Thương lắm những đôi chân trần trên miền đá lạnh Khau Ản

GD&TĐ -Sớm mùa đông buốt giá trên miền đá lạnh Khau Ản, hành trang đến trường của những đứa trẻ người Mông là bó củi trĩu nặng và túi nilon đựng mèn mén.

Thương lắm những đôi chân trần trên miền đá lạnh Khau Ản

Khau Ản là điểm trường xa nhất, khó khăn nhất của xã Du Tiến, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Mỗi buổi sáng mùa đông rét mướt trên triền núi mờ sương này, những bóng lưng bé xíu của các em bé chỉ chừng 5, 6 tuổi như bị nuốt chửng bởi bó củi cao hơn đỉnh đầu, từng bước nặng nhọc băng rừng đi học.

Những đôi chân trần đã tê cóng vì lạnh, nhưng vẫn kiên trì vượt hàng chục cây số đến trường, bởi trường học là nơi ấm áp nhất của miền đá lạnh Khau Ản.

Điểm trường có 70 học sinh tiểu học và mầm non đều là người dân tộc Mông. Hành trang đi học của các em bên cạnh bó củi là một túi nilon đựng mèn mén và chai nước lã, món ăn duy nhất mà bố mẹ có thể chuẩn bị được cho các con.

Vừa đến trường, bó củi đã ngay lập tức rời khỏi những bờ vai tí hon để thực hiện nhiệm vụ của chúng: sưởi ấm cho cả cô và trò.

Trong cái thời tiết mưa lạnh khắc nghiệt này và sau cả quãng đường dài tê cóng đến từng đầu ngón tay, ngón chân, chỉ có hơi ấm từ lửa mới có thể giúp các con xua tan những cơn run bần bật vì lạnh, làm ấm mềm những ngón tay bé xíu để chúng có thể cầm được phấn, bút mà viết chữ.

Chiếc bàn gỗ đã mục góc lớp là nơi các con “tập kết” đồ ăn chuẩn bị cho bữa trưa. Chỉ vài em có cơm trắng, còn lại đa phần là mèn mén. Thịt, cá, trứng – những thứ tưởng chừng như bình thường lại là niềm mơ ước của những em nhỏ nơi đây.

Thương các em khó khăn, các cô thường xuyên góp rau, góp mỳ để cải thiện bữa ăn cho các con. “Nhìn các bé đến lớp chỉ với túi mèn mén và chai nước lã, đến cơm và rau cũng không có… thực sự rất thương các em” – Cô Bàn Thị Mai, giáo viên điểm trường Khau Ản, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Du Tiến, Yên Minh, Hà Giang chia sẻ.

Thương trò là vậy, cố gắng là vậy nhưng nhiều khi chính các cô cũng “lực bất tòng tâm” không thể lo cho những bữa ăn cho các con khi điểm trường không có bếp, phải đứng nấu ở một góc sân.

“Ngày nắng thì không sao, nhưng ngày mưa gió, muốn nấu cho các em ăn cũng chịu!” – Cô Chu Thị Oanh, giáo viên điểm trường Khau Ản, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Du Tiến, Yên Minh, Hà Giang cho biết.

Lên điểm trường đã hơn 4 năm, cũng là chừng ấy thời gian cô Bàn Thị Mai phải xa gia đình, xa các con nhỏ của chính mình. Không cầm được nước mắt, cô nghẹn ngào chia sẻ: “Khi nhìn các em nhỏ trên này lại nhớ tới con mình. Nhưng vì ở xa, muốn về cũng không về ngay được. Chỉ ước mình được ở gần con những lúc con ốm đau”.

Nhưng thương trò cũng như thương con, cô Mai vẫn kiên trì bám bản, dành hết tình thương yêu cho lũ trò nhỏ, ước mơ một ngày các em có thể được mặc ấm, ăn no, có đầy đủ thức ăn.

Thấu cảm những khó khăn vất vả của cô trò điểm trường Khau Ản, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng đã vượt hàng trăm cây số đến tận nơi thăm các con và dành tặng cho điểm trường 200 triệu đồng để các cô có thể dựng một căn bếp ấm cúng, yên tâm chuẩn bị những bữa ăn ngon cho tụi nhỏ.

“Một căn bếp ấm tuổi thơ sẽ là nơi những bữa ăn ngọt lành từ tình yêu thương của các thầy cô và cộng đồng giúp các em khôn lớn” - Anh Nguyễn Duy Thành, đại diện Đoàn Thanh niên VPBank xúc động nói. “Chúng tôi tin rằng món quà này sẽ phần nào xua tan giá lạnh của mùa đông Khau Ản, mang thêm hơi ấm và niềm vui cho những cô trò nơi đây”.

Khau Ản đã nối dài thêm chuỗi hành trình “Cặp lá yêu thương – Em vui đến trường” của VPBank trong 2 năm qua. Với hơn 35 điểm trường nghèo trên khắp cả nước được xây mới và sang sửa, những đóng góp của VPBank đồng hành cùng cộng đồng và xã hội đã lên tới con số gần 1400 tỷ đồng, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.