Tham dự chương trình có ông Lê Hùng Việt, đại diện Đại sứ quán Canada - Quỹ Canada dành cho Sáng kiến địa phương; Chủ tịch Hội người khuyết tật các tỉnh, thành phố cùng các học viên dự án.
Tại điểm cầu Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông(ĐH Thái Nguyên) có PGS.TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên; PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông và các giảng viên tham gia khóa tập huấn.
Được tài trợ bởi Đại sứ quán Canada – Quỹ Canada dành cho các Sáng kiến địa phương (CFLI), dự án “Ứng dụng Công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng Sông Hồng, Việt Nam” thực hiện bởi Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông với mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng công nghệ số, tăng cơ hội phát triển kinh doanh online và tiếp cận nguồn khách hàng cho 50 phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phùng Trung Nghĩa – Hiệu trường Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Việc gắn kết giữa trường đại học và cộng đồng đã trở thành xu hướng giáo dục hiện nay.
Nhận thức được mối quan hệ hữu cơ này, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực đại học và sau đại học phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cũng chú trọng đến công tác gắn kết và phục vụ cộng đồng. Trong đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đến các đối tượng như người già, trẻ em mồ côi, người khuyết tật…
Năm 2019, nhận thấy đối tượng phụ nữ khuyết tật tại khu vực đồng bằng sông Hồng đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh online, nhà trường đã đề xuất phối hợp với Đại sứ quán Canada thông qua Quỹ Canada dành cho các Sáng kiến địa phương để thực hiện dự án với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh online trong thời gian 6 ngày, tư vấn hỗ trợ kinh doanh cho từng học viên, phát động cuộc thi ảnh phụ nữ khuyết tật tự tin làm chủ để tôn vinh vẻ đẹp và những đóng góp của họ trong xây dựng và phát triển kinh tế, tổ chức tọa đàm chia sẻ…
Thông qua những hoạt động, nhà trường mong Đại sứ quán Canada sẽ tiếp tục có hợp tác toàn diện và hỗ trợ các dự án tiếp theo. Đồng thời, mong rằng với sự thành công, dự án sẽ trở thành hình mẫu để nhân rộng ra các địa phương và trên cả nước.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả hoạt động dự án "Ứng dụng Công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam" gồm kết quả tập huấn kỹ năng kinh doanh online, kết quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ; Kết nối và hỗ trợ phụ nữ khuyết tật kinh doanh trên các trang thương mại điện tử Việt Nam; Công tác truyền thông; Cuộc thi ảnh online và tham luận của các diễn giả về nội dung kinh doanh online trên nền tảng số.
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: Dự án “Ứng dụng công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng Sông Hồng, Việt Nam” có nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với xu hướng ứng dụng CNTT sâu rộng trong mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. Đây cũng là sự gắn kết giữa trường đại học và cộng đồng xã hội hiện nay.
PGS.TS Trần Thanh Vân đánh giá cao việc nhà trường kết nối và thực hiện các dự án, bởi đây là trách nhiệm của trường đại học với xã hội và cộng đồng. Dự án sẽ góp phần giúp cán bộ, giảng viên chuyển giao kiến thức chuyên môn đến cộng đồng, mở rộng hiểu biết, học hỏi từ thực tiễn sinh động. Qua đó, góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu của nhà trường. PGS cũng cho rằng trong thời gian tới mô hình của dự án cần được tổng kết, nhân rộng điển hình cho các địa phương và đối tượng khác cùng áp dụng.
Đại học Thái Nguyên luôn ủng hộ và mong muốn Quỹ sáng kiến địa phương – Đại sứ quán Canada sẽ có nhiều hơn nữa các chương trình hợp tác với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cũng như các đơn vị thành viên khác của Đại học Thái Nguyên trên nhiều lĩnh vực.