Thương binh sau quân ngũ phấn đấu thoát nghèo

GD&TĐ - Trở về cuộc sống đời thường sau quân ngũ, thương binh Trần Văn An đã nỗ lực phấn đấu tự mình vươn lên thoát nghèo.

Thương binh Trần Văn An đã nỗ lực phấn đấu tự mình vươn lên thoát nghèo.
Thương binh Trần Văn An đã nỗ lực phấn đấu tự mình vươn lên thoát nghèo.

Nổ lực của thương binh Sáu Cá Cơm

Trở về cuộc sống đời thường sau những ngày tháng phục vụ trong quân ngũ, nhiều hội viên cựu chiến binh đã tự mình vươn lên thoát nghèo. Họ luôn ý thức rằng chỉ có bản thân nỗ lực cố gắng thì mới mong thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Thương binh Trần Văn An (người dân thường gọi là ông Sáu Cá cơm) cư ngụ tại ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú là một điển hình như thế.

Tháng 8/1982 khi vừa tròn 20 tuổi, thanh niên Trần Văn An lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Ông Sáu An nói cuộc đời ông không bao giờ quên trận đánh ngày 30/6/1983 tại tỉnh Xiêm Riệp. Trận đánh đó ông nói vui với chúng tôi “Tử thần không gọi tên tôi”. Qua 8 giờ giằng co, ông Sáu An cùng đồng đội tiêu diệt hơn 400 tên địch, phía ta cũng có hàng chục người hy sinh và bị thương. Ông Sáu An cũng nằm trong số những người bị thương từ trận đánh này.

Mảnh đạn B41 găm vào người ông. Sau một khoảng thời gian ngất xỉu, bằng nghị lực sống mãnh liệt ông đã cố gắng gượng dậy chạy gần 1 km để nhờ đồng đội cứu chữa, bắng bó vết thương. Sau một tuần hôn mê điều trị chấn thương đầu, tỉnh dậy ông cũng không ngờ mình đã trở về từ cõi chết.

Tháng 5/1985, sau khi điều trị phục hồi ông Trần Văn An được đơn vị giải quyết cho phục viên về quê nhà với tỷ lệ thương tật được xếp loại thương binh hạng 4/4. Không đất sản xuất, chỉ với vài chục ngàn tiền chế độ thương binh hàng tháng không đủ để trang trải cuộc sống gia đình, ông mưu sinh đủ các nghề từ cào hến đến mua bán trái cây.

Năm 1997 vợ chồng ông thống nhất mua 1 chiếc xuồng nhỏ và vài trăm mét lưới để hành nghề thả lưới cá cơm. Tuy thả lưới cá cơm cũng rất vất vả, phải thức khuya, dậy sớm vì tranh thủ con nước cá chạy nhưng bằng sự lao động cần mẫn của người lính Cụ Hồ, gia đình ông đã tích lũy mua dần được 4 công đất vườn. Đến năm 2015 ông cất được căn nhà khang trang với số tiền hơn 200 triệu đồng.Từ đó đến nay cái tên Sáu Cá Cơm đã trở thành tên gọi quen thuộc mà nhân dân, đồng đội thường để dành gọi cho ông.

Ông Trần Văn An tâm sự: “Phục viên năm 1985 gia đình khó khăn nhưng là người lính Cụ Hồ, học theo Bác nên mình cố gắng vươn lên, làm đủ thứ. Đến hôm nay tôi cũng đỡ, bà con gặp khó tôi cũng giúp ổn định đời sống vươn lên”.

Thương binh Trần Văn An, được người dân thường gọi là ông Sáu Cá cơm.

Thương binh Trần Văn An, được người dân thường gọi là ông Sáu Cá cơm.

Gương cựu chiến binh vượt khó

Với vai trò là Chi Hội trưởng Hội cựu chiến binh ấp Phú Mỹ I, ông An luôn gương mẫu trong các mặt công tác hội; tham gia tốt các phong trào tại địa phương, các cuộc vận động, như phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Khi địa phương có chủ trương mở rộng đường giao thông ông đã mạnh dạn hiến hơn 300 mét vuông đất để làm đường, ngoài ra ông còn đóng góp hàng chục triệu đồng để làm cầu, đường giao thông.

Với bản chất của người lính, là 1 thương binh, ông không có tư tưởng công thần. Suốt 30 năm qua ông đã vượt qua cảnh nghèo khó, đem lại hạnh phúc ấm no cho gia đình mình, tham gia tốt các công tác xã hội; thấm nhuần sâu sắc hơn lời dạy của Bác Hồ “ Thương binh tàn nhưng không phế".

Ông Nguyễn Văn Thật, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đồng Phú nhận xét về ông Sau An: “Anh Sáu An là bộ đội Campuchia về. Cuộc sống mới về rất khó khăn, tự bản thân anh bươn chải cuộc sống. Anh đóng góp cho địa phương rất nhiều. Xây dựng NTM ở địa phương đất không nhiều mở lộ anh cũng hiến đất, lộ ngang nhiêu ảnh hiến bấy nhiêu”.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Long Hồ cho hay: "Đồng chí Sáu là thương binh, hộ nghèo mà tích cực vươn lên làm ăn thoát nghèo, xây nhà khang trang đồng thời giúp anh em hội viên khác, bà con xung quanh phát triển kinh tế. Đặc biệt ông óng góp xây dựng nông thôn mới rất tốt và an sinh xã hội. Nhiều năm liều đồng chí được huyện hội, tỉnh hội và UBND huyện khen thưởng"

Cựu chiến binh Trần Văn An cũng được huyện Long Hồ khen thưởng trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ