Thực phẩm bao gói sẵn: Ngộ độc chực chờ

Thực phẩm bao gói sẵn: Ngộ độc chực chờ

(GD&TĐ) - Đối với các bà nội trợ mà quỹ thời gian dành cho việc chuẩn bị bữa cơm gia đình eo hẹp thì thực phẩm bao gói sẵn, ăn liền trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu trong thực đơn hàng ngày. Nhiều người tự tin với sự lựa chọn của mình vì cho rằng những sản phẩm mình mua đều có thương hiệu, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Thế nhưng, trong thực tế, thực phẩm bao gói sẵn vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.

“Tai nạn” khi mua đồ siêu thị

x
Cần biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh

Ngại dậy sớm đi chợ, trong khi thường xuyên phải đi làm về muộn nên chị Lan (phố Trần Thái Tông, Hà Nội) là khách hàng thường xuyên của siêu thị Fivimart gần nhà. Trung bình một tuần hai lần, chị Lan vào siêu thị “khuân đồ”. Hầu hết các mặt hàng chị chọn mua là thực phẩm dưới dạng đông lạnh hoặc bao gói sẵn. “Vẫn biết ăn đồ tươi sống là tốt nhất, nhưng với quỹ thời gian eo hẹp dành cho việc nội trợ, tôi cũng chưa tìm ra phương án nào tối ưu hơn” – chị Lan giải thích.

Tuy vậy, theo chị Lan, thực phẩm trong siêu thị chưa hẳn đã đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối. Đã có lần chị gặp phải sự cố khi mua thực phẩm chế biến sẵn trong siêu thị. Lần đó, chị mua một gói giò tai của một thương hiệu nổi tiếng về giò chả. Chị cũng xem xét kỹ hạn sử dụng của sản phẩm trước khi mua. Thế nhưng, tối hôm ấy, khi mở lớp lá chuối bọc khúc giò ra để sử dụng, chị phát hiện thấy khúc giò đã bị chảy nước nhớt, có mùi thiu. Chị Lan đành phải vứt cả gói giò đi.

Dù rất bực mình, nhưng chị Lan cũng không nghĩ tới việc khiếu nại siêu thị, mà chỉ xem đó là một “tai nạn” có thể xảy ra khi mua thực phẩm ở bất cứ đâu. Chị cho rằng thực phẩm chế biến sẵn có thể bị biến chất do rất nhiều nguyên nhân: từ khâu sản xuất, hoặc do khâu vận chuyển, cũng có thể do bảo quản không đúng yêu cầu... nên chưa thể đổ lỗi ngay cho siêu thị. Hơn nữa, chị rất ngại đôi co mất thời gian vì một sản phẩm có giá trị không lớn như gói giò tai.

Bất cẩn, dễ tự rước họa

s
Thực phẩm bao gói sẵn được nhiều bà nội trợ tin dùng

Thực phẩm bao gói sẵn sẵn hay đồ hộp được nhiều người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng, độ an toàn... Tuy nhiên, nếu không có những hiểu biết đúng khi sử dụng những thực phẩm này, người tiêu dùng dễ tự rước họa vào thân.

Sai lầm thường gặp nhất là bảo quản thực phẩm chế biến sẵn không đúng cách. Gia đình chị Bích (Thanh Xuân, Hà Nội) thỉnh thoảng mua xúc xích, dăm bông trong siêu thị để ăn sáng với bánh mì. Cho rằng những sản phẩm này đã được hút chân không, có thể để “vô tư” trong ngăn đá tủ lạnh nên có lần, chị Bích mua một gói xúc xích Đức Việt rồi để quên luôn trong ngăn đá đến mấy tháng trời. Chỉ đến khi tình cờ đọc thông tin về cách bảo quản xúc xích, chị Bích mới tá hỏa khi biết rằng, dù được bảo quản ở nhiệt độ -20 đến -150 độ C, xúc xích cũng chỉ để được 2 - 3 tháng. Trong khi đó, ngăn đá của tủ lạnh nhà chị Bích chỉ lạnh -10 độ C.

Chị Bích cho biết thêm, với những sản phẩm chế biến sẵn như thịt chân giò hun khói hay giò, vì muốn bảo quản lâu nên chị thường cho lên ngăn đá. Mỗi lần ăn, chị bỏ thực phẩm ra ngoài nhiệt độ thường để rã đông, rồi bỏ phần còn lại vào ngăn đá bảo quản tiếp. Đây cũng là thói quen phổ biến ở nhiều người khi rã đông thực phẩm rồi lại để vào ngăn đá lặp đi lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên, đây là cách sử dụng và bảo quản thực phẩm rất sai lầm, bởi sau khi rã đông, thực phẩm có thể bị nhiều loại vi khuẩn xâm nhập nên cần chế biến và sử dụng ngay, không nên cấp đông trở lại.

Lựa chọn đúng cách

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khi lựa chọn thực phẩm bao gói sẵn, người tiêu dùng cần xem kỹ nhãn mác của sản phẩm với các thông tin: tên thực phẩm; tên, địa chỉ cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng của thực phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; xuất xứ của hàng hóa.

Bên cạnh đó, chỉ nên mua thực phẩm chế biến sẵn ở những cửa hàng có uy tín, đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm vệ sinh, an toàn. Tuyệt đối không mua thực phẩm bao gói sẵn ở những cửa hàng bụi, bẩn, ẩm ướt, nóng, có ánh nắng chiếu trực tiếp vào nơi bảo quản thực phẩm; hoặc những cửa hàng bày bán lẫn lộn tạp chất, hoá chất, sản phẩm có mùi như xà phòng, bột giặt, mỹ phẩm...

Nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella từ thực phẩm nhập khẩu

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu thực hiện việc kiểm tra chặt chỉ tiêu Salmonella và yêu cầu tái xuất đối với các lô hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Cụ thể, đó là các lô hàng nhập khẩu có tên trong danh mục gửi kèm Công văn số 3500/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải Quan tới Cục An toàn thực phẩm. Đây là những lô hàng chiết xuất protein từ đậu tương của Công ty CHS Inc, Hoa Kỳ có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella, bị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (USFDA) quyết định tiến hành thu hồi.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Salmonella có thể nhiễm vào trong nhiều loại thực phẩm như thịt bò, thịt lợn, rau, hoa quả, thậm chí cả các loại thực phẩm đã qua chế biến như bánh kếp đông lạnh... Trong đó, trứng và thịt gia cầm là nguồn lây nhiễm cơ bản của vi khuẩn Salmonella.

Phần lớn các ca bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella kéo dài từ 4 - 7 ngày và hồi phục mà không cần điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể diễn biến nặng. So sánh với các bệnh nhiễm khuẩn thực phẩm khác thì Salmonella gây tỷ lệ nhập viện cũng như tử vong cao nhất.

Minh Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ