Thực hiện nghiêm túc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH

Thực hiện nghiêm túc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH
hgcfghcfhxc
Bộ GD&ĐT chưa công bố kết quả KĐCLGD vì việc đánh giá còn đang  trong quy trình xem xét, nhưng chắc chắn sẽ chính thức công bố trong thời gian tới.


Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời:

 Về kiểm định chất lượng đại học

2.1. Căn cứ để đánh giá chương trình đại học

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục là một hoạt động còn rất mới ở Việt Nam, nhưng đã được Đảng, Quốc hội, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng triển khai thực hiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 38/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 04/12/2004 Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng giáo dục các trường đại học, trong đó đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng gồm 10 tiêu chuẩn, 53 tiêu chí. Mỗi tiêu chuẩn có một số tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá “chưa đạt” hoặc “không đạt”; “đạt mức 1” (là mức đạt yêu cầu); “đạt mức 2” (là mức đạt cao hơn yêu cầu). Với tiêu chí được đánh giá “chưa đạt” hoặc “không đạt” nghĩa là trường đại học chưa thực hiện được đầy đủ các yêu cầu của mức 1. Trong kiểm định không cho điểm 0. Với những tiêu chí “chưa đạt”/ “không đạt” hay “đạt mức 1” nhà trường cần có kế hoạch khắc phục những tồn tại, yếu kém nhằm nâng cao chất lượng của nhà trường.

Trong Quyết định số 38/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 04/12/2004 cũng đưa ra 3 cấp độ công nhận trường đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục như sau:

Cấp độ 1: Trường đại học có ít nhất 80% tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đạt mức 1 và mức 2, nhưng chưa đủ điều kiện để công nhận đạt cấp độ 2.

Cấp độ 2: Trường đại học có ít nhất 60% tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đạt mức 2 và các tiêu chí còn lại đạt mức 1, nhưng chưa đủ điều kiện để công nhận đạt cấp độ 3.

Cấp độ 3: Trường đại học có 100% tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đạt mức 2.

Như vậy, ở cấp độ 1, trường đại học phải có 43 tiêu chí đạt mức 1, mức 2 và có thể cho phép có tối đa 10 tiêu chí chưa đạt. Ở một số nước khác còn có cấp độ kiểm định thấp hơn ở Việt Nam. (Ví dụ, cấp độ 1 của Philipines chỉ quy định trường đại học có báo cáo tự đánh giá để đăng ký kiểm định mà chưa quy định phải có bao nhiêu tiêu chí đạt yêu cầu). Đây là một cấp độ rất cần cho các trường đại học ở nước ta vì còn rất nhiều trường đang gặp khó khăn, họ cần có thời gian để phấn đấu. Cấp độ này là một sự ghi nhận những nỗ lực ban đầu của các trường đại học. Vì vậy, trong số những trường đại học được kiểm định, nếu có trường đại học có tiêu chí chưa đạt là chuyện bình thường. Các trường này cần được chia sẻ và khuyến khích vươn lên.

Trong Quyết định số 38/2004/QĐ-BGD&ĐT, yêu cầu phải có 100% số tiêu chí đạt mức 2 để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng ở cấp độ 3 là khá cao, trong khi đó, một số nước trên thế giới quy định chỉ cần có trên 80% số tiêu chí đạt yêu cầu ở mức 2 (hoặc tương đương) là được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Điều đó giải thích vì sao đa số các trường tham gia đợt đầu chỉ đạt cấp độ 2, không trường nào đạt cấp độ 3.

2.2. Kết quả kiểm định

Việc kiểm định chất lượng giáo dục ở nước ta được tiến hành theo quy trình: trường tự đánh giá; đánh giá ngoài, đánh giá lại; Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định kết quả; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định công nhận hoặc không công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Trong số 40 trường đại học đã được đánh giá ngoài, thì 20 trường đã được Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định và đang chờ phê duyệt. Đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố kết quả vì việc đánh giá còn đang  trong quy trình xem xét, nhưng chắc chắn sẽ chính thức công bố trong thời gian tới.

2.3. Về việc công bố kết quả kiểm định

Theo Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân (ban hành kèm theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), tất cả các trường đại học, cao đẳng trong cả nước phải công bố kết quả kiểm định chất lượng trên Website của mình, trong các khoa, trung tâm cùng thư viện của trường, ở vị trí thuận tiện để mọi người dễ tiếp cận. Trên Website  của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có các kết quả kiểm định này. Các đại biểu Quốc hội có thể vào Website (www.moet.gov.vn) để biết kết quả.

Ông Nguyễn Lân Dũng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lăk:. Xin Bộ trưởng cho biết sau khi hậu kiểm các trường đại học dân lập nếu thấy không đúng với hồ sơ đăng ký thì Bộ sẽ có thái độ thế nào (nếu thấy có chênh lệch lớn)?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời:


1. Giải pháp sau khi hậu kiểm các trường đại học dân lập nếu thấy có chênh lệch lớn với hồ sơ đăng ký

Từ năm 1998 đến nay (12 năm) đã có 33 trường đại học được thành lập mới (2 trường công lập và 31 trường ngoài công lập); 54 trường đại học nâng cấp từ trường cao đẳng (51 trường đại học công lập và 3 trường đại học ngoài công lập). Cả nước có 35/63 tỉnh có thêm trường đại học mới, trong đó: 23 tỉnh có thêm 1 trường; 10 tỉnh có thêm 2 - 3 trường; riêng thành phố Hồ Chí Minh có thêm 18 trường đại học và Hà Nội (mở rộng) có thêm 23 trường, chiếm tỷ lệ 43% số trường đại học thành lập mới và nâng cấp.

Hệ thống các cơ sở giáo dục đại học được phát triển đúng theo định hướng quy hoạch, phân bố trên phạm vi cả nước. Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành phố có trường đại học (đạt tỷ lệ 63%); có 60/63 tỉnh, thành có trường cao đẳng (đạt tỷ lệ 95%) và có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường cao đẳng hoặc đại học (đạt tỷ lệ 98%, trừ tỉnh Đăk Nông chưa có trường đại học, cao đẳng nào).

Số trường đại học, cao đẳng ở các vùng cao, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đã tăng lên, như Tây Bắc (1 trường đại học, 8 trường cao đẳng); Tây Nguyên (3 trường đại học, 10 trường cao đẳng); Đồng bằng sông Cửu Long (11 trường đại học, 27 trường cao đẳng), tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học, nhất là ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, miền núi, con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, trong công tác thành lập trường, triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng theo Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ cũng còn bộc lộ những hạn chế là:

- Khoảng 20% trường đại học, cao đẳng (12 trường) được thành lập mới hoặc nâng cấp lên đại học từ năm 2005 trở lại đây chưa thực hiện đầy đủ các cam kết như trong Đề án khả thi thành lập trường và mở ngành tuyển sinh, chưa chuẩn bị đồng bộ 4 yếu tố về: đất đai xây dựng trường; đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm, ...).

- Chưa có quy định bắt buộc về kiểm tra thực tế các điều kiện cần thiết khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh (chỉ kiểm tra dựa theo hồ sơ). Chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết về các điều kiện mở ngành và tuyển sinh chưa đủ mạnh. Chưa có quy định các trường phải xây dựng chuẩn năng lực người tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) nên chưa có cơ sở đánh giá đúng chất lượng đào tạo. Hệ thống quản lý chất lượng trong giáo dục đại học chậm được hình thành (năm 2004 Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục mới được thành lập).

- Các trường đại học, cao đẳng vẫn tập trung chủ yếu ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương, 5 thành phố này có 102/150 trường đại học cả nước, chiếm 68% và có 184/276 trường đại học, cao đẳng cả nước, chiếm 49%. Riêng các trường cao đẳng, 5 thành phố có 82/226 trường, chiếm 36%.

Vì vậy, trong trường hợp, sau hậu kiểm nếu các trường đại học dân lập, tư thục không thực hiện đúng cam kết theo đề án khả thi thành lập trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xử lý với các mức độ khác nhau:

a) Xử phạt hành chính đối với những trường vi phạm hành chính trong công tác tuyển sinh (tuyển vượt chỉ tiêu đã xác định).

b) Thu hồi quyết định mở ngành: Các trường không thực hiện đúng cam kết mở ngành, không đảm bảo đủ các điều kiện quy định: đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm, ...) phải dừng tuyển sinh của ngành và tiến tới thu hồi Quyết định mở ngành.

c) Dừng tuyển sinh: Trường hợp nếu quy mô đào tạo lớn hơn năng lực thực hiện, có thể không vượt quá chỉ tiêu, nhưng trong quá trình đào tạo có sự thay đổi về đội ngũ và làm giảm khả năng đảm bảo chất lượng thì trừ vào chỉ tiêu của năm tiếp sau và thông báo cho cơ sở đào tạo củng cố năng lực. Nếu năm tiếp sau vẫn chưa có đáp ứng phù hợp thì dừng tuyển sinh của năm tiếp theo.

d) Thu hồi quyết định thành lập trường: Sau 2 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập trường, nếu trường không chuẩn bị đủ các điều kiện để đi vào hoạt động như mở ngành đào tạo, tuyển sinh thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ thu hồi quyết định thành lập trường.

e) Huỷ bỏ Giấy chứng nhận đầu tư: Sau ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nếu Ban quản lý dự án không thực hiện được kế hoạch như đã đề ra trong dự án đầu tư về chuẩn bị đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị, huy động vốn đầu tư, đề nghị cấp đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở vật chất và không chuẩn bị được hồ sơ như quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Quyết định số 07/2009/QĐ-TTg ngày 15/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ, thì UBND tỉnh/thành phố sẽ xem xét việc huỷ bỏ Giấy chứng nhận đầu tư.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Cúc, thành phố Hồ Chí Minh:
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rõ hơn ý nghĩa và giá trị pháp lý của việc kiểm định chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục dục phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời:

1. Về ý kiến “ý nghĩa của việc kiểm định chất lượng giáo dục”:

Kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những công cụ hữu hiệu để duy trì các chuẩn mực và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Kiểm định chất lượng giáo dục đã có lịch sử trên 100 năm và ngày nay được hầu hết các nước trên thế giới sử dụng. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam còn là một hoạt động rất mới, nhưng đã được Đảng, Quốc hội, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm 2004, triển khai thực hiện, chuẩn bị kiểm định ở cấp quốc gia và đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp giáo dục của mỗi nước và đối với nước ta, với ngành giáo dục và đào tạo, nhà trường, người dạy, người học và xã hội. Cụ thể:

- Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo: Công tác kiểm định chất lượng giáo dục cung cấp những thông tin khách quan về chất lượng giáo dục của toàn ngành; giúp cho cơ quan quản lý kịp thời đưa ra các chính sách thích hợp để tăng cường quản lý chất lượng, giúp cho các cơ sở đào tạo phát huy thế mạnh, khắc phục yếu kém để tiếp tục phát triển nhà trường; giúp giải trình với Quốc Hội, Nhà nước và xã hội về những thành quả đạt được của toàn ngành.

- Đối với nhà trường: Công tác kiểm định chất lượng giáo dục giúp nhà trường tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động của nhà trường tốt hơn, có hiệu quả và chất lượng hơn; giúp nhà trường giải trình với các cơ quan quản lý và với xã hội về chất lượng và hiệu quả mà nhà trường đạt được; giúp nhà trường khẳng định với người học về chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường, qua đó thu hút được nhiều học sinh, sinh viên đến học tập.

- Đối với người học: Người học được đảm bảo rằng các quyền lợi của người học được đảm bảo, các yêu cầu của người học được đáp ứng, và được đảm bảo rằng khi tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để có việc làm tốt hoặc có thể tiếp tục học cao hơn.

- Đối với người dạy: Thu thông tin phản hồi từ phía người học để đổi mới phương pháp dạy học, cải tiến phương tiện dạy học, nâng cao chất lượng dạy học.

- Đối với xã hội: Công tác kiểm định chất lượng sẽ cung cấp cho xã hội các thông tin khách quan về hệ thống giáo dục để xã hội tham gia giám sát, kiểm tra.

2. Về ý kiến “giá trị pháp lý của kiểm định chất lượng giáo dục”:

Từ các mục đích và ý nghĩa của việc kiểm định chất lượng giáo dục, qua kinh nghiệm của các nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đưa ra một số chính sách ưu tiên đối với các cơ sở giáo dục được kiểm định để khẳng định giá trị pháp lý của kiểm định chất lượng như sau:

 Khẳng định việc nhà trường thực hiện được nhiệm vụ chính trị của mình theo quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm trước xã hội, qua đó cho phép nhà trường:

- Điều chỉnh mức thu học phí (tương ứng với mức độ tham gia đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của trường: hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được đánh giá ngoài và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng);

- Tăng chỉ tiêu tuyển sinh (tương ứng với mức độ tham gia đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của trường: hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được đánh giá ngoài và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng);

- Cho phép mở mã ngành đào tạo mới; Cho phép đào tạo các chương trình mở và từ xa; Thực hiện đào tạo các chương trình tiên tiến; Thực hiện việc liên kết đào tạo đặc biệt là liên kết đào tạo với nước ngoài;

- Chuyển đổi loại hình trường (ví dụ như từ trường cao đẳng sư phạm thành trường cao đẳng đa ngành); Nâng cấp trường (ví dụ từ trường trung cấp chuyên nghiệp lên trường cao đẳng; từ trường cao đẳng lên trường đại học).

Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.