“Mật mã Hoàng Liên Sơn”
Đã từ lâu, trôi theo những biến đổi của Sa Pa, của Lào Cai và vùng Tây Bắc, người ta cứ nghĩ điệu múa xòe rập rờn của những cô gái vùng cao, tiếng khèn lá, khèn môi... đang chìm vào quên lãng. Nhưng khi xem “Vũ điệu trên mây”, mới thấy Tây Bắc thật diệu kỳ, bao lâu nay sao chưa ai làm được như thế.
“Vũ điệu trên mây” là show nghệ thuật được “phù thủy sân khấu” Phạm Hoàng Nam dàn dựng riêng cho khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai), như một “giá trị gia tăng” cho du khách tới đây. Lấy cảm hứng từ những chất liệu đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc và tinh tế, khéo léo kết hợp chúng với những yếu tố tâm linh huyền hoặc, show diễn chia thành hai phần biệt lập –Vũ điệu trên mây và Tâm linh hội tụ nhưng lại được kết nối với nhau vô cùng tinh tế.
“Tây Bắc có quá nhiều chất liệu độc đáo và đặc biệt. Đó có thể là một phiên chợ tình mờ tỏ trong sương, là đám cưới người Dao rộn ràng, là những khung cửi dệt thổ cẩm lẩn khuất trong các bản xa... Ekip sáng tạo đã vấp phải bài toán khó: Làm thế nào để chắt lọc ra được những giá trị tinh túy nhất, tiêu biểu nhất của Tây Bắc” - đạo diễn Phạm Hoàng Nam, cha đẻ của “Vũ điệu trên mây” nhớ lại.
Để giải nan đề ấy, cả ekip chia nhau đi khắp các bản làng, tự biến mình thành những nhà dân tộc học, mải miết truy tìm thứ “mật mã Hoàng Liên Sơn” vẫn đang còn lẩn khuất. Sau những chuyến điền dã dài ngày, họ quyết định dựng “Vũ điệu trên mây” theo 5 khối màu cơ bản – tượng trưng cho tất cả các dân tộc vùng Hoàng Liên Sơn nói riêng và Tây Bắc nói chung, cũng là những khối màu cơ bản trong chất liệu thổ cẩm vốn gắn liền với đời sống thường ngày của bà con vùng cao.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam và hai biên đạo là NSND Kiều Lê cùng NSƯT Hồng Phong đã sử dụng những tấm vải thổ cẩm lớn với 5 khối màu cơ bản để mở đầu. Những dải thổ cẩm cứ được dệt dài dần, dài dần ra, để rồi khi tấm vải được căng ra nhất, vũ kịch trên mây bỗng đột ngột hóa thành một phiên chợ vùng cao đầy náo nhiệt.
Hàm nghĩa biểu tượng cao cộng với nghệ thuật múa dân gian đương đại kết hợp cùng kỹ thuật múa Duo đã biến sân khấu thành một vũ hội lớn. Trên nền không gian này, mạch truyện được khéo léo “đưa đẩy” sang tình yêu đôi lứa giữa chàng Đỗ và chàng Quyên – cũng là biểu tượng của loài hoa Đỗ quyên đặc hữu của Fansipan huyền thoại. Giữa đại ngàn hoang sơ, họ tìm thấy nhau, nên duyên với nhau. Và khi tình yêu ấy đơm hoa kết trái thì một đám cưới được mở ra.
“Phù thủy sân khấu” Phạm Hoàng Nam một lần nữa chứng minh được cái duyên của mình khi kết hợp được nhiều tầng văn hóa bản địa trong cùng một lớp cảnh, dẫn người xem từ phiên chợ tình người Mông sang đám cưới của người Dao đỏ, nhưng cũng không quên cài vào bên cạnh một vũ điệu Mường Hoa cuồng nhiệt và mê say ở phần kết.
Các mảng màu văn hóa được hòa trộn vào với nhau khiến cho khán giả thực sự choáng ngợp vì độ dày dặn và trầm tích nội hàm của show diễn.
Tính Mộc và một tinh thần Thiền nguyên sơ
Khi cuộc vui lên tới đỉnh điểm với đám cưới viên mãn thì “Vũ điệu trên mây” phát triển sang một lớp cảnh khác. Những bộ trang phục rực rỡ được trút bỏ, thay thế bằng màu trắng tinh khiết. Động tác múa và âm nhạc cũng chậm lại, ngân nga với những câu kệ, tiếng gõ mõ... đậm chất Thiền.
Và khi cảm giác, xúc giác và thị giác đã đủ độ “lắng” thì tất cả được hội tụ lại với tư thế Thiền định trên đỉnh bông hoa sen – cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho đỉnh thiêng Fansipan.
Không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, phần Tâm linh hội tụ còn hàm chứa tính Triết học, thể hiện tư duy độc đáo của “phù thủy sân khấu” Phạm Hoàng Nam. Việc đặt lớp cảnh đậm chất Thiền ngay sau vũ hội Tây Bắc cũng giống như hành trình tìm cái Tĩnh trong Động, tìm thấy sát na bình yên trong tâm hồn mỗi người.
Các yếu tố như lời kệ, tiếng tụng kinh được đan cài lớp lớp kết hợp với kỹ thuật múa hiện đại đẩy dần cảm xúc của khán giả lên cao trước khi bùng nổ với hình ảnh giác ngộ trên đài sen 5 cánh.
Nhìn trên tổng thể, show diễn giống như hành trình khám phá Fansipan: Bắt đầu từ không khí vui nhộn, hội hè, sau đó khi “chạm” vào chân mây, du khách sẽ tìm được sự tĩnh lặng cho chính tâm hồn của mình trong một không gian linh thiêng của Phật giáo.
Mặc dù là show biểu diễn ở không gian mở, mang hơi hướng carnival cộng đồng, nhưng Vũ điệu trên mây lại trầm tích nhiều tầng ý nghĩa và có tính triết lý cao, thể hiện quá trình sáng tạo nghệ thuật đầy nghiêm túc và cẩn trọng của cả ekip.
Đặc biệt, trong bối cảnh không có nhiều doanh nghiệp “dám” bỏ tiền đầu tư làm các chương trình để tôn vinh và nâng tầm văn hóa bản địa như hiện nay, “Vũ điệu trên mây” thực sự đáng xem và đáng để suy ngẫm.