳng từng một lần được nghe: Những cô gái quan họ, Về quê, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây hồ, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh Phù Vân.... Đó là những tác phẩm không chỉ nổi tiếng ngay từ khi ra đời, mà qua thời gian càng khẳng định được sức sống lâu bền.
Nhiều nghệ sĩ thân thiết với Phó Đức Phương cho rằng, điều khiến ông trở thành độc nhất là bởi Phó Đức Phương không chỉ sở hữu một tâm hồn nghệ sĩ thực thụ, mà còn là con người của khoa học, của lý tính. Lời ca của ông giàu đẹp, giàu tính triết lý, trí tuệ, lãng mạn bao nhiêu thì cấu trúc bài hát và giai điệu của ông lại chặt chẽ bấy nhiêu.
Nhà phê bình Nguyễn Quang Long đánh giá về nhạc sĩ Phó Đức Phương như sau: “Ông là một trong số ít nhạc sĩ không chỉ tạo nên phong cách riêng mà phong cách âm nhạc của ông còn có tác động lớn đến đời sống âm nhạc, tạo ra ảnh hưởng trong nhiều thập niên và tiếp tục ảnh hưởng đến tận bây giờ”.
Được trình bày những ca khúc của Phó Đức Phương không chỉ là vinh dự mà còn là thử thách. Nhiều ca sĩ đến với dòng nhạc Phó Đức Phương một cách rất tình cờ nhưng rất thành công. Những danh ca của nền nhạc nhẹ Việt Nam như Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương... là những người như thế, tên tuổi của họ đã gắn liền với tên nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ngược lại, có những ca sĩ dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể hiện nổi giai điệu mà Phó Đức Phương muốn gửi gắm.
Trút gánh nặng đường xa
Theo nhà văn Trần Thị Trường, nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh ra trong một gia đình họ Phó có đông anh em hầu như ai cũng có tài, mỗi người mỗi vẻ, nhưng giống nhau ở chỗ rất bản lĩnh. Người anh cả là nhạc sĩ Phó Đức Vạn thì hóm hỉnh nhất.
Nhưng Phó Đức Phương là người kỳ cục, vừa mạnh mẽ lại vừa nhút nhát. Mạnh mẽ khi sáng tác hay khi biết chắc cái mình làm là cái đúng thì mạnh mẽ và quyết liệt đến cùng. Những tưởng người như ông tình ái rất nhiều nhưng thực ra ông lại rất rụt rè.
Âm nhạc của Phó Đức Phương đậm đặc bản sắc Việt. Ông đào sâu dân ca, sử dụng tốt âm hưởng dân gian, bằng vốn văn hóa dày dặn và tài hoa của chính mình sáng tạo ra những tác phẩm độc đáo, thành số 1. Bản sắc Việt tới đáy nhưng hiện đại phù hợp với thời đại mà chứa đựng sâu sắc cái truyền thống, có khả năng chinh phục cao.
Trừ một câu thơ của nhà thơ Tường Vân, trong cả sự nghiệp, ông hoàn toàn tự viết lời. Ca từ xuất sắc, tính hàm ngụ cao, hòa quyện với giai điệu để tác phẩm giàu triết lý và hình tượng. Không chỉ khắt khe trong sáng tạo tác phẩm, ông còn kỹ lưỡng khi làm việc với nghệ sĩ hòa âm phối khí, với các ca sĩ thể hiện tác phẩm của mình.
Sự nghiệp của Phó Đức Phương ngoài những tác phẩm âm nhạc vài trăm bài để đời, ông có những đóng góp đáng kể với âm nhạc điện ảnh: Đứa con nuôi, Những đứa con, Đời Cát... hay trong lĩnh vực sân khấu: Nguồn sáng trong đời, Vách đá nóng bỏng, Thuyền lá... Ông từng là Tổng đạo diễn Paragame lần thứ II.
Chị Phó Khánh Chi, con gái cố nhạc sĩ Phó Đức Phương, ngậm ngùi: “Hôm nay là 3 ngày bố mất. Bố đã biết mình đi chưa? Bố đang ở đâu? Tâm trạng của bố giờ thế nào? Ngày hôm nay từ sáng sớm cả gia đình đi tìm nơi an nghỉ cho bố. Bảo không khóc để bố được siêu thoát nhưng nhiều lúc vẫn không kìm được lại ôm nhau òa lên khóc.
Thôi trút đi gánh nặng đường xa/Ngược xuôi bôn ba nay ta về nhà ta/Đường trần quá hẹp, lắm vực nhiều khe/Nhà ta mênh mông trăng tràn bốn bề...”.