Trung tâm trong đổi mới sáng tạo
Ngày 6/10, Hội nghị khoa học Chăn nuôi – Thú y toàn quốc lần thứ 5 đã diễn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Hội nghị kéo dài từ ngày 5/10 đến 7/10. Đây là hoạt động trọng điểm được tổ chức 2 năm một lần bởi Hội Chăn nuôi, Hội Thú y Việt Nam và các Trường/Viện có đào tạo về Chăn nuôi, Thú y trên toàn quốc.
Một trong những nội dung được hội nghị đề cập đến là đào tạo ngành Chăn nuôi – Thú y trong bối cảnh hội nhập. Theo PGS.TS Sử Thanh Long - Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các trường đại học đào tạo ngành Chăn nuôi - Thú y tại Việt Nam có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang công nghệ tuần hoàn bằng cách tập trung vào đào tạo, nghiên cứu, hợp tác và hỗ trợ cộng đồng.
Thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu, các cơ sở giáo dục đại học có thể trang bị cho các chuyên gia chăn nuôi, người chăn nuôi kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hành chăn nuôi bền vững.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Bên cạnh đó, các trường đại học cũng đóng vai trò trung tâm trong đổi mới sáng tạo bằng các nghiên cứu tạo ra các phương pháp, sản phẩm phù hợp nhất với điều kiện chăn nuôi Việt Nam;
Đồng thời, kết nối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp để thương mại hóa các thành tựu này. Bằng cách trực tiếp đồng hành cùng cộng đồng, các trường đại học có thể cung cấp các dịch vụ khuyến nông giúp người chăn nuôi thích ứng hiệu quả các quy trình công nghệ tuần hoàn, giúp làm nổi bật các giá trị truyền thống và bản sắc địa phương.
Cũng theo PGS.TS Sử Thanh Long, các trường đại học cũng có thể hỗ trợ các nhà làm chính sách thông qua việc cung cấp nguồn dữ liệu và ý kiến chuyên môn. Về bản chất, các trường đại học Chăn nuôi - Thú y tại Việt Nam có thể đóng vai trò trung tâm kết nối các bên liên quan, để thúc đẩy sự hợp tác và thực hành công nghệ tuần hoàn phù hợp nhất với nhu cầu kinh tế, văn hoá và môi trường của đất nước.
PGS.TS Sử Thanh Long tham luận tại hội nghị. |
Khởi sắc trong tuyển sinh ngành chăn nuôi, thú y
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp.
Đây là hướng đi chủ đạo để ngành chăn nuôi nước nhà phát triển bền vững thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn tài nguyên dần hạn hẹp và nguy cơ ô nhiễm môi trường chăn nuôi vẫn hiện hữu.
Thực tế đã chứng minh rằng nhiều địa phương đã thành công trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn 4F: Feed (cho ăn); Farm (nông trại); Food (đồ ăn), Fertilizer (phân bón).
GS.TS Nguyễn Thị Lan phát biểu tại hội nghị. |
Những năm gần đây, kết quả tuyển sinh ngành Thú y và chăn nuôi khá tốt. PGS.TS Nguyễn Trọng Ngữ - Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp (Trường ĐH Cần Thơ) cho hay, năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Thú y là 116 sinh viên và đã có 112 em vào học. Với ngành Chăn nuôi, kết quả tuyển sinh đạt 113/140 chỉ tiêu.
“Theo khảo sát, 95% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo. Hầu hết các em làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở sản xuất thuốc thú y và các sinh phẩm thú y, các xí nghiệp chế biến động vật và thủy sản.
Cũng có nhiều sinh viên làm việc tại các đơn vị khuyến nông, Cục Thú y, Viện Thú y, Chi cục chăn nuôi và thú y, Trạm thú y, Sở Nông - Nghiệp và phát triển nông thôn. Một số em tự khởi nghiệp bằng cách mở phòng mạch thú y, dịch vụ thú y, chăm sóc thú cưng…”- PGS.TS Nguyễn Trọng Ngữ cho hay.
Sinh viên ngành Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hành tại Phòng Thí nghiệm Trung tâm – Khoa Chăn nuôi. |
Nhấn mạnh, đào tạo ngành Thú y và Chăn có sự liên thông với nhau;Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp viện dẫn, giả sử, sinh viên học ngành Thú ý sẽ được học thêm về chăn nuôi và ngược lại.
Theo đó, dù học ngành nào, sau khi tốt nghiệp sinh viên vẫn có thể làm việc ở lĩnh vực thú y hoặc chăn nuôi. Ngoài trang bị kiến, nhà trường chú trọng đào tạo kỹ năng và năng lực nghề nghiệp cho sinh viên, để các em có thể bắt tay vào việc luôn khi được tuyển dụng.
“Chúng tôi chú trọng đào tạo theo hướng ứng dụng, nghĩa là sinh viên được trải nghiệm, thực tập thực tế tại địa phương, trang trại và công ty thông qua các học phần thực hành.
Thông qua thực hành, sinh viên vận dụng những kiến thức đã học trong chẩn đoán, điều trị bệnh gia súc, gia cầm do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm; đồng thời các em được trang bị thêm những kỹ năng quản lý trang trại và những kỹ năng mềm khác như kỹ năng tư duy, làm việc nhóm, lập kế hoạch, viết báo cáo và thuyết trình trước đám đông” - ” - PGS.TS Nguyễn Trọng Ngữ nhấn mạnh.
Hội nghị khoa học Chăn nuôi – Thú y toàn quốc lần thứ 5 có 179 công trình khoa học; trong đó có 124 công trình khoa học được đăng tải trên Kỷ yếu toàn văn, 25 bài báo đăng trên các Tạp chí Khoa học kỹ thuật chăn nuôi, 15 bài đăng trên Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y và 15 bài đăng trên Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Hội nghị đón chào khoảng 500 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ khắp các trường, viện trong nước; trên 500 đại biểu là lãnh đạo, nhân viên, khách hàng của các doanh nghiệp trong ngành Chăn nuôi Thú y. Ngoài ra, còn có trên 3.000 sinh viên khoa Chăn nuôi và Khoa Thú y tham gia chuỗi các sự kiện.