Thực tiễn tự chủ đại học ở 20 nước hàng đầu Châu Âu

Thực tiễn tự chủ đại học ở 20 nước hàng đầu Châu Âu

Theo GS Đặng Ứng Vận, có nhiều cách phân loại các nội dung tự chủ đại học. Theo Hiệp hội các trường đại học Châu Âu (EUA) có thể xác định 4 lĩnh vực tự chủ: tự chủ tổ chức, tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự và tự chủ học thuật. Từ kết quả nghiên cứu của tổ chức này, những hình dung về bức tranh khái quát về tự chủ đại học ở các hệ thống giáo dục đại học (HE) của lục địa này được GS Đặng Ứng Vận chia sẻ như sau:

Hầu hết các trường được tự do quyết định về cơ cấu học thuật nội bộ

Những cải cách quản trị gần đây ở nhiều nước châu Âu đã ảnh hưởng đến tự chủ tổ chức của các trường ĐH. Nhìn chung các trường ĐH được tự do hơn đối với nhà nước, và trong đa số trường hợp đi kèm với sự tham gia ngày càng tăng của các thành viên bên ngoài trường trong Hội đồng trường (HĐT) của trường đại học.

Ở hầu hết các nước Bắc Âu, các trường ĐH có thể tự do lựa chọn thành viên bên ngoài, mặc dù trong một số hệ thống, có một cơ quan bên ngoài chính thức bổ nhiệm các thành viên bên ngoài do ĐH đề xuất. Trong phần lớn các hệ thống, chính phủ vẫn kiểm soát một phần hoặc toàn bộ việc bổ nhiệm các thành viên bên ngoài trường.

Hầu hết các trường ĐH được tự do quyết định về cơ cấu học thuật nội bộ của họ và có thể tạo ra các thực thể có tư cách pháp nhân. Trong một số trường hợp, các trường có thể thực hiện các hoạt động bổ trợ một cách tự do hơn thông qua các pháp nhân này.

Hiệu trưởng luôn được chính nhà trường chọn. Trong một nửa các hệ thống HE được điều tra, việc lựa chọn hoặc bầu cử cần phải được xác nhận bởi một cơ quan bên ngoài. Đây là hình thức chính thức nhất, mặc dù không phải tất cả các trường hợp. Trong một số hệ thống cơ quan có thẩm quyền bên ngoài có thể có trọng lượng đáng kể trong quá trình lựa chọn. Độ dài của nhiệm kỳ hầu như luôn được quy định trong luật, cho biết thời gian chính xác hoặc tối đa mà một Hiệu trưởng có thể tại vị.

Trường ĐH nhận được nguồn tài chính từ ngân sách

Ở hầu hết các quốc gia được khảo sát, các trường ĐH nhận được nguồn tài chính chính từ ngân sách. Ngân sách cấp phát theo “chi tiết đơn hàng” hiện nay cực kỳ hiếm. Tuy nhiên, trong gần một nửa số hệ thống sử dụng các khoản tài trợ trọn gói, việc phân bổ nội bộ vẫn còn bị hạn chế bởi luật.

Các trường có thể sở hữu bất động sản ở phần lớn các nước được khảo sát. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các trường thực sự sở hữu hầu hết các tòa nhà của họ. Chúng có thể thuộc sở hữu của các công ty bất động sản nhà nước hoặc tư nhân. Ngay cả những trường được sở hữu tòa nhà của họ thì khi muốn bán chúng cũng thường đòi hỏi phải có giấy phép bên ngoài hoặc việc bán bị cấm hoàn toàn.

Trong hơn một nửa số hệ thống được khảo sát, các trường đại học có thể giữ lại thặng dư tài chính. Các trường còn lại không thể giữ được thặng dư hoặc bị hạn chế nặng nề. Các trường đại học bây giờ có thể vay tiền trong đa số các hệ thống, mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, họ chỉ có thể vay mượn một số tiền nhất định hoặc cần có ủy quyền của một cơ quan công quyền. Chỉ trong 6/20 hệ thống, các trường đại học có thể vay mượn mà không bị hạn chế.

Về học phí, tình hình khá phức tạp. Các sinh viên (SV) khác nhau - được đối xử rất khác nhau. SV trong nước/SV EU ở trình độ cử nhân và thạc sĩ trong đa số các hệ thống HE EU phải trả học phí. Tuy nhiên, chỉ trong rất ít hệ thống, các trường có thể tự do đặt ra mức phí cho bằng cử nhân.

Trong phần còn lại, một cơ quan bên ngoài hoặc xác định mức phí một cách đơn phương, đặt ra một trần, hoặc hợp tác với các trường trong việc xác định học phí và lệ phí. Nhiều hệ thống hơn một chút – 8/20 - cho phép các trường ĐH của họ xác định học phí và lệ phí ở bậc cao học. 

Tự do tuyển dụng các nhân viên quản trị và giảng dạy cao cấp

Về tự chủ nhân sự, các trường ĐH ở hầu hết các quốc gia được tự do tuyển dụng các nhân viên quản trị và giảng dạy cao cấp. Chỉ ở một số ít quốc gia việc tiến cử cần được xác nhận bởi một cơ quan bên ngoài.

Tuy nhiên, trong hầu hết các hệ thống các trường ĐH không hoàn toàn tự do để thiết lập mức lương nhân viên của họ. Có rất nhiều hạn chế. Mặc dù ở một số quốc gia, chế độ công chức của cán bộ trường ĐH đã bị bãi bỏ hoặc đang được bãi bỏ thì trong nhiều hệ thống vẫn áp dụng (chế độ công chức) cho ít nhất một số cán bộ của trường.

Trong hầu hết các trường hợp, điều này có nghĩa là việc tuyển nhân viên của trường ĐH nghiêm khắc hơn, cũng tức là các quy định đối với các loại nhân viên này chặt chẽ hơn so với các quy định về luật lao động tư nhân của quốc gia.

Ở một số nước, quyền tự chủ của các trường ĐH vẫn còn hạn chế bởi các mức lương đã được quy định. Ở hơn một nửa số nước được khảo sát, các trường ĐH thực hiện theo các quy định cụ thể (về luật lao động) đối với việc sa thải nhân viên.

Nhân viên có thể được thăng chức một cách tự do bởi các trường đại học ở 12 quốc gia. Ở hầu hết các nước khác, tổng số vị trí việc làm (post) vẫn do chính phủ quy định và do đó các trường ĐHchỉ có thể tiến hành các chương trình thăng chức nếu có vị trí sẵn sàng ở cấp cao hơn.

Tự chủ về học thuật

Hầu hết các quốc gia áp dụng một số quy định về tổng số SV. Việc nhập học tự do cho mọi người có bằng cấp chỉ là ngoại lệ; và ngay cả ở những nước này, áp lực về ngân sách công có thể dẫn đến những thay đổi trong tương lai.

Ở tất cả các quốc gia khác, số SV có thể được điều phối bởi một cơ quan nhà nước hoặc chỉ do một cơ quan công quyền hoặc các trường đại học quyết định. Việc lựa chọn SV được tiến hành độc lập bởi trường ĐH ở hơn một phần ba các nước được khảo sát.

Việc đưa vào các chương trình bằng cấp mới (mở ngành) thường đòi hỏi một số hình thức phê duyệt từ một cơ quan công quyền. Trong khoảng 1/4 các quốc gia được khảo sát, các trường ĐH có thể mở các chương trình cấp bằng mà không có sự công nhận (của bên ngoài) trước đó. Trong hầu hết các hệ thống còn lại, các trường ĐH cần có kiểm định công nhận trước cho các chương trình được đưa vào đào tạo hoặc được tài trợ công.

Các trường ĐH ở hầu hết các quốc gia có đầy đủ quyền để dừng chương trình. Chỉ trong một số ít hệ thống, họ cần đàm phán với một cơ quan công quyền. Trong khoảng hai phần ba số nước được nghiên cứu, các trường ĐH có thể chọn ngôn ngữ giảng dạy. Ở các nước còn lại, có nhiều hạn chế khác nhau được coi là một bất lợi lớn về cạnh tranh khi cố gắng thu hút SV và nhân viên quốc tế.

Các trường đại học thường không thể lựa chọn cơ chế đảm bảo chất lượng của mình. Chỉ có ở 4 quốc gia là họ được tự do làm như vậy. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1/3 các hệ thống được khảo sát, các trường ĐH ít nhất có thể được chọn cơ quan đảm bảo chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.