Thúc đẩy, mở rộng hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực GD-ĐT

Thúc đẩy, mở rộng hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực GD-ĐT

((GD&TĐ)-Hôm nay (28/1), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đại diện các trường ĐH, CĐ. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý chủ trì hội nghị.

fd
Hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Ảnh: gdtd.vn

Thúc đẩy và mở rộng hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực GD-ĐT là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý nhận định, trong những năm qua, hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong GD-ĐT ở Việt Nam tăng trưởng không ngừng, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn và kinh tế tập trung như Hà Nội, TP.HCM... Ngoài ra, khối ngoài nước còn hoạt động mạnh trong việc giảng dạy tiếng Anh, dạy nghề và đào tạo kỹ năng... Với Nghị định 73, Thứ trưởng Trần Quang Quý tin tưởng đây sẽ là công cụ hỗ trợ quan trọng cho các nhà quản lý trong việc quản lý các hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài trong giáo dục; đồng thời cũng tạo hành lang pháp lý để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển giáo dục một cách minh bạch, rõ ràng.

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ GD&ĐT, trong lĩnh vực giáo dục, tính đến quý IV/2008 cả nước có 112 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 235 triệu USD. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục tập trung chủ yếu tại 7 tỉnh, thành phố, trong đó riêng TP. HCM chiếm 56,25%, Hà Nội chiếm 30,3% tổng số dự án. Tính đến quý IV/2012 có 111 dự án có vốn nước ngoài tại 6 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ, Hải Phòng và Đà Nẵng. Cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài chiếm số lượng lớn nhất là các cơ sở đào tạo ngắn hạn (chiếm 40%), cơ sở giáo dục phổ thông (32,4%), cơ sở giáo dục mầm non (28 dự án, chiếm 25,2%), cơ sở giáo dục đại học (5,4%). Số lượng các cơ sở giáo dục đa cấp (18 cơ sở) chiếm đến 50% tổng số cơ sở giáo dục phổ thông.

Báo cáo từ Bộ Lao động – Thương binh & xã hội, năm 2011, cả nước có 19 cơ sở dạy nghề 100% vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 2 trường CĐ nghề, 17 trung tâm dạy nghề và doanh nghiệp có đăng ký hoạt động dạy nghề; 1 trường CĐ nghề có cổ phần đầu tư của nước ngoài nhưng chưa thực hiện tuyển sinh; 6 cơ sở dạy nghề đã hợp tác với nước ngoài để tổ chức dạy nghề theo chương trình của nước ngoài và do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT ưu tiên xây dựng một số mô hình trường học mới, tiên tiến, có chất lượng cao; chuyển dịch dần từ quan tâm về số lượng sang ưu tiên về chất lượng. Ưu tiên đầu tư một số lĩnh vực đào tạo có hàm lượng chất xám cao, kết hợp chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt ở các vùng, miền, khu vực khó khăn.

Để thực hiện các mục tiêu hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực GD-ĐT, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài trong GD-ĐT. Quán triệt, triển khai Nghị định 73/2012/NĐ-CP để tạo sự thống nhất trong cách hiểu và thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư và các cơ sở giáo dục có vốn ĐTNN.

Trước mắt tập trung yêu cầu các cơ sở giáo dục có vốn ĐTNN thực hiện điều khoản chuyển tiếp. Cụ thể, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương rà soát, tổng hợp tình hình các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài trên địa bàn; phân loại các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo mức độ đáp ứng các điều kiện, tiêu chí quy định tại Nghị định 73; yêu cầu, hướng dẫn các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài thực hiện điều khoản chuyển tiếp, kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT các vướng mắc để nghiên cứu, giải quyết.

Bộ GD&ĐT thực hiện phân cấp triệt để theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP và Nghị định số 73 theo hướng: Bộ GD&ĐT xem xét, hướng dẫn các vấn đề có tính nguyên tắc về thu hút, quản lý vốn ĐTNN cho giáo dục; mức độ mở cửa hội nhập quốc tế  đối với từng loại hình cơ sở, lĩnh vực và bậc học; cơ chế phối hợp làm việc giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết hồ sơ của nhà đầu tư và các cơ sở giáo dục có vốn ĐTNN; xem xét, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định số 73 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là những cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các cơ sở giáo dục có vốn ĐTNN trên địa bàn.

Cùng với việc tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin báo cáo giữa cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, định kỳ giao ban nhằm trao đổi thông tin, phản ánh và xử lý các vướng mắc cho nhà đầu tư, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm (nếu có), Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp với các Bộ liên quan khẩn trương xây dựng các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 73.

Về phía Bộ Lao động – Thương binh & xã hội cũng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút hợp tác, đầu tư của nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế, lựa chọn các đối tác chiến lược trong lĩnh vực dạy nghề; tích cực vận động các nhà tài trợ, các dự án ODA để hỗ trợ thực hiện thành công Chiến lược dạy nghề; tăng cường hợp tác NCKH về dạy nghề; tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về dạy nghề và khuyến khích cơ sở trong nước mở rộng hợp tác, đầu tư về dạy nghề với cơ sở có uy tín của nước ngoài.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ