Thực phẩm chức năng từ cá hồi và đậu tương

GD&TĐ - Thiếu tá, TS Phạm Kiên Cường, Viện Công nghệ mới, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự đã nghiên cứu thành công thực phẩm chức năng từ cá hồi và đậu tương siêu năng lượng.

Sản phẩm có dinh dưỡng cao phục vụ nhiều mục đích khác nhau.
Sản phẩm có dinh dưỡng cao phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Thực phẩm đặc biệt

Thiếu tá, TS Phạm Kiên Cường cho biết, bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt đòi hỏi chế độ ăn hợp lý và đầy đủ. Bên cạnh khẩu phần ăn cơ bản, trong những hoàn cảnh tác chiến khác nhau, khẩu phần ăn cần được bổ sung thêm các dưỡng chất thiết yếu, bù đắp năng lượng, tăng khả năng thích nghi và sức chịu đựng của cơ thể.

Chế độ ăn đó sẽ giúp cho cơ thể giữ được trạng thái sinh lý tốt nhất để duy trì khả năng làm việc cũng như sẵn sàng chiến đấu cao.

Thiếu tá, TS Phạm Kiên Cường đứng đầu nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ mới, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng đã cho ra đời thực phẩm chức năng dùng cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt – giải quyết những khó khăn trong công tác bảo đảm hậu cần cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Điểm mới của sản phẩm là tách chiết thành công peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học.

Thiếu tá, TS Phạm Kiên Cường, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, “peptit có hoạt tính sinh học (bioactive  peptit) là những protein có mạch ngắn khoảng từ 2 - 20 amino acid, thường có khối lượng phân tử dưới 10.000 Da.

Những peptit này ngoài giá trị dinh dưỡng còn có ảnh hưởng đặc biệt đến chức năng sinh lý của cơ thể, giúp tăng cường và nâng cao sức khỏe, chống oxy hóa, kháng vi sinh vật, khả năng điều hòa miễn dịch”.

Ở Việt Nam, peptit có hoạt tính sinh học mới được quan tâm nghiên cứu trong một thập niên gần đây, chủ yếu các đề tài tập trung nghiên cứu từ nguồn peptit của cá biển, đậu tương và sữa.

Chưa có công trình công bố ở Việt Nam nghiên cứu về peptit sinh học phân tử thấp để sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm chức năng bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày dùng cho bộ đội hoạt động trong điều kiện đặc biệt.

Nguyên liệu ban đầu của thực phẩm chức năng là đậu tương và cá hồi. Đây là hai loại “siêu thực phẩm” dành cho con người. Đậu tương có chứa nhiều protein, các loại axit amin thiết yếu, nguồn cung cấp chất xơ, sắt và vitamin B.

Các hợp chất isoflavon, các nhóm chất trong đậu nành có khả năng phòng ngừa và điều trị một số bệnh như đau tim, tai biến mạch máu, ung thư vú. Cá hồi là nguồn cung cấp Omega-3 dồi dào, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mô thần kinh.

Cá hồi cũng làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, viêm, trầm cảm và các bệnh mãn tính khác. Bên cạnh đó cá hồi còn chứa rất nhiều chất có lợi cho sức khỏe như các vitamin A, D, B; các nguyên tố vi chất thiết yếu cần thiết cho cơ thể.

Từ hai nguyên liệu này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện sản xuất peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học. Chế phẩm thu được sử dụng để sản xuất thực phẩm chức năng. Đề tài đã xây dựng thành công quy trình công nghệ và sản xuất được các loại sản phẩm gồm 3 dạng: Thanh nén, tuyp gel nước và dạng viên nang. Các sản phẩm được đóng gói gọn nhẹ bảo đảm thuận tiện cho việc vận chuyển và sử dụng trong mọi hoàn cảnh. 

1,1 kg cho 24 giờ hoạt động

Thiếu tá, TS Phạm Kiên Cường giới thiệu ứng dụng công nghệ trong sản xuất thực phẩm chức năng.
 
Thiếu tá, TS Phạm Kiên Cường giới thiệu ứng dụng công nghệ trong sản xuất thực phẩm chức năng.

Thiếu tá, TS Phạm Kiên Cường cho biết, đề tài được bắt đầu triển khai nghiên cứu từ năm 2017 từ nguồn kinh phí thuộc Đề án Phát triển và Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.

Qua 2 năm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, mới đây các kết quả thực hiện đề tài đã được Bộ Công Thương và các chuyên gia nghiệm thu, đánh giá cao.

GS.TS Đặng Thị Thu, chuyên gia công nghệ thực phẩm nhận định, đề tài được thực hiện rất nghiêm túc. Chỉ trong một thời gian ngắn nhóm nghiên cứu đã hoàn thành khối lượng công việc lớn.

Sản phẩm thực phẩm chức năng đã được công bố chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể sử dụng rộng rãi trong quốc phòng. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt, đơn giản hóa công tác bảo đảm hậu cần cho bộ đội.

Viện Công nghệ mới – Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự đã phối hợp với Cục Hậu cần Hải quân thử nghiệm tại một số đơn vị trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, dã ngoại. Sau mỗi đợt thử nghiệm, kết quả kiểm tra hóa sinh máu đối với những chiến sĩ sử dụng sản phẩm đều đạt tốt.

Qua quá trình thử nghiệm thực tế tại đơn vị, nhóm nghiên cứu đã đưa ra bộ thực phẩm chức năng KPAP (trọng lượng 1,1 kg) được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng cho một chiến sĩ trong 24 giờ.

Bộ thực phẩm chức năng KPAP bổ sung peptit từ cá hồi về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho 1 ngày hoạt động của các cán bộ chiến sĩ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được đóng gói gọn nhẹ, cơ động, có khả năng chống nước tốt.

Sản phẩm của đề tài có tính ứng dụng cao, có thể áp dụng cho bộ đội hoạt động ở điều kiện đặc biệt, do đó cần được tiếp tục hoàn thiện để có thể trang bị, sử dụng trong điều kiện huấn luyện, dự trữ, diễn tập của các chiến sĩ.

Dự kiến, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất để sản xuất thực phẩm chức năng cung cấp cho các lực lượng huấn luyện, làm nhiệm vụ đặc biệt.

Không chỉ chú trọng nghiên cứu hoàn thiện chất lượng sản phẩm, bao bì sản phẩm cũng cần thiết kế gọn nhẹ, bảo đảm tiện dụng, dễ dàng sử dụng trong những điều kiện khó khăn nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ