Thúc đẩy huấn luyện, đào tạo an toàn vệ sinh lao động

GD&TĐ - Huấn luyện và đào tạo là cách thức hiệu quả giúp người lao động biết tới và học được những kỹ năng, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), vì một môi trường làm việc an toàn hơn. 

Thúc đẩy huấn luyện, đào tạo an toàn vệ sinh lao động

Việc đầu tư vào công tác này không chỉ giúp thúc đẩy văn hóa an toàn và giảm thiểu các rủi ro tai nạn, mà còn góp phần gia tăng năng suất lao động.

Năm 2016: Hơn 7.900 vụ tai nạn lao động

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra hơn 7.900 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm trên 8.200 người bị nạn, trong đó, số người chết là 862 người.

So với năm 2015, số vụ tai nạn lao động tăng gần 5% và số người chết do TNLĐ tăng gần 7% và 3.267 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp.

Số cơ sở thực hiện quan trắc môi trường lao động còn rất thấp, năm 2016, chỉ có trên 6.000 cơ sở. Trong đó có trên 60.000 mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép, chiếm gần 10%; số người lao động đạt sức khỏe loại III, loại IV, loại V chiếm gần 40%, tăng hơn so với năm 2015 là 1,5%.

Tình hình cháy, nổ vẫn có xu hướng gia tăng tại một số loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong khu công nghiệp, khu chế xuất và trong các cơ sở sản xuất tại các làng nghề, khu dân cư.

Năm 2016, cả nước xảy ra 3.006 vụ cháy, làm 98 người chết, 180 người bị thương và thiệt hại 1.250 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của các vụ TNLĐ do yếu tố chủ quan của con người chiếm tới 60%.

Trong đó, người sử dụng lao động đã không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn; không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện chưa đầy đủ; không bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Phía người lao động còn vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn an toàn lao động và không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

An toàn và sức khỏe nghề nghiệp là một vấn đề vô cùng quan trọng. Đối với người lao động và gia đình của họ, những tổn thất mà TNLĐ và bệnh nghề nghiệp gây ra nằm ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai.

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng tác động không nhỏ đến người sử dụng lao động bởi gánh nặng chi phí đền bù, thay đổi nhân sự, giảm năng suất và tổn hại về uy tín.

Phòng ngừa là nguyên tắc cơ bản

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, để có thể phòng tránh được hầu hết những mất mát này, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và các công nhân đều tuân thủ hướng dẫn an toàn.

Cả người lao động và người sử dụng lao động đều cần nhận thức rõ hơn về những rủi ro cũng như làm thế nào để giảm thiểu rủi ro qua công tác đào tạo, huấn luyện.

Đối mặt và kiểm soát các nguy cơ, rủi ro trong lao động; cải thiện điều kiện làm việc, không để xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng; hạn chế thấp nhất các TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động tập trung thực hiện các nội dung quan trọng, trong đó:

Huy động các nguồn lực để đa dạng các hình thức huấn luyện, xây dựng các cơ sở đào tạo, huấn luyện chất lượng trên cơ sở phát triển các tài liệu huấn luyện sát thực, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động thông tin, huấn luyện ATVSLĐ;

Đầu tư xây dựng các giải pháp, mô hình điển hình đảm bảo an toàn, phòng chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động để nhân rộng ra trong cả nước...

Người lao động cần chủ động chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các nội qui, qui trình, biện pháp ATVSLĐ; chủ động trang bị, trau dồi các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn.

Theo ước tính mới nhất của ILO, hàng năm trên thế giới có khoảng 2,3 triệu người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Số vụ tai nạn lao động chết người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 70% tổng số trên toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khát nhân sự chủ trì ngành mới

GD&TĐ - Năm 2025, nhiều trường đại học xúc tiến mở ngành mới, trong đó có nhiều ngành nằm trong nhóm liên ngành, xuyên ngành, mang đậm dấu ấn công nghệ.

Israel đe dọa dội bom Iraq sau khi tên lửa đạn đạo của Iran di chuyển đến đó.

Lý do đến lượt Iraq bị đe dọa dội bom

GD&TĐ -Israel đang cân nhắc tiến hành các cuộc dội bom chính xác vào một loạt các mục tiêu ở Iraq để ngăn chặn mối đe dọa của các cuộc tấn công tiếp theo.