Nguyện bám trường, bám lớp nơi lưng chừng núi

GD&TĐ - Nhiều giáo viên tình nguyện đến vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số để dạy học.

Cô Lý Thị Thu trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC
Cô Lý Thị Thu trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Dù khó khăn, thiếu thốn nhiều bề nhưng họ nguyện bám trường, lớp, đem ánh sáng tri thức đến học trò.

Bám bản, bám lớp

Điểm trường Sủng Quáng thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Máng (Mèo Vạc, Hà Giang) có hơn 100 học sinh từ mầm non đến lớp 2. Cô Lý Thị Thu được giao chủ nhiệm lớp 2C, với 26 học sinh dân tộc. Sủng Quáng từng được mệnh danh vùng đất “4 không”: Không điện, không nước ngọt, không sóng điện thoại, không đường.

Giờ đây, Sủng Quáng đã “thay da đổi thịt” nhưng đường đến trường còn lắm gian nan. Điểm trường nằm giữa lưng chừng núi nên hằng ngày, để đến lớp dạy học, cô Thu phải băng rừng, vượt dốc với nhiều “khúc cua tay áo”. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất mà cô Thu và đồng nghiệp phải đối diện là tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt. “Ở rẻo cao này, người dân chỉ trông chờ vào nước mưa và quý nước như vàng…”, cô Thu cho biết.

Dù không phổ biến, nhưng thi thoảng cô Thu và đồng nghiệp phải vào bản để vận động học sinh đến trường. Đa số trẻ chưa nói sõi tiếng Việt nên việc dạy học của cô với trò gặp không ít khó khăn. Mỗi tiết học, cô phải sử dụng cả ngôn ngữ hình thể lẫn vật dụng trực quan để diễn tả cho học trò hiểu.

Khó quá, cô lại chen lẫn tiếng bản địa để giải thích. “Đôi lúc, tôi như chú hề trên bục giảng. Tôi làm tất cả những gì có thể, miễn sao học trò tiếp nhận được bài; từ đó có thêm động lực, yêu thích đến trường, không nản và nghỉ học giữa chừng”, cô Thu chia sẻ.

Hơn 9 năm gắn bó với Trường Mầm non xã Bằng Lãng (Chợ Đồn, Bắc Kạn), mỗi ngày, cô Nguyễn Thị Dung vượt hàng chục cây số đến trường. Ngôi trường nhỏ có gần 100 học sinh. Để đưa con em ra lớp, phụ huynh phải vượt hàng chục km đường đèo, thậm chí băng rừng, lội suối. “Đây là một trong những rào cản khiến việc huy động trẻ đến lớp gặp vô vàn trắc trở”, cô Dung kể.

Nhiều học sinh hoàn cảnh gia đình eo hẹp, không đủ điều kiện đi học. Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Dung và đồng nghiệp đã kiên trì “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động gia đình cho con em đến lớp. “Chúng tôi tình nguyện làm xe ôm, bảo mẫu đưa đón, chỉ cần các em được nuôi dạy, học hành tốt hơn là thấy an lòng”, cô Dung bộc bạch và tự nhủ, làm giáo viên “cắm bản” nghĩa là chấp nhận vất vả, thiếu thốn đủ bề.

“Lớp học nằm trên đỉnh đồi, xe máy không thể đến nơi, chúng tôi phải để xe ven đường, trèo đèo, lội suối mới có thể đến lớp đúng giờ. Bao nhiêu nhọc nhằn cũng chỉ mong các em được đến trường”, cô Dung trải lòng.

Ở xã Bằng Lãng, nhiều gia đình thuộc hộ nghèo. Bữa cơm có thịt là mơ ước đối với con trẻ. Mỗi ngày đi học trẻ thường mang cơm độn ngô, khoai; có khi chỉ vài hạt cơm, cặp lồng mì tôm chan nước… là sang lắm rồi. “Chứng kiến cảnh ấy, không ai bảo ai, giáo viên lại góp tiền, công sức để cải thiện bữa ăn cho trò nhằm níu giữ những bước chân tới trường…”, cô Dung chia sẻ.

Mong trò có tương lai tươi sáng

“Chặng đường phía trước nhiều gian nan, thử thách, dù công việc nhiều vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng, nỗ lực hết mình giúp đỡ học sinh và bà con vùng núi. Tôi hy vọng có cơ hội thể hiện hết năng lực để cống hiến nhiều hơn cho ngành Giáo dục, sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tôi mong Nhà nước có thêm chế độ đãi ngộ, hỗ trợ giáo viên và học sinh vùng cao, đặc biệt khó khăn”.

Cô Phạm Thị Tâm, giáo viên lớp Mẫu giáo thôn Phú Đồng, Trường Mầm non Phú Mỡ (Đồng Xuân, Phú Yên)

Sinh ra và lớn lên tại Thái Bình nhưng cô giáo Phạm Thị Tâm lập gia đình tại Phú Yên. Hiện, cô là giáo viên lớp Mẫu giáo thôn Phú Đồng, Trường Mầm non Phú Mỡ (Đồng Xuân, Phú Yên).

“Có lẽ, duyên nghề, duyên người đã đưa tôi đến vùng đất nắng gió. Cuộc sống tự lập với biết bao khó khăn, vất vả nhưng bản thân cố gắng, quyết tâm học lên đại học rồi cao học. Tôi trở thành thạc sĩ đầu tiên cấp học mầm non thuộc ngành Giáo dục huyện Phú Đồng, với tấm bằng xuất sắc, chuyên ngành Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”, cô Tâm bộc bạch.

Nơi cô Tâm dạy học là vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn nhất của tỉnh Phú Yên. Dù thách thức không nhỏ nhưng cô vẫn bền lòng, vững chí, nguyện “chung thủy” với lựa chọn nghề nghiệp.

“Dù một tuần hay nửa tháng mới về nhà, đường sá khó đi, cuộc sống thiếu thốn nhưng tôi vẫn yêu đời, yêu người và yêu nghề. Bản thân luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giúp đỡ bà con, đồng nghiệp”, cô Tâm tâm sự.

Thời gian dạy học tại thôn Phú Đồng, cô Tâm được tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn của đồng bào Ba Na.

“Lúc như thế, hình ảnh gia đình và thủa ấu thơ cơ cực lại hiện hữu trong tôi. Những ngôi nhà xập xệ trước gió mưa, các cụ già ăn cơm với muối, trẻ em đầu trần, chân đất… Điều đó khiến tôi suy nghĩ, trăn trở: Mình là đảng viên, giáo viên, có trình độ, phải có trách nhiệm và tìm cách giúp bà con vượt qua và vươn lên nghịch cảnh”, cô Tâm bày tỏ.

Với suy nghĩ ấy, nữ nhà giáo bắt tay vào “công cuộc” vận động, kết nối giúp các cụ già neo đơn, người bệnh tật; bày cho người khỏe mạnh “cần câu cơm”, biết cách làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, hợp lý hơn. Nhờ tận tâm, tận lực, cô được các tổ chức, cá nhân, nhóm từ thiện khắp nơi tin tưởng, giúp đỡ. Năm 2022, cô gom được hàng trăm đồ chơi, đồ dùng để chuyển đến các điểm trường khó khăn huyện Đồng Xuân (Phú Yên).

Cô hướng dẫn người dân nấu ăn, chia sẻ với phụ huynh cách nấu cháo dinh dưỡng, làm sữa chua, bánh; giúp họ biết cách chữa bệnh bằng thuốc thay cúng bái, hủ tục.

“Thật may mắn, tôi được chính quyền ủng hộ, dân làng quý mến, tin tưởng và làm theo nên một số hủ tục lạc hậu không còn. Học sinh không chỉ đầy đủ hơn về vật chất mà còn được nuôi dưỡng tinh thần. Tôi luôn trăn trở, có thêm chiếc áo thì một em bé nữa được ấm áp; thêm tấm chăn, cân gạo là nhiều học trò có giấc ngủ trọn vẹn, ngày no bụng...

Nhiều giọt nước tạo thành biển lớn, nhiều sự chia sẻ chiến thắng khổ đau. Những điều nhỏ bé lan tỏa khắp cộng đồng để thắp thêm ước mơ, mở ra tương lai xán lạn cho trẻ em và hướng niềm tin người dân bản làng về ngày mai tươi sáng”, cô Tâm tâm niệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ