Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn, khám phá khoa học là một nội dung cơ bản trong Chương trình Giáo dục Mầm non. Khám phá khoa học giúp trẻ được tiếp xúc, tìm tòi tích cực nhằm “phát hiện ra cái mới, cái ẩn giấu, bí mật” trong các sự vật, hiện tượng gần gũi xung quanh thông qua việc sử dụng các giác quan nhằm phát triển ở trẻ kĩ năng quan sát, so sánh, phân loại, đo lường, phán đoán, giải quyết vấn đề đơn giản...

Việc tổ chức hoạt động khám phá khoa học hiệu quả góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu Chương trình giáo dục mầm non, tạo tiền đề cho trẻ tham gia học tập tốt hơn ở bậc phổ thông.
Thông qua thực hành, trải nghiệm, trẻ có được một số kĩ năng: quan sát, so sánh, phân loại, suy luận, giải quyết vấn đề đơn giản, góp phần thúc đẩy sự hình thành, phát triển tư duy logic và sáng tạo ở trẻ.

Qua đó, trẻ biết cách sử dụng một số công cụ và nguyên vật liệu khám phá khoa học đơn giản, phù hợp với độ tuổi.
Qua thực hành, trải nghiệm, trẻ phát triển ngôn ngữ và khả năng diễn đạt. Khi trẻ mô tả, giải thích và thảo luận về những gì trẻ thấy và làm trong hoạt động giúp ngôn ngữ của trẻ ngày càng mạch lạc hơn.

Trong những năm gần đây, cấp học mầm non luôn được đón nhận sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cải thiện các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đa số các trường mầm non trên địa bàn được xây dựng khang trang, thiết bị, đồ chơi và học liệu đầy đủ.

Công tác chuyên môn luôn được Phòng GD&ĐT quan tâm chỉ đạo sát sao kịp thời, tạo mọi điều kiện cho các đơn vị trường để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực quản lý cho CBQL, giáo viên; tư vấn hỗ trợ các đơn vị trường xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, tích cực lấy trẻ làm trung tâm; tổ chức các chuyên đề hàng năm…

Đội ngũ cán bộ, giáo viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết với nghề, thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm.
Trẻ được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm khám phá khoa học đơn giản, được thường xuyên tiếp xúc, tham gia vào các hoạt động trải nghiệm như “Chợ quê”, “góc thiên nhiên trồng và chăm sóc cây” “Các khu vui chơi ngoài trời” “Góc stem” các hoạt động ngày hội ngày lễ, các hoạt động tham quan dã ngoại…

Trên địa bàn có nhiều dân tộc thiểu số với các nét văn hóa độc đáo. Trẻ em được sống trong môi trường giàu bản sắc văn hóa, dễ dàng tiếp cận các giá trị truyền thống vì vậy trẻ đã được học làm một số món ăn dân tộc, món ăn truyền thống, …
"Qua đó, giáo viên thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức về khoa học, chủ động sử dụng công nghệ thông tin, mạng internet một cách phù hợp để có thể tiếp cận hệ thống video - ảnh trực quan giới thiệu về khoa học tự nhiên.
Tạo môi trường giáo dục phát huy tính tích cực của trẻ, nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ, tổ chức các hoạt động với phương châm "học bằng chơi, chơi mà học" phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị", ông Phan Thanh Hải chia sẻ.