Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới tại Yên Bái: Lan tỏa kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm

GD&TĐ - Huyện miền núi Trấn Yên, tỉnh Yên Bái quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học sinh được khuyến khích tự tin và sáng tạo trong mỗi giờ học.
Học sinh được khuyến khích tự tin và sáng tạo trong mỗi giờ học.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, các cán bộ quản lý và giáo viên của huyện đã tham gia chương trình tập huấn của ETEP, những kiến thức thu được đã lan tỏa và thể hiện những giá trị tích cực.

Phát huy vai trò đội ngũ cốt cán

Ông Vũ Quốc Long, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Chúng tôi luôn xác định, triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là trách nhiệm của các thầy cô giáo. Để thực hiện điều đó, phòng GD&ĐT đã lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán là giáo viên giỏi, có kinh nghiệm và trách nhiệm cao tham gia các khóa bồi dưỡng thuộc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) với phương thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến. Đội ngũ cốt cán này đã lan tỏa những kiến thức đã học được, hỗ trợ chia sẻ với đồng nghiệp tại nhà trường, cụm trường.

Ông Vũ Quốc Long cho rằng: Một trong những yếu tố để Chương trình giáo dục phổ thông mới thành công là năng lực giáo viên. Cách thức dạy – học của Chương trình GDPT mới khác nhiều so với trước đây. Thay vì đọc chép như trước, học sinh được khuyến khích thể hiện khả năng sáng tạo của mình. Các thầy cô giữ vai trò hướng dẫn để học sinh tiếp cận bài học bằng nhiều cách khác nhau. Điều này buộc giáo viên phải có sự chuẩn bị bài giảng, môn học kỹ càng, đặc biệt là tổ chức hoạt động học trong các tiết dạy theo đặc trưng của từng môn học.

Các thầy cô giáo cấp tiểu học, THCS của Trấn Yên được tập huấn và làm quen với việc sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Nhiều thầy cô từng bước áp dụng trong quá trình dạy học, giáo dục.

Huyện Trấn Yên đặc biệt quan tâm đến số giáo viên trực tiếp đứng lớp ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, giúp giáo viên cải thiện được cuộc sống, yêu nghề, yên tâm công tác. Phòng GD&ĐT đã chi trả đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách về phụ cấp như: Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp trách nhiệm và một số phụ cấp khác, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp lần đầu, trợ cấp học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ...

Đổi thay về cách dạy – học đã tạo nên chất lượng ở nhiều trường THCS của huyện Trấn Yên.
Đổi thay về cách dạy – học đã tạo nên chất lượng ở nhiều trường THCS của huyện Trấn Yên.

Sẵn sàng nhập cuộc

Cô Trần Thị Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 1 Y Can cho hay: Trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT mới, việc các thầy cô giáo được tham gia bồi dưỡng theo Chương trình ETEP hết sức bổ ích.

Đến nay, các thầy cô đã hoàn thành 3 mô-đun bồi dưỡng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến và có được những kiến thức cơ bản về Chương trình GDPT mới, sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đội ngũ nhà giáo đồng thời tự bồi dưỡng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, nếu gặp khó khăn, vướng mắc gì đều được các giáo viên cốt cán hỗ trợ trực tiếp hoặc qua điện thoại, Zalo hay trao đổi qua email. Tới đây, thầy cô giáo sẽ tăng cường dạy học tích hợp, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn của địa phương, giáo dục nghề nghiệp, bảo vệ môi trường...

Còn theo thầy Đào Trọng Hai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kiên Thành, sự hỗ trợ phối hợp của các chuyên gia – giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trong quá trình giáo viên tự bồi dưỡng rất hiệu quả.

Bằng cách đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng, tập huấn trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, đội ngũ giáo viên không giới hạn không gian và thời gian. Hoạt động hỗ trợ trực tuyến, giải đáp thắc mắc về chuyên môn trong các diễn đàn trực tuyến, nhóm Zalo, trao đổi qua email… của đội ngũ cốt cán và giảng viên đại học sư phạm đã phát huy hiệu quả. Thầy cô có thể học mọi lúc mọi nơi vẫn bảo đảm an toàn phòng dịch.

Cô Trần Thị Bích Ngọc, giáo viên môn Toán, Trường PT dân tộc nội trú THCS huyện Trấn Yên chia sẻ: Sau khi được tập huấn theo Chương trình ETEP, tôi cùng đồng nghiệp tự học trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS), tìm hiểu văn bản, cách thức truy cập vào nguồn học liệu trực tuyến, xem các video, trả lời câu hỏi và hoàn thành bài tập cuối khóa.

Cô Ngọc cho rằng: Điều quan trọng sau tập huấn, giáo viên biết áp dụng những kiến thức, phương pháp được học vào xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân, bổ sung nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp, sát với thực tế của địa phương cũng như lựa chọn phương án, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học tích cực.

Điều này đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt của mỗi thầy cô giáo. Dạy học phát triển năng lực đối với cô Ngọc là làm sao tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả học sinh có thể phát triển và tư duy sáng tạo.

Từ chỗ lo lắng khi năm học tới đây, Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới sẽ được triển khai đối với lớp 2 và lớp 6. Đến nay, các thầy cô giáo huyện miền núi Trấn Yên đã quen và khẳng định sẵn sàng nhập cuộc với tâm thế tốt nhất vì được trang bị đủ kiến thức, bảo đảm cho đổi mới thành công. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.