Tận dụng mọi không gian trồng rau sạch
Hiện nay vấn đề thực phẩm bẩn độc đã trở thành nỗi lo sợ và ám ảnh với nhiều người dân Hà Nội. Để tìm được nguồn rau sạch phục vụ nhu cầu hàng ngày, nhiều gia đình đã tận dụng mọi khoảng không gian, từ ban công, sân thượng đến khoảng đất trống hiếm hoi trước cửa nhà.
Chị Trần Mai Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) từ nhiều năm nay đã quen với việc sáng sớm và chiều tối tất bật chạy lên, chạy xuống để chăm sóc vườn rau tự tạo trên sân thượng. Bỏ ra vài trăm nghìn mua đất, hạt giống cùng hộp xốp, dây thép gai, giờ đây chị và gia đình đã có thể yên tâm ăn rau sạch mà không cần lo nghĩ bẩn độc hay có thuốc kích thích.
Vườn rau tự tạo của gia đình chị Hương. Ảnh: Hà Đông
“Cách đây khoảng 3 năm, gia đình tôi cũng chỉ mua rau ngoài chợ về ăn thôi. Nhưng càng ngày càng có nhiều thông tin về thực phẩm bẩn độc, rau phun chất kích thích, thuốc sâu đâm ra cũng sợ.
Nhìn mớ rau tươi ngoài chợ mà cũng không dám mua, chỉ sợ về ăn các con còn nhỏ bị ngộ độc thì khổ. Vì thế vợ chồng tôi dọn khoảng sân thượng, mất thêm 2 ngày ngược xuôi mua đồ về tạo vườn. Giờ cứ mùa nào trồng thức ấy, đầy đủ cả từ rau muống, bí, mồng tơi, rau sống...”, chị Hương kể.
Theo chị Hương, hiện nay không chỉ mình gia đình chị mà nhiều người dân ở tổ dân phố cũng tự trồng rau sạch và ít sử dụng đồ ngoài chợ hơn.
“Ban đầu chỉ có vài hộ nhỏ lẻ nhưng giờ mọi người đều tự trồng rau hết. Hàng ngày chỉ bớt chút thời gian chừng 1 tiếng nhưng có đầy đủ thực phẩm cho gia đình dùng. Thỉnh thoảng chúng tôi còn đổi rau cho nhau, nhà này lấy mướp thì nhà kia lấy mồng tơi. Có thể ăn ít đi một chút nhưng đảm bảo, an toàn và sạch sẽ”, chị Hương nhấn mạnh.
Trong khi đó, gia đình bà Hoàng Thị Hoa (Hà Đông, Hà Nội) thì lại tận dụng thêm khoảng không gian còn trống ít ỏi trong khuôn viên nhà để trồng các loại rau, phục vụ nhu cầu hàng ngày.
Bà Hoàng Thị Hoa đang tưới vườn rau muống trong khuôn viên trật hẹp của gia đình.
“Tôi dùng cuốc đào tơi hết phần đất còn thừa sau khi xây nhà rồi mua rau muống, mồng tơi về trồng. Mỗi loại trồng một ít. Ngoài ra tôi còn tận dụng thêm phần đất trống trên đường đi trước nhà để tăng gia. Ban đầu thì chúng tôi thường nhờ người thân ở quê mua rau rồi gửi xuống nhưng như thế cũng bất tiện. Giờ tự mình trồng, chăm sóc hàng ngày thấy cũng rất hay. Tôi giờ nghỉ hưu ở nhà, vừa trông cháu, vừa trồng rau”, bà Hoa vui vẻ nói.
Với mảnh vườn nhỏ rộng 1m, dài 3m, từ nhiều tháng nay, bà Hoa đã tự chủ động nguồn rau cho gia đình. Chỉ những khi có dịp lễ đặc biệt hoặc muốn cải thiện bữa, bà mới ra chợ mua thêm rau, thực phẩm.
“Tôi chỉ chọn những quầy quen biết, có uy tín ở chợ thôi, chứ những người lạ từ chỗ khác đến bán cũng không dám mua. Nhà có mấy cháu nhỏ nên việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được tôi đề cao”, bà Hoa nhấn mạnh.
Mở cửa hàng thực phẩm an toàn
Không chỉ trồng rau, chị Đặng Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội) còn mở thêm cửa hàng thực phẩm an toàn tại nhà để phục vụ những gia đình có nhu cầu về rau, của quả, gia cầm.
Chị Trang kể rằng, ban đầu chị cũng không có ý định kinh doanh, buôn bán gì cả. Rau cỏ hay gà, vịt chỉ nhờ người mua ở quê rồi gửi xe lên. Nhưng về sau, nhiều người đề nghị và có nhu cầu dùng thực phẩm sạch nên chị quyết định mở một cửa hàng nhỏ để buôn bán.
“Cứ hàng tuần tôi nhờ người chở lên khoảng 2 chuyến. Quê cũng giáp ngay Hà Nội, chỉ cách 30 km nên đi lại cũng rất thuận tiện. Khi nào rảnh thì tôi sẽ trực tiếp về. Đối tượng khách hàng chủ yếu là hàng xóm láng giếng, anh em bạn bè thân thiết.
Mình cũng không hẳn là kinh doanh như ngoài chợ, chỉ lấy thêm chút tiền công vận chuyển đi lại thôi. Mọi người dùng quen và cảm thấy ưng ý nên cứ tự động bảo nhau đến mua”, chị Trang chia sẻ.
Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, chị Trang còn đăng tải các thông tin về số lượng rau củ quả, gà, vịt sẽ nhập về và thời gian chi tiết để mọi người tiện theo dõi.
“Hàng lấy về lúc sáng nhưng chỉ chiều hoặc sáng hôm sau là hết thôi. Mọi người lấy số lượng lớn về để tủ ăn dần 2-3 ngày rồi lại mua tiếp. Do nhu cầu cao quá nên em gái tôi ở bên Long Biên cũng đang lên kế hoạch mở thêm cửa hàng để bán. Sắp tới, tôi cũng sẽ nhập thêm các loại gạo ngon về để bán. Một phần phục vụ gia đình, một phần bán kiếm thêm thu nhập”, chị Trang hào hứng chia sẻ.