“Thuốc” trị nịnh

GD&TĐ - Hôm rồi, vô tình nghe câu chuyện ở quán cà phê dọc đường, có ý khá phổ biến khi người hỏi: “Hôm qua bị choảng thế có sợ không?” và người khác đáp: “Sao mà sợ hả anh? Đấy là em góp ý, chứ không phải chê. Chả nhẽ cứ khen nhau không thật lòng. Chả nhẽ cứ nịnh nọt, bợ đỡ”…

“Thuốc” trị nịnh

Cũng không ít lần được nghe những chuyện đại loại như thế. Đấy là những câu chuyện về các buổi họp, bình xét, góp ý, đánh giá cá nhân, tập thể mà có phần nhận xét về phẩm chất đạo đức, năng lực làm việc, mối quan hệ… của cá nhân, tập thể. Không thấy bao nhiêu sự chân tình, thẳng thắn, góp ý mang tính xây dựng.

Đành rằng phần lớn chúng ta đều không thích bị chê, phê bình. Vì thế, hễ bị góp ý hầu như ai cũng nhất quyết bảo vệ mình, thậm chí căng thẳng. Chuyện ấy là cơm bữa, trường diễn qua thời gian, ở nhiều môi trường, thâm nhập sâu rộng vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Nó góp phần làm xáo trộn, biến động, thủ tiêu ý chí đấu tranh vì cái chung, sự hoàn thiện, tiến bộ. Cái gọi là văn hóa “bỏ qua cho lành” ra đời… Nhưng không thể để sự thờ ơ, vô cảm ấy xâm lấn, lan tỏa, ngự trị trong mỗi cá nhân, tập thể. Như thế, vô hình trung chúng ta đã đồng lõa, thỏa hiệp trước cái không đúng, cái sai…

Thành ngữ có câu: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, hiểu đại ý rằng những lời khuyên tốt, thẳng thắn, trung thực nghe khó lọt tai nhưng có ích cho người nghe, giống như thuốc tốt có vị đắng nhưng giúp người bệnh khỏe mạnh. Cũng như “thuốc đắng dã tật”, sự thật gây mất lòng ban đầu ấy có thể mang lại kết quả tốt đẹp, nếu người nghe nhìn nhận bình tâm, tiếp thu, điều chỉnh căn cốt những gì được góp ý chân thành, chuẩn mực.

Khi văn hóa phê bình, tự phê bình được đối xử đúng mực, khách quan, những lời nói thật mới có cơ hội sinh sôi, nảy nở, góp phần cải thiện tích cực những mối quan hệ chung, riêng cũng như hiệu quả làm việc. Như thế, cũng là cách góp phần gia tăng sự ổn định, đoàn kết, công tâm nhìn ra sự thật để phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế của mỗi người, mỗi đơn vị, tạo dựng cơ sở, gốc rễ cho mọi chuyện tốt lên, cho sự tăng trưởng, phát triển hiệu quả, bền vững. Đó cũng chính là cách để những sự vuốt ve, xu nịnh, bóng bẩy, bợ đỡ, ngợi ca một cách thái quá, không thực chất, phản tác dụng bị ngăn chặn, đẩy lùi.

Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018, phê duyệt Đề án Văn hoá công vụ. Đáng nói, Đề án cũng chỉ rõ rằng: “Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng chỉ đạo, điều hành phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”.

Có lẽ, từ nay trở đi, cái sự “nịnh bợ lấy lòng (cấp trên) vì động cơ không trong sáng” mới hy vọng bị ngăn chặn. Và như thế, “thuốc đắng” mới có cơ hội phát huy tác dụng để đặc trị “bệnh” nịnh bợ lấy lòng cấp trên…

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.