Thực hư tác dụng thần kỳ của gạo mầm

GD&TĐ - Theo TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp, gạo mầm rất giàu dinh dưỡng.

Gạo mầm được đồn thổi như thần dược.
Gạo mầm được đồn thổi như thần dược.

Nhưng nó không có tác dụng chữa bệnh thần kỳ như quảng cáo. Ngoài ra, cách chế biến sai cũng khiến gạo mầm không còn dưỡng chất.

“Cứu tinh” cho người bệnh?

Chị Võ Thu Hương (khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, gần đây mẹ chị đi khám phát hiện bị tiểu đường tuýp 2. Bác sỹ khuyên thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế tinh bột. Chị mua gạo mầm về cho mẹ dùng thay thế gạo thông thường. Chị thấy rằng, bước đầu đã giảm được một lượng đáng kể tinh bột vào cơ thể.

Tuy nhiên, các tác dụng khác của gạo mầm như thế nào thì chưa rõ. Bởi theo quảng cáo của cơ sở sản xuất như giúp ngừa tăng cân, béo phì, giúp xương chắc khỏe hơn, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, tốt cho hệ thần kinh, giảm stress, tăng cường hệ tiêu hóa, giảm cholesterol… thì lại chưa rõ ràng sau khi sử dụng sản phẩm.

Hiện, trên thị trường, gạo mầm được bán nhiều ở các cửa hàng, một số siêu thị, chợ truyền thống và một số mạng xã hội. Một số nơi còn giới thiệu gạo mầm nghệ, gạo được bổ sung tinh chất tỏi đen.

Rất nhiều những lời hoa mỹ về gạo mầm nghệ có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng, bổ khí huyết, làm đẹp da, hỗ trợ phụ nữ sau khi sinh, giảm cholesterol xấu trong máu, ngăn ngừa bệnh ung thư, cân bằng huyết áp, tăng cường sức đề kháng, phòng chống lão hóa.

Gạo mầm tỏi đen dành cho người mỡ máu cao, mỡ gan và cần giảm cân. Giá bán của gạo mầm, gạo mầm nghệ dao động trong khoảng 65.000 - 75.000 đồng/kg tùy loại.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, để sản xuất gạo mầm, người ta sẽ tiến hành bóc vỏ hạt thóc mà không làm tổn thương phôi rồi cho gạt gạo nảy mầm trong điều kiện nhất định. Ở Việt Nam, khái niệm gạo nảy mầm mới được sử dụng gần đây, nhưng đã rất phổ biến ở Ấn Độ. Gạo mầm giàu vitamin B và E, rất tốt cho sinh lý nam giới, nhiều sản phẩm tăng cường sinh lý nam có thành phần là mầm gạo. 

Để tận dụng hoạt chất này, người ta thường làm gạo nảy mầm rồi nghiền thành bột sử dụng ngay. Không phải loại gạo nào cũng tạo ra được gạo mầm. Người ta chỉ dùng một số loại gạo có chứa hoạt chất anthocyanin (hoạt chất màu tím) có nhiều trong gạo lứt, gạo cẩm. Khi nảy mầm, loại gạo này chuyển hóa hợp chất tổng hợp vitamin E.

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lúa gạo cho biết, để khẳng định tác dụng thực sự của một loại thuốc, một loại thực phẩm nào đó, nhất là tác dụng chữa hoặc hỗ trợ chữa bệnh thì phải dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng. Cho tới thời điểm này chưa có đơn vị nào công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng tác dụng của gạo mầm.

Bản thân gạo lứt có nhiều dưỡng chất bổ dưỡng, có tác dụng tốt phần nào đối với sức khỏe người dùng. Gạo mầm cũng thế. Tuy nhiên, nó không thể có tác dụng nhiều, đặc biệt chữa bệnh như quảng cáo. Đôi khi, người tiêu dùng bị tác động tâm lý, nghe người sản xuất quảng cáo nhiều, nghĩ là tốt, sau đó ăn sản phẩm và tự cho rằng nó có tác dụng chứ thực tế có thể không phải vậy.

Gạo nấu lên không còn dưỡng chất

Theo hướng dẫn sử dụng của gạo mầm trên thị trường, gạo mua về bảo quản nơi thoáng mát tránh ẩm mốc. Khi nấu cơm, lấy lượng gạo vừa đủ ăn cho vào nồi mà không cần phải vo như gạo bình thường, vì bản chất gạo mầm là gạo sạch trong lớp cám và phôi gạo có nhiều chất và vitamin cần được giữ lại.

Cho gạo mầm vào nồi thêm nước theo tỷ lệ 1 gạo 2 nước. Hoặc 1 gạo 1,4 nước tùy theo khẩu vị và sở thích. Nấu trong khoảng 40 phút, sau khi cơm chín chờ thêm 10 phút nữa là có thể ăn được.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, để giữ được vitamin E và B trong gạo mầm, từ khâu chế biến, người ta phải sấy chân không, để nhiệt độ làm khô hạt gạo nhưng lại không có oxy tác động khiến gạo không bị oxy hóa làm mất dưỡng chất.

Bản chất khi sấy chân không là gạo gần như đã chín, để sử dụng, chỉ cần đổ nước ấm vào là ăn được. Gạo mầm rất khó ăn, đó là gạo thuốc, gạo thảo dược, nên nói chung chỉ dành cho người bệnh, ốm. Còn khi gạo đã được nấu ở nhiệt độ cao như nồi cơm điện, dưới tác dụng của oxy thì các hoạt chất quý trong gạo mầm sẽ bị mất đi, không còn dưỡng chất nữa.

Như vậy, nếu đúng là gạo mầm được sản xuất bằng công nghệ sấy chân không, bảo đảm dưỡng chất còn lại trong gạo, thì với cách chế biến nêu trên, gạo không còn bổ dưỡng nữa.

“Hiện, trên thị trường có những loại gạo mầm không chứa tinh chất tốt như quảng cáo do không được chế biến theo đúng quy trình công nghệ. Việc đầu tư dây chuyền, quy trình công nghệ để sản xuất gạo mầm khá tốn kém. Đơn giản, nếu không được sấy chân không mà sấy thủ công, hoạt chất quý trong gạo mầm sẽ bị oxy hóa. Do đó, người tiêu dùng nên trở thành người thông thái”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho hay.

Theo các chuyên gia, gạo mầm có những giá trị dinh dưỡng nhất định. Với người bị bệnh tiểu đường, việc dùng gạo mầm sẽ giúp hạn chế lượng tinh bột nạp vào cơ thể.

Tuy nhiên, những tác dụng ưu việt như hạ mỡ máu trên cơ chế sinh học thông qua tác dụng vừa ức chế phản ứng tổng hợp chất mỡ xấu, ngăn ngừa táo bón và đầy hơi thường gặp ở người cao tuổi, ngăn ngừa loãng xương đồng thời trấn an hệ thần kinh giúp ngủ sâu, chống thoái hóa khớp, chữa bệnh tiểu đường... thì chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào khẳng định.

Người tiêu dùng không nên quá tin tưởng vào tác dụng thần kỳ của gạo mầm như quảng cáo. Sử dụng nó như một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe thì được nhưng tin tưởng như một loại thuốc, loại thực phẩm chữa bệnh thì không nên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.