Nữ tiến sĩ khởi nghiệp ở tuổi 60

GD&TĐ - Hơn 40 năm nghiên cứu về công nghệ môi trường nhưng mãi đến khi về hưu, TS Hóa học Trần Thị Ngọc Lan (63 tuổi), nguyên giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM mới chọn lĩnh vực này để khởi nghiệp.

Dù đã nghỉ hưu, TS Trần Thị Ngọc Lan vẫn luôn cần mẫn trong phòng thí nghiệm tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM
Dù đã nghỉ hưu, TS Trần Thị Ngọc Lan vẫn luôn cần mẫn trong phòng thí nghiệm tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM

Yêu khoa học bằng cả trái tim

Suốt hành trình làm khoa học, TS Trần Thị Ngọc Lan luôn trăn trở: “Nhà khoa học Việt Nam có trí tuệ không thua kém gì người nước ngoài, tại sao chúng ta phải dùng những thiết bị ngoại nhập, đắt đỏ?”. Trăn trở ấy đã khiến chị tìm đến và gắn bó với ruộng đồng, với bà con nông dân để cho ra những sản phẩm thiết thực.

TS Ngọc Lan là người tận tụy với công việc. Khi tham gia các hội thảo về lĩnh vực công nghệ sinh học và môi trường, chị luôn có ý kiến phản biện và chia sẻ những suy nghĩ của mình về những giải pháp công nghệ. Khi ở phòng thí nghiệm, TS Ngọc Lan luôn là người đến sớm về trễ. Chưa đến 8g sáng, người phụ nữ nhỏ nhắn có tóc lấm tấm bạc đã đến phòng thí nghiệm Hóa - Lý của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và ở đó tới hơn 6 giờ tối. Ít ai biết rằng, chị đã nghỉ hưu gần 8 năm trời. “Tôi còn nhiều dự án, nhiều đề tài lắm. Không đến phòng thí nghiệm một ngày, chắc tôi chịu không nổi” - chị bộc bạch. Gần 40 năm làm công việc nghiên cứu, TS Ngọc Lan đã xem căn phòng thí nghiệm này như là ngôi nhà thứ hai của mình.

Ngày đầu đến với phòng thí nghiệm, TS Ngọc Lan gặp vô vàn khó khăn khi cơ sở vật chất chưa được trang bị để phục vụ cho làm nghiên cứu. Nhiều năm làm nghiên cứu “chay” với sự thiếu thốn nhưng chưa một lần nhụt chí, ngược lại còn đưa nhiều ý tưởng đến với thực tiễn. Sau này, nhà trường mới đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị, công việc của chị và các nhà khoa học tại đây mới đỡ vất vả hơn.

Nhớ lại cách đây 10 năm, khi đang làm đề tài nghiên cứu về nano bạc, TS Ngọc Lan đã “ăn ngủ” luôn tại phòng thí nghiệm suốt 2 tuần. Có những thí nghiệm hóa học không thể bỏ dở giữa chừng, chị ăn bánh ngọt lót dạ để tiếp tục cặm cụi với công việc. “Khoa học có một sức hút kỳ lạ, khi đã làm rồi là khó lòng dứt ra được” - chị tâm sự.

TS Ngọc Lan (bìa trái) giới thiệu các sản phẩm quan trắc môi trường ao tôm
 TS Ngọc Lan (bìa trái) giới thiệu các sản phẩm quan trắc môi trường ao tôm

Khởi nghiệp gắn kết với nông dân

Cơ duyên gắn kết TS Ngọc Lan với người nông dân là từ một chuyến đi về vùng quê Gò Công (Tiền Giang) làm đề tài nghiên cứu về các thiết bị quan trắc đo chỉ số không khí. Phòng thí nghiệm mini nằm giữa các đồng tôm. Một lần, TS Ngọc Lan nhìn thấy người dân đo nồng độ PH trong ao tôm của mình bằng thiết bị ngoại nhập. Ngoài đo nồng độ PH có trong nước, người dân không đo đạc những thông số khác, trong khi các tiêu chuẩn về môi trường của kỹ thuật nuôi tôm cần phải đo các chỉ số khác như nitrit (NO2) và amoniac (NH3)… Ao tôm rất dễ bị nhiễm hàm lượng amoniac và nitrit, đây là chất độc mà tôm thải ra và thức ăn thừa phân hủy.

Tìm hiểu thị trường, TS Lan nhận thấy, các thiết bị đo chỉ số môi trường đều là hàng ngoại nhập và có giá rất cao. Trong khi những chỉ số môi trường như nitrit, amoniac thì có rất ít công ty cung cấp sản phẩm để đo. Với quyết tâm của một nhà khoa học, chị đã nghiên cứu và cho ra đời các thiết bị đo chỉ số môi trường cho ao nuôi tôm với giá thành rẻ hơn (giá sản phẩm chỉ bằng 1/10 so với sản phẩm ngoại nhập). Doanh nghiệp khởi nghiệp mang tên Bình Lan (tên đầy đủ là công ty TNHH Sinh hóa Môi trường Bình Lan) ra đời từ đó. Hiện nay, các thiết bị của công ty Bình Lan đã đến được với hàng ngàn nông dân và các doanh nghiệp chuyên cung cấp vật tư nông nghiệp tại các tỉnh miền Tây Nam bộ…

“Nhà khoa học cần có những chuyến đi thực tế như vậy mới có thể nắm bắt được những vấn đề mà người dân gặp phải. Như vậy, những công trình nghiên cứu mới có sự gắn kết với nhu cầu cộng đồng, mang lại giá trị cho xã hội” - TS Ngọc Lan chia sẻ.

TS Trần Thị Ngọc Lan tại phòng nghiên cứu về môi trường tại Thụy Điển
TS Trần Thị Ngọc Lan tại phòng nghiên cứu về môi trường tại Thụy Điển

Chuyện chữa bệnh cho tiêu ở Tây Nguyên

Trong một chuyến đi khác, đến mảnh đất Tây Nguyên, TS Ngọc Lan chứng kiến những nông dân ở Đắk Lắk đang lao đao với dịch nấm ký sinh trên cây tiêu. Loại nấm này sẽ khiến cho lá tiêu bị vàng và rụng, cây tiêu sẽ chết từ từ. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, một số công ty đã đến tận các vườn tiêu để tư vấn một loại thuốc hóa học có thể diệt trừ nấm. Tuy nhiên, thuốc không hề có tác dụng như lời quảng cáo và người dân sau đó mới biết mình bị lừa. Không thể khoanh tay, TS Ngọc Lan đã xây dựng quy trình diệt trừ nấm dựa trên tài liệu nghiên cứu từ Brasil và Ấn Độ (vốn là những nước xuất khẩu tiêu). Sau đó, chị cho ra đời sản phẩm diệt nấm đạt tiêu chuẩn Organic.

Để tăng thêm nhận thức của người dân về việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, chị đã chia sẻ các thông tin trên internet để giúp người dân phòng tránh việc bị lừa đảo. “Mong rằng, người dân sẽ tiếp cận được những kiến thức tôi chia sẻ trên mạng. Cơ quan khuyến nông địa phương cũng cần phải có những đợt tập huấn để nâng cao nhận thức cho bà con nông dân” - chị nói.

Còn nhiều dự án mà người phụ nữ nhỏ nhắn này vẫn đang thực hiện như nghiên cứu về nano bạc, xây dựng mô hình nghiên cứu khoa học cho sinh viên, dịch sách khoa học. “Tôi chuẩn bị hoàn thiện nốt căn nhà của mình. Hai tầng trên tôi sẽ dành cho việc nghiên cứu. Tôi cũng đang kéo cô con gái đang ở Singapore về làm việc cùng. Tôi già rồi, cũng mong những dự án của mình trong tương lai sẽ có người kế cận” - TS Ngọc Lan trải lòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.