(GD&TĐ) - Sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn, cầu thị, Bộ trưởng đã đi thẳng vào các vấn đề xã hội và các ĐBQH quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đánh giá như vậy về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chiều 22/3 tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.
Kết thúc phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn của 23 ĐBQH nhưng vẫn còn tới 14 người chưa được trả lời do hết thời gian, điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các ĐBQH, cử tri và người dân cả nước dành cho giáo dục. Nhiều vấn đề lớn của ngành Giáo dục như chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; chất lượng nguồn nhân lực; việc làm của sinh viên sau khi ra trường; tình trạng dạy thêm – học thêm và bệnh thành tích trong giáo dục... đã được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: gdtd.vn |
Đổi mới giáo dục toàn diện: Mấu chốt là đổi mới tư duy.
Xung quanh vấn đề thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Ngay sau Đại hội XI của Đảng, Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo T.Ư xây dựng Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Căn cứ Kết luận Hội nghị T.Ư 6, hiện nay dự thảo Đề án đang được tích cực bổ sung, hoàn thiện. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã chủ động từng bước triển khai ngay việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thực tiễn, lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng toàn diện và đã làm được một số việc, đem lại kết quả cụ thể.
“Điểm mấu chốt nhất trong Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là gì?”. Trước chất vấn này của ĐB Nguyễn Văn Tuyết, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn cho rằng: Đó chính là nhận thức, phải có nhận thức mới. Trước hết phải có đổi mới tư duy thực sự.
Nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc làm việc trái ngành nghề - Đó là một thực tế, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định. Từ khi Đổi mới, Nhà nước không phân công công tác cho các sinh viên tốt nghiệp, dẫn đến quy mô, cơ cấu đào tạo của các trường ĐH, CĐ không ăn khớp với nhu cầu của thị trường lao động. Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh trong thời gian qua chủ yếu căn cứ vào năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH mà chưa tính đến nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội. Xã hội hiện nay vẫn còn tư duy tập trung cho con đi học những ngành nghề hiện tại đang được đánh giá cao, không tính đến tương lai khi tốt nghiệp ra trường. Suy thoái kinh tế trong 2 năm qua dẫn đến hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, làm cho sinh viên sau tốt nghiệp gặp càng nhiều khó khăn hơn trong công tác tìm kiếm việc làm...
Để góp phần khắc phục, vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của cả nước đến năm 2020, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Bộ, ngành và địa phương. Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực; xem xét đánh giá lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ trong cả nước; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, thông báo về những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn cũng như các ngành đang dư thừa nhân lực. Ngoài ra, từ năm 2013 Bộ tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng xem xét, hạn chế thành lập mới các trường ĐH đào tạo các ngành này...
Liên quan đến vấn đề chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cùng với việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, dạy nghề trong cả nước; chỉ đạo chặt chẽ việc cho phép thành lập mới các trường ĐH, CĐ sẽ xây dựng khung pháp lý, cơ chế đánh giá chất lượng giáo dục; đổi mới quản lý quá trình dạy và học theo mô hình quản lý chất lượng đầu ra; chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng; công khai chất lượng giáo dục và giải quyết cơ bản các hiện tượng tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá và thi. Cùng với đó, Bộ chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH đổi mới chương trình đào tạo, coi trọng trang bị kỹ năng cho SV; triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu của xã hội; tăng cường công tác kiểm định chất lượng các trường ĐH, CĐ...
Giải thích vì sao không có nhiều trường nước ngoài tốt mở ở Việt Nam để HS SV phải du học ở nước ngoài gây tốn kém, lãng phí ngoại tệ, Bộ trưởng cho hay: Cùng với chủ trương của Chính phủ khuyến khích mở các trường nước ngoài vào Việt Nam, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo, các trường ĐH tốp trên của Việt Nam hợp tác với trường nước ngoài có chất lượng mở các chương trình đào tạo tiên tiến. Đến nay, gần 40 chương trình đang được triển khai nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao và được nhiều trường ĐH và các nước công nhận.
Không khuyến khích học thêm
Trước tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm, học thêm nhằm chấn chỉnh tình trạng này. Hầu hết các địa phương đã tổ chức triển khai, phổ biến quy định này đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đưa hoạt động dạy thêm học thêm vào nề nếp. Đầu năm học 2012-2013, Bộ GD&ĐT đã thành lập 4 đoàn thanh tra tại 6 tỉnh và 2 thành phố lớn, đã kiến nghị nhiều giải pháp với các địa phương để chấn chỉnh tình trạng này.
Vấn đề học thêm liên quan đến các kỳ thi, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ GD&ĐT đang tích cực nghiên cứu đổi mới tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Đề thi ĐH không nằm ngoài chương trình, không bắt buộc phải học thêm nên năm vừa rồi số học sinh nông thôn, miền núi đỗ ĐH tăng hơn nhiều. Đặc biệt, năm qua đã có một học sinh Sơn La đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế. “Việc đổi mới kỳ thi chúng tôi đã làm và không khuyến khích học thêm” – Bộ trưởng khẳng định.
Vấn đề tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, từ năm học 2006-2007, Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, thông qua cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Bộ GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo các Sở GD&ĐT hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định trên, tăng cường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại học sinh; điều chỉnh cách thức kiểm tra, đánh giá theo hướng giảm các yêu cầu học thuộc, nhớ con số, sự kiện một cách máy móc, tạo cơ hội cho học sinh được vận dụng kiến thức tổng hợp và những hiểu biết riêng của bản thân.
Mặt khác, để tránh áp lực tỷ lệ tốt nghiệp THPT tới kết quả đánh giá chất lượng giáo dục, Bộ đã bước đầu triển khai hình thức đánh giá học sinh phổ thông trên diện rộng (quốc gia) và tham gia các kì đánh giá quốc tế (PISA đối với học sinh trung học, PASEC đối với học sinh tiểu học), qua đó nhận diện mặt bằng chất lượng và kiến nghị các chính sách phát triển giáo dục. Việt Nam đã thực hiện khảo sát PISA tại 162 cơ sở giáo dục thuộc 59 tỉnh/thành phố với 4.968 học sinh tham gia theo 3 môn là đọc hiểu, toán học và khoa học. Hiện nay, kết quả khảo sát đang được xử lý và sẽ được công bố chính thức...
Liên quan đến vấn đề sách tham khảo được dư luận quan tâm gần đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định hiện ngành Giáo dục đã có danh mục quy định đầy đủ các sách trong nhà trường; một số sách phát hành trôi nổi trên thị trường không thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD&ĐT. Để xử lý việc này, Bộ GD&ĐT sẽ cùng Bộ Thông tin – Truyền thông tính toán, xây dựng văn bản mới nhằm giải quyết được tất cả những vấn đề thực tiễn. Bên cạnh đó, cũng sẽ có biện pháp để ngăn chặn sách kém chất lượng thâm nhập vào nhà trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Khẩn trương hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT Kết luận phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần khẩn trương hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm áp dụng vào thực tiễn, tạo cho được chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với đó, tập trung quản lý chất lượng SGK, sách tham khảo phục vụ học sinh các cấp học phổ thông, bảo đảm chất lượng về chuẩn mực, về ngôn ngữ, về lịch sử. Tổng kết công tác đào tạo sư phạm và mạng lưới đào tạo ngành sư phạm trong cả nước để kịp thời chấn chỉnh hạn chế tình trạng thừa giáo viên ở một số địa phương hiện nay. Tiếp tục đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích bằng các giải pháp đề thi, công tác thi đua khen thưởng, việc đánh giá kết quả học tập, xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn Giám đốc Sở GD&ĐT và địa phương. Tiếp tục rà soát nội dung dạy học theo hướng tinh giảm, tập trung đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường dạy học 2 buổi trên ngày và tổ chức các hoạt động giáo dục để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm như hiện nay. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt ở nước ngoài mở rộng tổ chức giảng dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam định cư ở nước ngoài. |
Hiếu Nguyễn