Thung lũng Silicon đã vào trường học như thế nào?

GD&TĐ - Với những chiến lược thâm nhập của riêng mình, các tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon xem giáo dục, dù ở cấp lớp tiểu học, trung học, là lĩnh vực tiếp cận đầy tiềm năng để tạo ra các kết quả có lợi cho cả đôi bên. Thông qua chương trình đầu tư thiết bị công nghệ phù hợp, những ứng dụng công nghệ tích hợp hỗ trợ thích hợp, Thung lũng Silicon đang từng bước thâm nhập và chinh phục giáo dục tại từng nhà trường, từng lớp học và từng học viên.

Thung lũng Silicon đã vào trường học như thế nào?

Khuyến khích đầu tư công nghệ

Việc sử dụng máy tính xách tay trong quá trình học tập không còn quá xa lạ đối với các học viên, đặc biệt ở cấp lớp cao đẳng hay đại học. Mặc dù vậy, số lượng và nhu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ lại giảm dần theo lứa tuổi và ở cấp tiểu học thì học sinh gần như không cần đến một chiếc máy tính để học tập hay làm bài tập về nhà.

Tuy nhiên, quan điểm này lại đang có xu hướng thay đổi tại một số bang tại Mỹ, đơn cử như tại bang Maryland, khi các trường tiểu học trọng điểm tại thành phố lớn nhất của bang, Baltimore, đã bắt đầu trang bị và yêu cầu học sinh sử dụng máy tính xách tay và các phần mềm giáo dục được phát triển đặc biệt.

Nổi bật trong số đó là trường Tiểu học Công lập hạt Baltimore, một trong những trường công lập lớn nhất tại Mỹ, đã đầu tư máy tính xách tay cho mỗi học viên và xây dựng phần mềm giảng dạy toán, khoa học và ngôn ngữ với tổng ngân sách lên đến hàng triệu USD.

Đây chỉ là một ví dụ trong kế hoạch tổng thể của thành phố, vốn đã cam kết sẽ đầu tư 200 triệu USD để trang bị các máy tính xách tay cho toàn bộ học sinh tiểu học tại các trường công lập, đồng thời đẩy mạnh dự án xây dựng phần mềm giảng dạy chuyên biệt.

Không chỉ tại Maryland, mà hầu như tại tất cả các bang của nước Mỹ, các công ty, tập đoàn công nghệ đã bắt đầu chiến dịch kết hợp với nhà trường để đưa công nghệ vào lớp học. Các công ty này thường tiếp cận các nhà lãnh đạo giáo dục của địa phương, từ các quan chức trong cơ quan quản lý giáo dục, cho đến hiệu trưởng các trường để chào mời chương trình đầu tư trang bị máy tính xách tay hay công nghệ hỗ trợ giáo dục đặc biệt.

Đơn cử như công ty máy tính hàng đầu nước Mỹ, HP, đã có chiến lược quảng bá sản phẩm của mình đến các trường tiểu học, trung học cơ sở để thúc đẩy đầu tư.

Nhằm đẩy nhanh quá trình hợp tác, vốn cũng có lợi cho nhà trường, HP còn cam kết sẽ đầu tư một khoản tiền không nhỏ cho nhà trường để phát triển những dự án thúc đẩy công nghệ hóa giáo dục.

Ngoài ra, HP cũng tổ chức các hội thảo giáo dục đặc biệt, sự kiện mà những nhà quản lý giáo dục hay hiệu trưởng sẽ là những khách mời đặc biệt được chi trả toàn bộ chi phí đi lại, nghỉ ngơi vốn.

Không chỉ HP mà hầu hết các tập đoàn công nghệ lớn đều có những cách thức chào mời và hợp tác với nhà trường. Các công ty này đều xem những trường tiểu học và trung học công lập là một thị trường đầy tiềm năng, với doanh thu bán hàng có thể lên đến 21 tỉ USD vào năm 2020.

Có một thực tế là với những đề nghị hợp tác hấp dẫn và những lợi ích mà các công ty công nghệ hứa hẹn sẽ mang lại, hầu hết các trường đều đồng ý các lời mời từ những tập đoàn công nghệ đến từ Thung lũng Silicon này.

Các phương thức tiếp cận và bán hàng của những công ty công nghệ này vẫn là một hoạt động hợp pháp và mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và các công ty tại Thung lũng Silicon vẫn là mối quan hệ mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Vì thế, mặc dù cho đến nay không có bất kỳ nghiên cứu cụ thể chứng minh việc sử dụng máy tính và các phần mềm hỗ trợ công nghệ trong lớp học có thể cải thiện kết quả học tập, nhưng các trường từ tiểu học cho đến đại học tại Mỹ đều sẵn sàng hợp tác đầu tư với các công ty, tập đoàn công nghệ để chuẩn bị cho thời kỳ phát triển mới của nhân loại.

Phát triển công nghệ không vụ lợi

Việc nhà trường tập trung đầu tư công nghệ, đổi lại việc các lãnh đạo cấp cao của nhà trường được hưởng những đặc quyền từ những công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon từng bị chỉ trích rằng, những nhà quản lý này đang vì quyền lợi riêng chứ không vì mục đích chung của nhà trường.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo giáo dục tại các trường công lập đang đầu tư những khoản tiền không nhỏ vào công nghệ giáo dục kỹ thuật số lại cho rằng, sự đầu tư này không chỉ vì những lợi ích mà họ hay nhà trường sẽ nhận được mà qua đó còn giúp thực hiện các nhiệm vụ khác mà giáo dục đã đặt ra.

Đầu tiên đó là sự bình đẳng trong giáo dục. Ví dụ tại Baltimore, toàn hạt có hơn 174 trường công lập và mỗi trường gần như có một hệ thống tổ chức giáo dục khá khác nhau.

Trong số này, có những ngôi trường phát triển rất mạnh mẽ và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, cũng còn những ngôi trường với cơ sở vật chất hạn chế và chất lượng cũng không đảm bảo.

Chưa dừng lại tại đó, tại một số trường với số lượng sinh viên quá tải, việc thiếu hụt những công nghệ giảng dạy hay quản lý giáo dục cũng khiến cho ban điều hành và đội ngũ giảng dạy vô cùng đau đầu.

Đó cũng chính là lý do từ những năm 2012, khi mà các tập đoàn công nghệ ngỏ ý muốn hợp tác với các trường để đẩy mạnh đầu tư trang bị các thiết bị và công nghệ hiện đại, một số hiệu trưởng và nhà quản lý giáo dục đã đấu tranh để thực hiện những cuộc cải cách kỹ thuật số tại nhà trường.

Mục tiêu chính của cuộc cải cách là để tăng cường công nghệ trong công tác giảng dạy và quản lý nhưng qua đó cũng là dịp một số nhà trường được tài trợ một khoản ngân sách để phần nào bắt kịp tốc độ phát triển chung của giáo dục toàn hạt.

Như vậy, với việc phát triển công nghệ, mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa nhà trường và các tập đoàn công nghệ, không chỉ giúp cho các học viên của trường phát triển các tiền đề cần thiết để phục vụ cho nền kinh tế mới, mà qua đó còn tạo ra sự đồng đều, bình đẳng nhất định cho toàn hệ thống giáo dục.

“Tại sao học sinh lớp 1 cần được trang bị máy tính xách tay và phải tập làm quen với công nghệ ư? Đó là vì chúng ta cần tạo ra sự bình đẳng trong giáo dục và nó chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta trang bị cho toàn bộ học viên những gì chúng cần trong thời đại mới này”, Dallas Dance, nhà quản lý giáo dục tại một trường tiểu học công lập tại hạt Baltimore, chia sẻ.

Bên cạnh đó, Dance cũng chia sẻ rằng, quá trình hợp tác đầu tư của các tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon cũng không hề đơn giản và chỉ chú trọng vào doanh số như mọi người vẫn nghĩ.

Theo đó, để có thể nhận được lời mời hợp tác và đi vào quá trình đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ tại nhà trường, những hiệu trưởng hoặc bộ phận chuyên trách của nhà trường phải trình bày được các kế hoạch công nghệ mà mình sẽ áp dụng trong tương lai.

Như vậy, việc các tập đoàn công nghệ cố tình tiếp cận các nhà lãnh đạo giáo dục để đẩy nhanh quá trình hợp tác là có nhưng đó là chỉ với những người mà kế hoạch phát triển công nghệ trong giáo dục của họ thật sự khả thi và gây được sự thích thú với những tập đoàn công nghệ lớn này.

Không dừng lại tại đó, trong quá trình hợp tác, những công ty này, như Dell, HP, Microsoft sẽ tiến hành đánh giá mức độ hiệu quả của những dự án công nghệ này và quyết định xem liệu họ có tiếp tục mối quan hệ hợp tác này hay không.

Đã từng có thời điểm các nhà giáo dục lên tiếng cảnh báo rằng, sự can thiệp quá sâu của khoa học công nghệ hiện đại có thể giết chết những giá trị cốt lõi của giáo dục. Tuy nhiên, khi mà những thiết bị và công nghệ giáo dục được ra đời và tạo những sự thuận tiện nhất định đối với người dạy lẫn người học, quan điểm ấy ngày càng trở nên nhạt nhòa.

Dù không thể chứng minh được công nghệ sẽ giúp kết quả học tập được cải thiện nhưng nếu xét một cách công bằng thì công nghệ lại đang mang đến nhiều giá trị cho giáo dục hiện đại như giúp tăng cường độ bao phủ, giúp ai cũng có thể được đi học và nhất là tạo ra một sự bình đẳng nhất định trong giáo dục, điều được xem là cái đích mà các nền giáo dục toàn cầu đang hướng đến.

Theo New York Times, Education Next, Digital Promise, BCPS News Center

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.