Thực hiện Kết luận 91/2024-KL/TW: Tiếp tục đổi mới để đi vào chiều sâu

GD&TĐ - Từ thực tiễn triển khai sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/2013-NQ/TW, các địa phương nhận diện những vấn đề cần tập trung quan tâm...

Giờ học tại Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ). Ảnh: NTCC
Giờ học tại Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ). Ảnh: NTCC

Từ thực tiễn triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/2013-NQ/TW, các địa phương nhận diện những vấn đề cần tập trung quan tâm nhằm tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An: Giải pháp đột phá phát triển bền vững giáo dục

tiep-tuc-doi-moi-de-di-vao-chieu-sau-5.jpg
Ông Thái Văn Thành. Ảnh: Xuân Phú

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 91/2024-KL/TW (Kết luận 91), trong đó đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển bền vững giáo dục.

Theo đó, được nhấn mạnh trước hết là tiếp tục thực hiện đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển phẩm chất, năng lực người học phù hợp nhu cầu xã hội. Xây dựng, triển khai đồng bộ cơ chế chính sách đặc thù ưu tiên kết nối phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khó khăn. Tăng cường hợp tác phát triển giáo dục hội nhập, tiên tiến ở vùng thuận lợi, đô thị, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

Cùng đó, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, tầm nhìn, sáng tạo. Tổ chức khoa học công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý theo chuẩn quốc gia, quốc tế về hình thành, đánh giá phẩm chất, năng lực người học.

Phát huy vai trò “thầy cô là động lực” của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; gương mẫu thực hiện “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, tất cả vì học sinh thân yêu.

Quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương; có cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng đội ngũ nhà giáo; thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An sẽ chủ động hợp tác, kết nối các địa phương, đơn vị trong nước; tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đặc biệt về chuyển đổi số ngành Giáo dục trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mục tiêu kép vừa ứng dụng xây đựng mô hình quản lý, quản trị và dạy học thời đại 4.0, vừa nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, hình thành công dân số, toàn cầu; bằng phương thức: Kết nối - chia sẻ - tạo giá trị mới.

Đồng thời, triển khai nghiêm túc, khoa học Chương trình GDPT 2018 cấp THPT đối với lưu học sinh Lào (diện mở rộng hợp tác của tỉnh) tại Nghệ An; nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào theo chương trình hỗ trợ học bổng của tỉnh và khuyến khích mở rộng diện đào tạo tự túc đối với học sinh, sinh viên người nước ngoài; xây dựng thương hiệu giáo dục - đào tạo Nghệ An.

Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên: Bảo đảm cơ sở vật chất, đội ngũ

tiep-tuc-doi-moi-de-di-vao-chieu-sau-4.jpg
Ông Nguyễn Văn Đoạt. Ảnh: Minh Đức

10 năm thực hiện Nghị quyết 29/2013-NQ/TW (Nghị quyết 29) trên địa bàn tỉnh Điện Biên, quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Đến nay, ngành Giáo dục cơ bản đạt và vượt tất cả chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XIV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh (về đích trước 1 năm). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiêu chí “Giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt” được xếp hạng 17/63 tỉnh thành năm 2023.

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo Kết luận 91, vấn đề cần tập trung quan tâm được địa phương xác định trước hết là đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.

Hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố của Điện Biên đạt 76,26%; phòng nội trú kiên cố đạt 57,85%; nhà công vụ, phòng học bộ môn, sân chơi, bãi tập, công trình phụ trợ, thiết bị dạy học còn thiếu, xuống cấp. Do vậy thời gian tới, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực để kiên cố hoá trường lớp, bổ sung thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục mầm non và phổ thông.

Về đội ngũ, cần bổ sung giáo viên, nhất là giáo viên các môn chuyên biệt. Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh thiếu 2.076 giáo viên (915 giáo viên mầm non, 522 giáo viên tiểu học, 406 giáo viên THCS, 233 giáo viên THPT).

Ngành Giáo dục Điện Biên thiếu nguồn tuyển giáo viên đối các môn học tích hợp, chuyên biệt để thực hiện Chương trình GDPT 2018 như: Tiếng Anh thiếu 106 giáo viên, Tin học thiếu 46 giáo viên, Âm nhạc thiếu 34 giáo viên, Mỹ thuật thiếu 35 giáo viên. Cùng với đó, địa phương tiếp tục quan tâm bồi dưỡng đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới Chương trình giáo dục mầm non và phổ thông.

Ngoài ra, địa phương cũng tập trung quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Mặc dù chất lượng giáo dục của tỉnh từng bước nâng lên song còn chênh lệch khá xa so với các tỉnh bạn, nhất là địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội phát triển hơn.

Nhận diện rõ thuận lợi và khó khăn trong giai đoạn đổi mới đi vào chiều sâu, ngành Giáo dục Điện Biên đã xác định những nội dung quan trọng sẽ ưu tiên khi triển khai Kết luận 91. Trong đó có việc huy động trẻ các độ tuổi ra lớp đạt kế hoạch giao; duy trì 100% số đơn vị hành chính cấp xã và 100% số đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, xóa mù chữ mức độ 2.

Đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận tỉnh đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; từng bước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi; phấn đấu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT và tương đương cao hơn năm trước. Tăng tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị dạy học hiện đại vào các hoạt động quản lý, dạy học. Tăng tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa, bổ sung thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ trên cơ sở nâng cấp các trường cao đẳng hiện có, phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030. Địa phương cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nhằm phấn đấu thực hiện được mục tiêu trên.

Để triển khai hiệu quả Kết luận 91, chúng tôi mong muốn sớm có Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, nhà nội trú cho học sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như tỉnh Điện Biên.

Có các chương trình, đề án đặc thù dành riêng cho ngành Giáo dục về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Đề nghị không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW đối với các tỉnh mà đời sống người dân còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên.

Ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục

tiep-tuc-doi-moi-de-di-vao-chieu-sau-1.jpg
Ông Trịnh Văn Ngoãn. Ảnh: NVCC

Triển khai Kết luận 91, tỉnh Vĩnh Long đặt ra mục tiêu huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực, nỗ lực, trách nhiệm của ngành Giáo dục, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân.

Tăng cường nguồn lực phát triển giáo dục - đào tạo, đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển phẩm chất, năng lực người học đáp ứng nhu cầu xã hội. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Giáo dục; xây dựng mô hình trường học hiện đại, tiên tiến, chất lượng cao.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Có cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Chủ động hợp tác, kết nối các địa phương, đơn vị trong nước; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Để đạt mục tiêu đặt ra, tỉnh Vĩnh Long đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, Kết luận số 91-KL/TW.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên.

Tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GD-ĐT. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi trong giáo dục - đào tạo.

Vĩnh Long cũng tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục - đào tạo. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế giáo dục - đào tạo; trong đó quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, phát triển năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên.

Riêng việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục, Vĩnh Long sẽ tập trung rà soát, tham mưu thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục - đào tạo, các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương, đặc biệt Luật về nhà giáo, Luật về học tập suốt đời, Chiến lược phát triển giáo dục và các quy định về đổi mới công tác quản lý giáo dục - đào tạo, quản trị nhà trường.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục - đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách Nhà nước cho ngành Giáo dục. Tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục - đào tạo; thực hiện tốt cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh...

Địa phương cũng tập trung thực hiện Kết luận 09/2024-KL/TW của Ban Chỉ đạo Trung ương và Đề án của Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Long tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo hướng sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về ngành Giáo dục quản lý và có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển hệ thống này trong thời gian tới.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác thanh/kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Tăng cường thanh/kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, các văn bản chỉ đạo của ngành Giáo dục; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính, chuyên ngành; tăng cường phối hợp thanh tra tỉnh trong công tác thanh tra giáo dục. Xử lý nghiêm và công khai các vi phạm nhằm tác động vào cả hệ thống.

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với nhân sự, tài chính. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng công tác quản trị nội bộ. Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài và chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ