Thực hư về người phụ nữ nắm quyền tổng thống Mỹ

GD&TĐ - Edith Bolling Galt Wilson từng được xem là 'nữ tổng thống trên thực tế' đầu tiên của Hoa Kỳ từ tháng 10/1919 - tháng 3/1921.

Tổng thống Woodrow Wilson và Đệ nhất phu nhân tại Nhà Trắng.
Tổng thống Woodrow Wilson và Đệ nhất phu nhân tại Nhà Trắng.

Ngoài những người yêu thích lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, hoặc sinh viên chuyên nghiên cứu về các đời tổng thống của Mỹ, cái tên Edith Bolling Galt Wilson không có gì gây ấn tượng. Thế nhưng, bà từng được xem là “nữ tổng thống trên thực tế” đầu tiên của Hoa Kỳ từ tháng 10/1919 - tháng 3/1921.

Học hành dang dở

Edith Bolling sinh ngày 15/10/1872 tại Wytheville, Virginia, là con thứ bảy trong số mười một người con trong một gia đình hậu duệ trực tiếp của những người di cư đầu tiên đến Virginia vào đầu thế kỷ 17.

Giống như nhiều “tầng lớp chủ đồn điền” ở miền Nam nước Mỹ, gia đình Bolling biện minh cho quyền sở hữu nô lệ bằng cách nhấn mạnh rằng, những nông nô của họ hài lòng với cuộc sống hiện tại và ít khao khát tự do.

Sau khi Nội chiến kết thúc và chế độ nô lệ bị bãi bỏ, cha của Edith chuyển sang hành nghề luật để nuôi sống gia đình. Trong khi các chị gái theo học tại nhiều trường học địa phương thì Edith Bolling chỉ được bà nội, Anne Wiggington Bolling, vốn nằm liệt giường vì chấn thương cột sống, dạy chữ cho. Chính bà là người đã truyền cho cháu những tính cách mạnh mẽ mà Edith Bolling sẽ thể hiện trong suốt cuộc đời mình.

Khi Edith Bolling 15 tuổi, bà vào học Trường Martha Washington, cơ sở giáo dục tư thục dành cho nữ sinh ở Abingdon, Virginia. Tuy nhiên, Edith Bolling tỏ ra là một học sinh vô kỷ luật, chểnh mảng và thường xuyên phàn nàn về trường lớp. Do đó, gia đình cũng không có gì ngạc nhiên khi con họ yêu cầu được về nhà chỉ sau một học kỳ.

Hai năm sau, Edith Bolling vào Trường nữ sinh Powell ở Richmond, Virginia và cảm thấy thích học hơn, nhưng không may, trường đóng cửa vào cuối năm đó do hiệu trưởng bị tai nạn. Việc học của bà lại dở dang, do người cha lúc này chỉ tập trung vào việc học của ba cậu con trai, không đủ tiền cho con gái tiếp tục đến trường.

Trở thành phu nhân tổng thống

Edith Bolling Galt Wilson (1872 - 1961).

Edith Bolling Galt Wilson (1872 - 1961).

Năm 1895, khi đến thăm người chị đã lập gia đình ở Washington, D.C, Edith Bolling gặp Norman Galt, một thợ kim hoàn nổi tiếng. Cặp đôi kết hôn vào ngày 30/4/1896 và ngụ tại Washington trong 12 năm sau đó.

Năm 1903, Edith Bolling Galt sinh một trai, nhưng đứa bé chỉ sống được vài ngày. Do biến chứng sau sinh, Edith Bolling không thể có con được nữa. Vào tháng 1/1908, Norman Galt đột ngột qua đời ở tuổi 43. Kế thừa công việc kinh doanh sinh lợi của chồng, Edith Bolling trở nên giàu có.

Vào tháng 3/1915, bà được Helen Woodrow Bones, chị họ của Tổng thống Woodrow Wilson, giới thiệu với nhà lãnh đạo góa vợ này tại Nhà Trắng. Bị thu hút bởi góa phụ xinh đẹp, Wilson cầu hôn bà ngay sau lần gặp đầu tiên. Sau thời gian để tang vợ một năm, Woodrow Wilson kết hôn với Bolling Galt vào ngày 18/12/1915 tại nhà riêng của bà ở Washington, D.C. Đám cưới chỉ có 40 khách tham dự.

Do sức hút mãnh liệt giữa hai người, Woodrow và Edith luôn khăng khít bên nhau. Thậm chí, tổng thống còn để bà ngồi cùng khi ông xem xét những tài liệu quan trọng. Ngoài ra, ông cũng cho phép bà có mặt trong các cuộc thảo luận cùng đội ngũ cố vấn của mình.

Edith Wilson đã kết hợp cuộc sống của chính mình với cuộc sống của chồng, cố gắng giữ cho ông khỏe mạnh trong điều kiện vô cùng căng thẳng của thế giới lúc đó. Bà từng tháp tùng ông đến châu Âu khi các lãnh đạo Đồng minh gặp nhau để thảo luận về những điều khoản hòa bình. Với nét duyên dáng cùng tài ăn nói khéo léo, bà rất được mọi người kính trọng.

Sau khi tham dự Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919, Tổng thống Woodrow Wilson trở về Mỹ và bất ngờ bị đột quỵ nặng, liệt nửa người, không thể tự đi lại. Nhóm thân cận của tổng thống (bao gồm bác sĩ và các cố vấn) đã quyết định giấu kín công chúng Mỹ về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo. Kể cả phó tổng thống cũng không được biết.

Từ tháng 10/1919 cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của Wilson vào ngày 4/3/1921, Đệ nhất phu nhân Wilson là người quyết định xem thông tin cùng các vấn đề nào quan trọng mà tổng thống chú ý để đệ trình. Bà tự bổ nhiệm mình là cầu nối liên lạc duy nhất giữa tổng thống và thuộc cấp của ông, tất cả văn bản, thư từ, câu hỏi, yêu cầu, cùng các vấn đề cấp bách chỉ được gửi đến bà.

Sau khi hết nhiệm kỳ vào tháng 3/1921, Edith Bolling và Woodrow Wilson rời Nhà Trắng, chuyển đến một ngôi nhà trên đường S. Street NW ở Washington, D.C. Tại đây, bà tiếp tục chăm sóc cựu tổng thống cho đến khi ông qua đời vào ngày 3/2/1924. Ngày 28/12/1961, ở tuổi 89, Edith Bolling Galt Wilson qua đời vì bệnh suy tim và được chôn cất bên cạnh chồng tại Nhà thờ chính tòa Quốc gia Washington.

Vai trò gây tranh cãi

Cho đến những ngày cuối đời, cựu Đệ nhất phu nhân Edith Bolling Galt Wilson vẫn khẳng định bà chưa bao giờ thực thi toàn bộ vai trò tổng thống, mà chỉ sử dụng một số quyền hạn thay mặt chồng mình.

Nhưng trong những năm gần đây, các học giả ngày càng chỉ trích nhiều hơn nhiệm kỳ Đệ nhất phu nhân của Edith Wilson, sau khi xem xét những ảnh hưởng trong vai trò “tổng thống trên thực tế” của bà.

Nhà sử học Phyllis Lee Levin cho rằng, hiệu quả các chính sách của Woodrow Wilson đã bị vợ ông cản trở một cách không cần thiết. Bà gọi Edith Wilson là “người phụ nữ có quan điểm hạn hẹp và lòng quyết tâm ghê gớm”.

Còn theo các nhà phê bình khác, Edith Bolling Galt Wilson đã đánh giá thấp vai trò của mình trong nhiệm kỳ tổng thống của chồng một cách ngây thơ. Mặc dù có thể không đưa ra những quyết định “quan trọng”, nhưng bà đã có ảnh hưởng đến các chính sách trong nước và quốc tế.

Tương tự như vậy, trong bài báo có tựa đề “Khi một tổng thống bí mật điều hành đất nước”, nhà sử học Howard Markel không đồng tình với tuyên bố của Đệ nhất phu nhân Wilson về “cương vị quản lý ôn hòa”.

Ông nhấn mạnh rằng, Edith Wilson “về cơ bản là nhà lãnh đạo điều hành quốc gia cho đến khi nhiệm kỳ thứ hai của chồng bà kết thúc vào tháng 3/1921”.

Theo Historydefined

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.