Thúc đẩy sinh viên nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Thúc đẩy nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Mặt khác, NCKH đặc biệt cần thiết giúp các em tiếp cận và làm quen với môi trường khoa học, phương pháp NCKH cũng như rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo... Tuy nhiên trong thời kỳ hội nhập, năng lực NCKH của nhiều sinh viên còn hạn chế cần khắc phục để trở thành những người có ích cho tương lai sau khi rời giảng đường ĐH.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những rào cản cần tháo gỡ

Thực tế cho thấy, NCKH của sinh viên trong những năm gần đây được các nhà trường coi như một nhiệm vụ quan trọng cùng với quá trình đổi mới nội dung và phương pháp dạy học. Hoạt động NCKH đã được nhiều trường triển khai, phát triển theo nhiều hình thức khác nhau để dẫn tới hiệu quả cao nhất.

Sự thúc đẩy phong phú, hiệu quả cũng đã tác động mạnh tới không ít sinh viên, khơi dậy trong các em những đam mê tìm tòi sáng tạo, mong muốn chinh phục kiến thức, khám phá trên nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Đáng nói, cùng với số lượng sinh viên NCKH ngày càng nhiều thì các công trình NCKH cũng để lại giá trị, dấu ấn, có chất lượng. Nhiều công trình NCKH được đánh giá có giá trị cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực thì vấn đề NCKH của sinh viên vẫn để lại những trăn trở về số lượng sinh viên quan tâm đến NCKH chưa đông đảo trên tổng số SV trong một trường, NCKH vẫn được xem như phong trào hơn là hoạt động tự giác và chủ động, chất lượng các công trình NCKH thiếu tính thực tiễn…

ThS Nguyễn Thị Khánh Phương - Học viện Ngân hàng cũng chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên. Trước hết, nhìn về khía cạnh nhà trường thì cách đánh giá chủ yếu vẫn dựa vào kết quả bài kiểm tra giữa kỳ, bài thi kết thúc môn học. Do đó SV phải dành phần lớn thời gian để có được kết quả học tập tốt nhất.

Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động NCKH trong sinh viên. Các nhà trường cần có phương pháp đào tạo thông qua NCKH giúp sinh viên nắm vững phương pháp luận và vận dụng những phương pháp NCKH cụ thể trong quá trình học tập cũng như trong thực tiễn sau này. 

Mặt khác, nhà trường cũng chưa có sự kết nối hiệu quả với các doanh nghiệp nên các đề tài NCKH của SV tính thực tiễn chưa cao. Cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu còn khó khăn, gây hạn chế đến khả năng, hiệu quả.

Nguồn dữ liệu có giá trị từ nước ngoài chưa được đầu tư thích đáng bởi hạn chế kinh tế. Chính vì vậy, những nội dung mà SV NCKH thường xoay quanh các đề tài trong nội dung bài học, chưa có tính mở và thực tiễn cao.

Một thực tế khác, sinh viên từ năm thứ 3 trở đi mới bắt đầu tham gia hoạt động NCKH mà chương trình đào tạo dành cho sinh viên những năm cuối thường nặng hơn về kiến thức chuyên ngành. Điều đó khiến sinh viên phải chú trọng và dành thời gian nhiều cho việc làm các chuyên đề, khóa luận, đi thực tập. Nếu có làm thì chất lượng các công trình NCKH cũng hạn chế chất lượng.

Về phía sinh viên cũng cho thấy, tính chủ động của bản thân mỗi người trong học tập và NCKH chưa cao, học tập thụ động. Sự hiểu biết, đánh giá vai trò về NCKH của SV chưa đầy đủ.

Nhiều sinh viên vẫn nhận thức việc NCKH khá xa vời, chỉ dành cho một số sinh viên xuất sắc. Nhiều sinh viên còn nắm lơ mơ về NCKH, không biết bắt đầu từ đâu, nghiên cứu nội dung gì. Với những sinh viên có cái nhìn tích cực hơn về NCKH thì lại thiếu sự chủ động tìm kiếm đề tài nghiên cứu, thiếu tâm huyết ý tưởng với đề tài nghiên cứu nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn…

Không để năng lực hạn chế chất lượng

Để thúc đẩy hoạt động NCKH trong sinh viên thì trước tiên vai trò của nhà trường cần được phát huy. ThS Nguyễn Thị Khánh Phương đề xuất, phía nhà trường cần nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng NCKH của sinh viên. Phương pháp đào tạo thông qua NCKH sẽ giúp sinh viên nắm vững phương pháp luận và vận dụng những phương pháp NCKH cụ thể trong quá trình học tập cũng như trong quá trình thực tiễn sau này.

Cần đổi mới phương pháp xác định nhiệm vụ theo hướng các khoa, bộ môn gợi mở chủ đề, định hướng nội dung nghiên cứu. Nội dung nghiên cứu tập trung vào những vấn đề lý luận hoặc thực tiễn thuộc các môn học trong chương trình đào tạo.

Ưu tiên khuyến khích nghiên cứu những vấn đề thuộc khoa học giáo dục, nhất là đề tài nghiên cứu nhằm tìm kiếm những giải pháp nâng cao hiệu quả chất lượng tự học tập, quản lý rèn luyện của sinh viên. Từ đó SV chủ động tìm kiếm những ý tưởng khoa học, tên đề tài mà họ cảm thấy tâm đắc, sinh viên có thể tự liên hệ tìm cán bộ, giảng viên hướng dẫn khoa học trong các lĩnh vực chuyên môn phù hợp theo quy định, khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học do cán bộ, giảng viên nhà trường thực hiện…

Nhà trường cũng cần tăng cường tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo nhằm trao đổi, hướng dẫn phương pháp NCKH cho sinh viên. Ngoài việc giáo viên trình bày hướng dẫn cách thức NCKH đúng đắn nên kết hợp với việc cho sinh viên giao lưu với những người thành công trong học tập và NCKH.

Ngoài ra cũng chú trọng cải thiện trình độ ngoại ngữ của sinh viên; Tạo môi trường nghiên cứu sáng tạo khoa học để SV dễ dàng tham gia nghiên cứu, mở rộng kho dữ liệu. Có biện pháp khuyến khích nhiều hơn với SV tham gia NCKH…

Để phát triển năng lực, nâng cao hiệu quả chất lượng NCKH cho SV thì bản thân SV và giảng viên cũng cần tích cực hơn trên nhiều lĩnh vực. Với SV cần nhận thức rõ tầm quan trọng của NCKH trong học tập và tương lai. SV cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc lên kế hoạch học tập và nghiên cứu, xác định rõ mục tiêu rõ ràng, tìm hiểu và lựa chọn cho mình một phương pháp học tập nghiên cứu hiệu quả. Để có thể NCKH tốt, SV cần học tập cách sắp xếp phân bổ thời gian hợp lý, chọn lọc những tài liệu phù hợp trong khối lượng dày đặc tài liệu tham khảo…

Đối với giảng viên, cần thông báo cho SV về chương trình và nội dung thời lượng môn học, hình thức kiểm tra đánh giá, các phần bài tập bắt buộc, bài tập nhóm, thời hạn trình bày đề cương chi tiết và nộp bản thảo luận nhóm, điểm cụ thể của từng phần tài liệu và sách tham khảo bắt buộc mà SV phải đọc.

Giảng viên cần yêu cầu nhóm, sinh viên NCKH tìm tòi, tổng hợp và đưa ra ý kiến quan điểm của mình, trình bày trước cả lớp, nghe phản biện từ các nhóm khác để trả lời những câu hỏi đặt ra. Biện pháp tích cực này sẽ giúp sinh viên chủ động và tự giác trong học tập, dần dần làm quen với NCKH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

GD&TĐ - Hyun Bin đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc sống hôn nhân và đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về những thay đổi mà anh trải qua kể từ khi kết hôn.