Thước đo từ giải Vàng?

GD&TĐ - Câu chuyện thước đo từ giải Vàng vẫn tiếp tục là điểm 'nhạy cảm' mỗi khi được bàn đến trong việc tôn vinh sự cống hiến đích thực của nghệ sĩ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bộ VH,TT&DL vừa tổ chức các hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng và lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” khu vực phía Bắc.

Theo đó, tiêu chuẩn: 2 giải Vàng quốc gia đối với danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và 4 giải Vàng quốc gia với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, tiếp tục được đưa ra là thước đo “chủ chốt” trong việc xét tặng danh hiệu.

Tiêu chuẩn này đem đến không ít băn khoăn đối với người trong cuộc. Lĩnh vực sân khấu thì cho rằng, khi các cuộc thi, hội diễn ngày càng “nở rộ” cùng những “cơn mưa” giải Vàng - Bạc, việc quy định số lượng giải Vàng như thế (có cả việc quy đổi, cộng dồn…) là quá dễ dãi và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của danh hiệu.

Lĩnh vực điện ảnh lại lo ngại số lượng ấy là quá nhiều vì để được giải Vàng quốc gia của điện ảnh vô cùng khó khăn. Do tính chất đặc thù, từ giải Cánh diều đến các kỳ cuộc liên hoan phim trong nước và quốc tế chỉ khuôn lại ở số lượng nhất định với các giải: Phim xuất sắc; Nam/nữ chính xuất sắc…

Như vậy, câu chuyện thước đo từ giải Vàng vẫn tiếp tục là điểm “nhạy cảm” mỗi khi được bàn đến trong việc tôn vinh sự cống hiến đích thực của nghệ sĩ. Nhất là, trong giới sân khấu, ngay từ mỗi kỳ cuộc liên hoan, hội diễn, những ì xèo về sự xứng đáng hay không của giải Vàng - giải Bạc cũng chưa bao giờ ngớt.

Rồi thì, chuyện rất lâu rồi nghệ sĩ ấy không hề có vai nhưng bỗng đâu “tái xuất”, có khi được ưu ái thông cảm nhường cơ hội nhưng cũng có hiện tượng tranh giành vì sắp tới có liên hoan, cuộc thi.

Mục đích không có gì khác là phải “cày” đủ số lượng giải Vàng để còn sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Rồi thì, sau khi đạt được mục đích lại tiếp tục vắng bóng những đêm diễn thường xuyên của đơn vị.

Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao có nghệ sĩ lành nghề, tận tụy cống hiến, thường xuyên cùng đồng nghiệp vượt khó đem nghệ thuật tới vùng sâu, vùng xa mà quên đi những giải Vàng - Bạc hoặc quá chân chỉ, lành hiền không thể cạnh tranh vai diễn dự thi luôn bị sót lại phía sau? Nhiều trường hợp khi được quan tâm đến thì xót xa thay đã về miền mây trắng…

Và cũng còn đó, không ít người mang danh Nghệ sĩ nhân dân nhưng chắc gì đã một lần về với nhân dân biểu diễn; hoặc không có thực lực, tài năng nên khi được xướng danh thì chẳng ai biết mặt, đặt tên. Hoặc cũng có trường hợp được tôn vinh danh hiệu là bỏ bẵng, thờ ơ, thậm chí lợi dụng danh hiệu ấy để kiếm tiền từ người hâm mộ ngây thơ…

Đã đến lúc phải thay đổi tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu, trong đó có lẽ không nên để giải Vàng - Bạc là “thước đo” gần như quyết định. Rất cần một hội đồng xét tặng danh hiệu uy tín, am tường, công tâm thẩm định về cả quá trình công tác, cống hiến của nghệ sĩ; trong đó, cùng với tài năng thì sự tận tâm, gắn bó, trăn trở, đau đáu “rút ruột nhả tơ” cho nghề luôn cần được tôn vinh hơn cả!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy đo vi khí hậu Kestrel 5500 công ty đo đạc