Mỹ phát hiện 457 ca ung thư sau nâng ngực
Mới đây, cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) phát cảnh báo về nguy cơ ung thư hiếm gặp, xảy ra sau phẫu thuật nâng ngực khi số trường hợp mắc bệnh này được ghi nhận tăng ở mức đáng lo ngại.
Trong vòng 8 năm, xác định được 457 trường hợp bị ung thư bạch huyết liên quan tới nâng ngực (BIA-ALCL), trong đó có 9 người tử vong.
Cơ quan FDA cũng cho biết, số ca nâng ngực liên quan với ung thư (không phải ung thư vú) đã tăng 15% trong năm qua khi ngày càng nhiều nghiên cứu về nguyên nhân này được thực hiện.
FDA đã bắt đầu công khai số trường hợp ung thư tại Mỹ và các nước khác vào năm 2011 khi họ xác định được mối liên quan giữa nâng ngực và ung thư. Năm 2017, số ca ung thư sau nâng ngực đã tăng từ 359 ca lên 414 ca với số trường hợp tử vong là 16.
Biểu hiện chính của dạng ung thư này là sưng nề quanh túi nâng ngực, thường gặp sau 2-28 năm nâng ngực. FDA cho biết, đối với những phụ nữ không có triệu chứng này thì không cần thiết phải đi khám sàng lọc hay tháo túi nâng.
Nghiên cứu của bang Penn cho thấy, hầu hết các trường hợp được báo cáo là ở những phụ nữ đã nâng ngực bằng túi nhám. Đây là loại túi ngực phổ biến từ những năm 1990 và các bệnh nhân thường chọn túi này do bề mặt chúng bám chặt vào các mô xung quanh, giữ cố định tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng, lớp phủ túi nâng ngực có thể gây ra tình trạng viêm xung quanh các mô dẫn tới ung thư. Một lý do khác được lý giải là do các túi dạng nhám có thể có vi khuẩn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng dẫn tới ung thư.
Tuy nhiên, báo cáo của FDA cũng khẳng định, chưa đủ bằng chứng để khẳng định túi ngực là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư.
Trước đó, năm 2015, cơ quan sức khỏe Pháp đã đưa ra đề xuất cảnh báo nguy cơ sức khỏe đối với tất cả các loại túi nâng ngực sau khi Viện Ung thư quốc gia nước này tuyên bố: “Có mối liên quan rõ ràng giữa nâng ngực và bệnh BIA-ALCL”.
“Chị em nâng ngực không nên quá lo lắng”
Trước những thông tin nêu trên, TS. BS. Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện K T.Ư nhận định: “Đây chỉ là báo cáo và vẫn cần theo dõi. Do vậy, chị em nâng ngực không nên quá lo lắng, không cần thiết phải tháo bỏ túi vì những thông tin này”.
Theo BS. Quang, tính an toàn của túi sử dụng để cấy nâng ngực đáp ứng yêu cầu an toàn của các cơ quan kiểm soát an toàn trong lĩnh vực y tế, cụ thể như ở châu Âu, Mỹ. Từ năm 2006, những tiêu chuẩn an toàn của túi ngực đã được công bố và có kiểm tra đánh giá tính an toàn.
“Trong quá trình theo dõi, thi thoảng vẫn có báo cáo trường hợp bị ung thư ở những người đặt túi ngực chứ không phải gần đây mới có. Năm 2011, Cơ quan FDA đã có thống kê lại vấn đề này và ghi nhận có 34 ca bị ALCL sau đặt túi nâng ngực. Và đến năm 2018 ghi nhận 660 ca nhưng khi sàng lọc lại có 450 ca bị ALCL.
Tuy nhiên, sau khi phân tích đều nhận định chưa chứng minh được đặt túi nâng ngực gây ung thư bạch huyết, đồng thời, không khuyến cáo tháo túi nếu không có các biến chứng”, BS. Quang cho hay.
Còn theo TS. BS. Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, trong phẫu thuật thẩm mỹ, nâng ngực có một quy trình, chăm sóc và theo dõi biến chứng rất chặt chẽ.
Với con số do FDA đưa ra gần 500 ca ung thư bạch huyết sau đặt túi ngực tại Mỹ, có vẻ rất lớn nhưng chia ra tỷ lệ chỉ khoảng 0,047/1.000 ca. Trong y học, tỷ lệ quá nhỏ và hiếm gặp này không cần phải khuyến cáo cho bệnh nhân. Vì vậy, chị em đã đặt túi nâng ngực không nên quá lo lắng về nguy cơ ung thư.
Tuy vậy, theo khuyến cáo của BS. Quang, việc tiến hành đặt túi nâng ngực phải được chỉ định và thực hiện bởi các bác sỹ chuyên khoa. Bên cạnh đó, các cá nhân có sử dụng đặt túi nâng ngực nên khám theo dõi định kỳ.