Thuở ban đầu của nền báo chí Việt Nam

GD&TĐ - Triển lãm trực tuyến 'Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945' giúp công chúng định hình rõ ràng hơn về những tờ báo đầu tiên xuất hiện ở nước ta.

Toàn cảnh nhà máy giấy Đáp Cầu.
Toàn cảnh nhà máy giấy Đáp Cầu.

Khoảng 100 tài liệu, hình ảnh, đầu báo lựa chọn từ các khối tài liệu đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cũng như sưu tầm từ các thư viện, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước được trưng bày nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023).

Người sưu tầm những tờ báo đặc biệt

Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng sở hữu nhiều tờ báo quý hiếm.

Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng sở hữu nhiều tờ báo quý hiếm.

Triển lãm “Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945” bắt đầu diễn ra từ 21/6 trên nền tảng trực tuyến (https://archives.org.vn) do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thực hiện. Ngoài các tư liệu, hình ảnh, đầu báo lựa chọn từ các khối tài liệu đang bảo quản tại trung tâm cũng như sưu tầm từ các thư viện, cơ sở nghiên cứu.

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, triển lãm ghi nhận sự đóng góp quý báu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia với những tờ báo cách mạng dù đã úa màu thời gian nhưng vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Đặc biệt có sự góp sức của nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng với những đầu báo được xuất bản ở Việt Nam cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Nhà sưu tập Nguyễn Phi Dũng là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực máy tính, nhưng cũng rất đam mê sưu tầm báo chí. Trong căn phòng rộng khoảng 100m2 tại TP Nam Định (tỉnh Nam Định) cũng là nơi ông trưng bày hàng tấn sách, báo, tạp chí - trong đó có những tờ báo đầu tiên của nền báo chí Việt Nam, rất quý hiếm và giá trị. Bởi vậy, nhiều người gọi căn phòng ấy là bảo tàng báo chí.

Ông Dũng chia sẻ rằng, đã có hàng chục năm sưu tầm đồ cổ như bát, đĩa, bình vôi gốm thời Lê; đài, máy đánh chữ trước năm 1975; bàn tính gẩy (Suanpan) của Trung Hoa… Việc sưu tập sách, báo mới chỉ tiến hành được khoảng 5 năm gần đây.

Cha của ông Dũng là cụ Nguyễn Phi Hùng có thói quen đọc và sưu tầm rồi đóng quyển báo từ những năm 1970. Tuy nhiên sau này, vì cuộc sống có nhiều khó khăn nên những tập báo cũ bị bán đi. Tiếc nuối về những kỷ niệm ấy, lại sợ những “bảo vật” xưa sẽ bị bán sang nước ngoài nên sẵn mối quan hệ trong giới sưu tầm cổ vật, ông quyết tâm tìm lại ký ức xưa.

Sau vài năm tiến hành, ông Dũng đã sưu tập được hàng trăm nghìn tờ báo từ hơn 500 đầu báo khác nhau. Hiện khối lượng sách, báo, tạp chí mà ông Dũng có đã nặng tới hàng chục tấn nên phải lắp điều hòa, máy hút ẩm để bảo vệ bộ sưu tập báo cũ khỏi hư hại.

Trong số đó, có 5 tờ báo quý được ông Dũng liệt vào cấp đặc biệt, gồm: Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ do nhà học giả Trương Vĩnh Ký làm Chánh tổng tài. Tờ báo ông Dũng đang sở hữu xuất bản năm 1896.

Thứ hai là tờ báo Cờ Giải Phóng - Cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 1 ra ngày 10/10/1942 do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách đồng thời là cây bút chính luận chủ yếu của báo. Tờ báo này ra tới số 33 thì dừng. Hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia chỉ có 32 số báo Cờ Giải Phóng, còn thiếu số báo phát hành đầu tiên. Để mua được tờ báo này, ông Dũng phải bỏ ra 50 triệu đồng và mua kèm 4 tờ báo khác.

Thứ ba là tờ Xung Phong - Cơ quan cổ động của Việt Minh tỉnh Bắc Giang, số 9 ra ngày 15 tháng 9 âm lịch (chưa rõ năm) với những tiêu đề chính như: Khổ! Khổ!; Xích xiềng cả; Công tác vận động…

Cuối cùng là 2 tờ báo Cứu Quốc - Cơ quan ngôn luận của Việt Minh toàn quốc. Gồm tờ số 5 ra ngày 23/9/1942, và tờ đặc biệt (số Xuân) ra ngày 5/1/1943.

Nhà Nguyễn lập báo

'Đăng cổ tùng báo' - một tờ báo do vua Đồng Khánh cho phép thiết lập vào năm 1886.

'Đăng cổ tùng báo' - một tờ báo do vua Đồng Khánh cho phép thiết lập vào năm 1886.

“Đại Nam đồng văn nhật báo” 大南同文日報 là tờ quan báo chữ Hán đầu tiên ở Bắc Kỳ. Báo gồm 8 trang và được in vào Chủ nhật hàng tuần, bán với giá 4 quan một năm. Từ số báo 793, trang đầu tiên, ở giữa vẫn đề chữ “Đại Nam đồng văn nhật báo” nhưng góc bên đề thêm chữ “Đăng cổ tùng báo”, trang trong đề dòng chữ “Đại Nam đăng cổ tùng báo”. Kể từ số này, báo gồm 16 trang, trang lẻ in chữ Hán, trang chẵn in chữ Quốc ngữ.

Triển lãm trực tuyến “Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945” được bố cục 2 phần. Phần I - “Những cột mốc làng báo”, giới thiệu một số dấu mốc thời gian quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam từ khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ đến trước năm 1945.

Phần II - “Ấn loát và lưu hành”, trưng bày tài liệu, hình ảnh về một số vấn đề gắn liền với công tác phát hành và lưu hành báo chí, gồm có giấy in, nhà in, lưu chiểu, bán báo và quảng cáo.

Thông qua triển lãm, công chúng được chiêm ngưỡng những tài liệu quý hiếm về thuở ban đầu của báo chí Việt Nam. Do hoàn cảnh lịch sử, Nam Kỳ trở thành cái nôi của báo chí hiện đại với tờ báo đầu tiên được phát hành tại Nam Kỳ là “Bulletin officiel de l’Expédition de Cochinchine” (Công báo Quân viễn chinh Nam Kỳ) được in bằng tiếng Pháp vào năm 1861, tiếp đó là tờ công báo “Bulletin des Communes” (Xã thôn công báo) và “Courrier de Saigon” (Tây Cống nhật báo).

Indochine hebdomadaire illustré (Tuần san Đông Dương minh họa).

Indochine hebdomadaire illustré (Tuần san Đông Dương minh họa).

Tiếp đó là Gia Định Báo ra đời ngày 15/4/1865 do Trương Vĩnh Ký sáng lập, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút, được các nhà sử học ghi nhận là đứa con đầu lòng của báo chí Việt Nam.

Năm 1886, năm Đồng Khánh thứ nhất có sớ tâu: “Theo phong tục của các nước đều có nhật báo tin tức... Việc ấy tuy còn xa lạ, nhưng lấy đó làm nghị luận chung về phải trái, để rõ tình hình trong và ngoài, gặp lúc xử sự tức biết nghị luận, dư luận ra sao...

Nước ta từ xưa đến nay chưa hề có làm nhật báo này, vì thế tình hình bên trong không thể truyền đạt ra bên ngoài. Trước mắt đối với việc giao thiệp, nhật báo là ưu tiên… Nay xin bắt chước phương pháp của các nước mà lập ra Đại Nam Công báo cục, nhưng do Sử quán kiêm nhiệm. Cứ 10 ngày hợp làm một tờ báo”.

Sau đó vua Đồng Khánh chuẩn y cho ra đời tại miền Trung và miền Bắc tờ Đại Nam đồng văn nhật báo. Từ số 793 ngày 28/3/1907, tờ báo này đổi tên thành Đăng cổ tùng báo ra song ngữ chữ Hán và Quốc ngữ. Đến năm 1945, hàng trăm tờ báo bằng tiếng Pháp, chữ Hán và chữ Quốc ngữ đã ra đời ở cả ba kỳ Bắc - Trung - Nam.

Từ khi báo chí du nhập vào Việt Nam đã kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề gắn liền với lĩnh vực này như sản xuất giấy in, in ấn, lưu hành, phân phối báo chí và quảng cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ