'Thung lũng Đồng Vang', nơi gieo mầm tình cảm thiêng liêng

GD&TĐ - 'Thung lũng Đồng Vang' của nhà văn Trung Sỹ trở thành tác phẩm xuất sắc nhất ở lĩnh vực văn học thiếu nhi của giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2022.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Vượt qua nhiều tác phẩm, “Thung lũng Đồng Vang” của nhà văn Trung Sỹ đã trở thành tác phẩm xuất sắc nhất ở lĩnh vực văn học thiếu nhi của giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2022.

Trước đó, khi ra mắt, tác phẩm cũng tạo được sức hút với độc giả, một số nhà nghiên cứu còn xem đây là “làn gió mới” thổi vào đời sống văn học thiếu nhi Việt Nam đang có những dấu hiệu “chững lại” bởi những tác phẩm quen thuộc, na ná nhau từ nội dung đến bút pháp.

Bước chân vào không gian của “Thung lũng Đồng Vang”, người đọc sẽ cảm nhận được sự tươi mới của làn gió ấy bởi những thanh âm trong trẻo và bình yên của những đứa trẻ tuổi chơi, tuổi học, trên cái nền đa sắc của cảnh quan và văn hóa rất đặc biệt ở một vùng đất mà chính nhà văn đã sáng tạo nên.

Thế giới trẻ thơ trong sáng và yên vui

Tác phẩm “Thung lũng Đồng Vang” là tập truyện dài gồm nhiều truyện ngắn nhỏ được liên kết với nhau, tập trung khai thác chủ đề đời sống sinh hoạt thường ngày của một nhóm bạn Thụy, Thảo, Dực, Linh, Trương, Loan... cùng thầy cô, gia đình, hàng xóm ở thung lũng Đồng Vang.

Mỗi câu chuyện là một tình huống, một phi vụ của nhóm bạn ấy. Hôm nay có thể là câu chuyện cười ra nước mắt với nhà quay phim chăn vịt tên Dực, chỉ vì mãi quay đàn vịt đang tắm để đưa lên TikTok với hi vọng kiếm nhiều tiền lãi hơn việc nuôi vịt mà bị đàn ong đuổi cắn đến sưng cả mặt, bạn bè đến thăm không dám lấy khăn che mặt xuống.

Ngày mai lại có thể là câu chuyện của thằng Thụy cố bắt con chuồn chuồn và nén đau cho nó cắn với hi vọng sẽ biết bơi ngay lập tức.

Và một ngày khác là câu chuyện cả nhóm bạn lén giải cứu con chim khướu bạc má của ba cái Loan vì thương nó bị nhốt trong lồng. Hoặc li kì hơn là các phi vụ lật tẩy trò lừa bịp của cô đồng Dụ về chuyện cái miếu có rắn thần, phi vụ đột kích các thuyền bắt cá bằng điện trên sông…

Cứ như thế, các câu chuyện đã cùng nhau tái hiện thật sinh động đời sống của các bạn nhỏ miền núi vừa quen thuộc, vừa thú vị với biết bao vui buồn đáng nhớ.

Khi viết “Thung lũng Đồng Vang”, nhà văn Trung Sỹ chia sẻ rằng: “Tôi viết cuốn này cho các em, cũng chính là viết cho tôi như một đối trọng, một ước mơ về những ngày tươi sáng yên lành. Viết cho các em cũng là tự an ủi tâm hồn sứt sẹo của mình vậy”.

Có lẽ vì thế nên những đứa trẻ trong tác phẩm luôn được sống trong bầu khí quyển của lòng yêu thương và cứ từ đó mà lớn lên một cách yên bình. Ông của Thụy và Thảo yêu thương cả hai theo cách của một người lính luôn bị quá khứ lục vấn, luôn đau đáu việc phải kể lại câu chuyện của mình và gia đình để vừa kết nối thế hệ, vừa mong muốn chúng sống một cuộc đời đúng đắn.

Bố của Trương yêu thương con theo cách giản dị, bộc trực, kêu la ầm ĩ, đòi bắt đền con khi thằng Trương bị cửa sổ lớp học sập đè lên người. Thầy Thức, cô Vi dành những năm tháng thanh xuân rời Hà Nội lên với trẻ em vùng núi…

Dẫu mỗi đứa trẻ đều có cá tính, cũng lắm khi nghịch ngợm quá đà, song chúng đều được chỉ dạy trong bao dung. Và nhờ thế mà sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ vẫn được bảo toàn trọn vẹn.

Tuy hướng đến tạo dựng một thế giới trẻ thơ trong sáng và yên vui, song tác phẩm không đơn thuần đặt những đứa trẻ trong một không gian vô trùng, thuần khiết.

Giữa những câu chuyện rất trẻ con như tranh nhau mang cây muồng hoàng yến vừa nảy mầm của Thụy và Thảo, bắt chuồn chuồn cắn rốn của Thụy, ước mơ làm TikToker của Dực,… là những vấn đề nghiêm túc và sâu sắc mà ở một góc độ nhất định, trẻ em cũng cần được tiếp xúc và được định hướng để lựa chọn thái độ sống phù hợp.

Lời nhắc nhở của thầy Thức về việc đừng giết hại sinh vật, dù chỉ là chim, cóc nhái, tắc kè,… làm trò vui; sự phẫn nộ của ông Kiền trước những nhũ đá nghìn năm trong động Pung bị chém cụt hay nạn xiệc trộm cá đêm;… đã được chúng ghi nhớ, từ đó dần hình thành cách ứng xử phù hợp với môi trường sinh thái: Biết trân trọng, giữ gìn và bảo vệ.

Ông Kiền - người lính đã từng tham gia chiến dịch đánh đuổi Pol Pot ở Campuchia - trao truyền cho Thụy, Thảo những kí ức lịch sử về những năm tháng gian khổ ấy, nuôi dưỡng trong những đứa cháu một tinh thần mạnh mẽ, can trường.

Ông Khương - cha của Trương - là người lưu giữ những kí ức văn hóa khi am hiểu và nhiệt tình kể lại câu chuyện về việc gõ búa ra mưa ở xóm Trại Rèn, nhen lên tình yêu với văn hóa độc đáo nơi đây. Vẫn là những đứa trẻ láu táu, ham chơi, nghịch ngợm, nhưng những Thụy, Trương, Dực,… đã biết gọi điện xin phép thầy Thức khi tiến hành chiến dịch bắt và đuổi bầy dơi phá vườn nhãn.

Cũng chính những đứa trẻ ấy âm thầm lật tẩy chiêu trò lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo của cô đồng Dụ ở miếu cô Trôi. Và cuộc vây bắt nhóm xiệc trộm cá đêm cũng có phần lớn công sức của bộ ba dũng cảm và mưu trí đó.

Có thể nói, “Thung lũng Đồng Vang” không chỉ dừng lại ở việc khắc tạo một thế giới tuổi thơ vô tư, hồn nhiên mà còn miêu tả hành trình từng ngày lớn lên của những đứa trẻ thông qua việc đặt chúng vào những tình huống, vấn đề đòi hỏi phải có những suy nghĩ, nhận thức và hành động nghiêm túc, trưởng thành hơn.

Thế giới nhân vật trẻ thơ trong tác phẩm vì vậy hiện ra thật sinh động, khi thuần khiết, sáng trong, náo nhiệt, khi từng trải, chững chạc, trầm tĩnh. Chính cái nhìn đa chiều, nhìn đối tượng trong sự chuyển động và phát triển của thể chất, trí tuệ và tâm hồn này đã giúp những nhân vật trẻ em của Trung Sỹ có sự khác biệt nhất định, từ đó tạo nên một trong những dấu ấn đáng nhớ của “Thung lũng Đồng Vang”.

Một không gian văn hóa đa sắc

Ảnh: Võ Nguyễn Bích Duyên.

Ảnh: Võ Nguyễn Bích Duyên.

Điều tạo nên nét đặc biệt nữa của “Thung lũng Đồng Vang” là tác giả đã mở ra một không gian đầy mới lạ, đó là không gian miền núi với xóm núi, phố núi, nơi những người Tày và người Kinh sống với nhau.

Bức tranh thiên nhiên bốn mùa, phong tục tập quán của con người nơi đây được nhà văn khắc họa và tái hiện chắt lọc kĩ lưỡng, đủ để người đọc cảm nhận được những nét độc đáo, đặc sắc của không gian địa lý, văn hóa đa sắc, hòa thuận.

“Thung lũng Đồng Vang” được triển khai theo trật tự tuyến tính, khởi đi từ những ngày tháng Hai đầu Xuân và khép lại vào một chiều áp Tết. Cuộc sống của những đứa trẻ nói riêng và con người nói chung được miêu tả theo tuần tự bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Buổi sáng mùa Xuân được miêu tả theo con đường đến trường của Thụy và Thảo: “Đường đến trường men theo con sông Khê mềm mại chảy giữa thung lũng. Bầu sương sữa đục tháng Hai phủ trên những chân ruộng lúa mới cấy, tan dần trong nắng muộn.

Khói sóng la đà, vấn vít trên mặt nước phẳng lặng như còn đang ngái ngủ. Tiếng chim bìm bịp nhịp năm vọng đều đều từ các bụi tre um tùm. Một vài cây gạo ven sông đã chấm vội lên trần mây thấp những chấm son đỏ rực”.

Không chỉ thiên nhiên bốn mùa, những phong cảnh kì quan ở vùng núi cũng được tác giả đưa vào trong câu chuyện một cách khéo léo như giờ ngoại khóa địa lý ở động Pung, dẫn dắt người đọc đi từ vực Giải, nơi “hợp lưu của dòng nước xanh trong như ngọc bích từ trong động chảy ra gặp dòng sông Khê”, đến sâu trong hang động, nơi “những nhũ đá buông xuống như tấm rèm ngọc”, “một vườn măng đá lô nhô chen mọc, nom tựa các ly kem sữa trắng đầy quyến rũ”.

Đây quả thực là những cảnh sắc kì vĩ của vùng núi miền cao, nơi thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những vẻ đẹp kì thú và tráng lệ mà không nơi nào có được.

Ngoài đặc tả thiên nhiên, tác giả cũng đặc biệt chú trọng đến việc miêu tả những đặc sắc văn hóa của người Tày vùng cao. Những truyện “Newton phố núi”, “Đám cưới vùng cao”, “Trám bùi để rụng”, “Mùa về trên quê hương”,… chính là những thước phim tư liệu văn hóa bằng ngôn từ mà tác giả muốn mở ra trước mắt người đọc, từ văn hóa vật chất (cấu trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực,…) cho đến văn hóa tinh thần (cưới hỏi, quan niệm, tín ngưỡng, văn hóa dân gian,…).

Đây là khu chợ cũ - nơi hiện ra đủ cung bậc văn hóa cuộc sống vùng cao - có khu bán rau quả đầy màu sắc với “dậu hoa bí còn quện phấn vàng tươi trên tay người mới hái, rủ theo lũ ong mật vo ve chui ra chui vào”, “bó củ mài gầy guộc dài ngoẵng, lấm đầy đất đỏ”,…; có gian hàng ẩm thực đủ loại sản vật địa phương như “đùm trứng kiến trắng tươi được gói trong chiếc lá rộng bản”, “mùi vịt quay ngầy ngậy lẫn mùi thơm lá mắc mật”, “hương hoa hồi, hương quế vỏ nồng nàn từ gian hàng lâm thổ sản khô ướp cay bầu không khí đang tiết Xuân phân”,…

Nghệ thuật miêu tả của tác giả khiến cho độc giả có thể hình dung được gần như mọi khía cạnh của khu chợ thị trấn: Màu sắc, âm thanh, hương vị và cả không khí sầm uất tấp nập của nó như chính họ đang hiện diện ở khu chợ vậy.

Đặt câu chuyện trong không gian nơi người Tày và người Kinh sống cùng nhau, tác giả Trung Sỹ còn khéo léo gợi lên một không gian văn hóa đa dạng, đa sắc nhưng hòa hợp, thân tình.

Những bài hát bolero, những ca khúc thiếu nhi quen thuộc, những bài chầu văn cùng nhau vang lên trong không gian truyện một cách tự nhiên, hòa quyện. Nhà người Tày ở phố trấn cũng đã làm theo lối phổ thông. Những học trò người Tày và người Kinh sinh hoạt và học tập chung một ngôi trường.

Và hơn cả, sự gắn kết giữa thầy Thức, cô Vi với lũ trẻ và những người dân nơi đây; sự yêu mến, quyến luyến, trân trọng của lũ trẻ và người dân với những thầy giáo, cô giáo từ miền xuôi lên là một trong những biểu hiện sinh động của sự hòa hợp, thân tình đó.

Cứ như thế, những trang miêu tả cảnh sắc bốn mùa, kì quan thiên nhiên, nếp sống lối sinh hoạt của người vùng cao, những món ăn, những bài ca, những nghĩ suy,… trong tác phẩm đã cùng nhau phác họa nên một bức tranh đa sắc, vừa làm nền cho những câu chuyện trẻ thơ, vừa tự mình tạo nên nét độc đáo, khác biệt của một “Thung lũng Đồng Vang” rất thực, rất sinh động, dù rằng đây là địa danh hoàn toàn hư cấu về mặt địa chính như chính nhà văn đã nói.

Nhiều người cho rằng, “Thung lũng Đồng Vang” là một cú rẽ ngoặt đầy bất ngờ của nhà văn Trung Sỹ, người trước đó ghi dấu ấn trên văn đàn như là một cây bút của chiến tranh và cái chết đầy khốc liệt, gai góc.

Quả vậy, thế giới trẻ em trong sáng, thuần khiết, yên bình, rộn rã tiếng cười trong tác phẩm này gần như đối lập hoàn toàn với thế giới người lớn, lính chiến, hiểm nguy, dữ dội, bom rơi đạn nổ trong “Chuyện lính Tây Nam”.

Tuy vậy, người đọc vẫn có thể nhận ra chất “Trung Sỹ” thấp thoáng trong suốt thiên truyện: Đó là chất trinh thám ở “Đêm trong miếu cô Trôi”, chất phiêu lưu trong “Giờ ngoại khóa Địa lí - động Pung”, chất “chiến trận” trong “Cuộc phục kích bất ngờ”, những trang miêu tả và thuật kể đầy am tường về đối tượng miêu tả, giọng văn chắc khỏe, lôi cuốn, đầy hiểu biết,…

Chất “Trung Sỹ” ấy thật sự giúp “Thung lũng Đồng Vang” thoát được một trong những “cái bẫy” nguy hiểm khi viết cho thiếu nhi, đó là việc ngây ngô hóa, đơn giản hóa thế giới trẻ thơ với giọng văn mang tính “bắt chước” trẻ em vốn khá phổ biến trong các sáng tác của người lớn viết cho thiếu nhi.

Tuy vậy, “Thung lũng Đồng Vang” vẫn còn những hạn chế nhất định, nhất là trong việc xây dựng thế giới nhân vật người lớn mang tính công thức, khuôn mẫu nên thành ra có phần sáo mòn.

Người lớn, trong sáng tác viết cho thiếu nhi, gần như luôn xuất hiện như những người thông thái, đạo cao đức trọng, là những người “luôn luôn đúng” và đóng vai trò như nhân vật “chức năng”: Giáo dục trẻ em. Thầy Thức, cô Vi, ông Kiền,… đều là những nhân vật như vậy.

Thế nên, trong tác phẩm, nếu nhân vật trẻ em sinh động, có đời sống tinh thần phong phú bao nhiêu thì nhân vật người lớn lại hơi khiên cưỡng, khô cứng bấy nhiêu.

Với “Thung lũng Đồng Vang”, tác giả Trung Sỹ đã gieo vào lòng trẻ em những hạt mầm của những tình cảm thiêng liêng: Tình cảm gia đình, tình bạn bè, tình thầy trò, tình làng nghĩa xóm, lòng yêu quê hương, xứ sở,…

Ở một chiều sâu xa hơn, tác phẩm còn gợi nên những vấn đề về đạo đức sinh thái, về việc lưu giữ và trao truyền những kí ức cá nhân đã mang tính tập thể và lịch sử cho thế hệ kế tiếp, những kí ức văn hóa của một cộng đồng người ở vùng cao,…và cả cách mà các dân tộc anh em cùng nhau chung sống trong hòa hợp, đoàn kết và yêu thương nhau.

Tất cả đã được chuyển tải bằng một giọng văn chắc khỏe nhưng duyên dáng, khi rộn rã khi thâm trầm, thật sự tạo nên sức hút không chỉ đối với độc giả nhỏ tuổi mà cả độc giả lớn tuổi hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ