Thực hư ăn cơm nguội hâm nóng có thể gây ung thư

Thời gian gần đây, rất nhiều thông tin cho rằng việc ăn cơm nguội hâm nóng lại có thể gây ngộ độc, ung thư cho người sử dụng khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Nhiều chuyên gia đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Thực hư ăn cơm nguội hâm nóng có thể gây ung thư

Ai cũng từng ăn cơm nguội hâm lại

Khi hỏi về vấn đề lo ngại việc ăn cơm nguội sẽ khiến ngộ độc hoặc ung thư thực quản, nhiều người được hỏi đều khẳng định, đã rất nhiều lần ăn cơm nguội, đặc biệt là cơm nguội hâm nóng lại.

Chị Nguyễn Thị Phương Linh (Láng Hạ - Đống Đa) chia sẻ: “Mình là dân văn phòng, sáng nào đi làm cũng mang cơm đi để đến trưa ăn. Đến trưa cơm đã nguội, lúc đó mới cắm lại cho nóng như vậy cũng là cơm hâm lại chứ đâu phải nấu mới”.

Không chỉ có vậy, chị Linh còn cho rằng, hiện trên hè phố có rất nhiều những quán cơm rang dưa bò, cơm rang thập cẩm mọc lên, tại những quán này việc sử dụng cơm nguội không rõ nguồn gốc còn đáng lo ngại hơn, còn việc dân văn phòng hâm nóng cơm thì cũng không vấn đề gì.

cơm nguội, ung thư, phòng tránh, nguyên nhân

Nhiều người cho rằng, những quán cơm rang vỉa hè mới đáng lo ngại về chất lượng.

Đối với dân văn phòng là vậy, còn tại các hộ gia đình, việc bảo quản cơm nguội trong tủ lạnh là việc làm rất thường xuyên của các bà nội trợ. Đặc biệt là trong mùa hè. Thậm chí có nhiều trường hợp còn tin tưởng tuyệt đối vào khả năng “bảo vệ” của tủ lạnh khi bảo quản cơm 3-4 ngày vẫn sử dụng bằng cách rang lại cho gia đình ăn.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Huệ Chi (Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết: “Thông tin về việc hâm nóng lại cơm nguội dễ bị ngộ độc, ung thư mình cũng đã nghe qua. Tuy nhiên, mọi chuyện không đến mức như tin đồn, bởi nhiều nhà khoa học vẫn hướng dẫn cách bảo quản cơm an toàn…

Như gia đình nhà mình đã phải xin ý kiến của chuyên gia tư vấn, về việc bảo quản cơm trong tủ lạnh bao lâu, cách bảo quản thế nào là đùng. Bác sĩ nói cơm có thể bảo quản 3-4 ngày, khi cho ra ngoài tủ lạnh nếu không thấy có mùi chua, thiu, lên men vẫn có thể sử dụng được”.

Không bảo quản cơm trong tủ lạnh quá 24 giờ

Trước những thông tin và thắc mắc của người dân về vấn đề trên, trao đổi với phóng viên PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định: “Cơm nguội hoàn toàn an toàn và không có nguy cơ ung thư hay gây ngộ độc nếu được nấu chín và bảo quản đúng cách trong vòng một ngày (24 giờ)”.

“Tất nhiên, cũng phải nhấn mạnh một vấn đề rằng, ăn cơm nguội dù vẫn an toàn và được hâm nóng lại, nhưng chắc chắn chất dinh dưỡng sẽ không được bằng cơm mới nấu”, PGS Thịnh cho biết.

Đồng thời, PGS Thịnh cho biết thêm, những thắc mắc của người dân về việc ăn cơm rang ở các hàng quán nguy cơ xảy ra ngộ độc cao là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, tình trạng sử dụng cơm nguội để chiên rang ở các cửa hàng ăn uống là rất phổ biến, việc họ có sử dụng cơm nguội lâu ngày hay không khó mà kiểm chứng được.

Do vậy, việc ăn cơm rang thường xuyên là điều không nên vì thực tế cơm rang cùng dầu mỡ có thể gây những triệu chứng khó tiêu cho người sử dụng. Chưa kể việc bảo quản cơm nguội và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở những quán cơm bình dân còn rất nhiều vấn đề cần phải được lưu tâm.

cơm nguội, ung thư, phòng tránh, nguyên nhân

Các chuyên gia cho rằng, cơm không nên bảo quản quá 24 giờ kể cả trong tủ lạnh.

Đồng quan điểm trên, Ths Trần Quốc Hùng – giảng viên Trường Cao đẳng y tế Hà Nội cho biết, ngộ độc do sử dụng lại cơm nguội ở gia đình ít hơn ở nhà hàng vì ở gia đình thường nấu với số lượng ít. Còn ở các nhà hàng họ thường nấu rất nhiều cơm để phục vụ khách, nếu cơm thừa các nhà hàng này có thể hâm nóng lại hoặc dùng để làm cơm rang.

“Theo tôi, các gia đình trong mỗi bữa ăn không nên nấu thừa cơm, bởi bất kể cái gì thừa cũng không tốt, kể cả là cơm đã được bảo quản trong tủ lạnh”, Ths Hùng khuyến cáo.

Theo ông Hùng, trong trường hợp ăn còn cơm thừa thì ngay khi cơm vẫn còn nóng, người dùng cần phải làm lạnh thật nhanh, có thể để cả ruột nồi cơm cho vào chậu nước lạnh sau đó cho làm nguội và cất vào ngăn mát tủ lạnh.

Ngoài ra, không nên dùng tủ lạnh bảo quản cơm quá 24 giờ, đồng thời không nên hâm nóng cơm quá 2 lần, bởi quá trình hâm nóng sẽ làm mất hết chất trong cơm.

Riêng vấn đề ăn cơm nguội hâm nóng liên tục gây ung thư dạ dày, ThS.BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) cho biết, thông tin này chưa thực sự xác đáng. Bởi đối với người Việt Nam, thói quen ăn cơm nguội hâm nóng rất phổ biến và chưa ghi nhận trường hợp nào bị ung thư dạ dày vì ăn cơm nguội hâm nóng.

Theo Vietnamnet.vn/khampha.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...