Thúc đẩy đào tạo nhóm ngành Hàn Quốc học tại các trường đại học Việt Nam

GD&TĐ - Hội thảo khoa học KoSASA lần thứ 9 vừa diễn ra tại Hà Nội đã quy tụ hơn 40 nhà quản lý cao cấp, các học giả, giảng viên khối ngành Hàn Quốc học, từ các trường đào tạo - nghiên cứu Hàn Quốc học một số địa phương.

Ngài Park Noh Wan, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Ngài Park Noh Wan, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Hơn 40 nhà quản lý cao cấp, các học giả, giảng viên các khối ngành Hàn Quốc học, đất nước học, ngôn ngữ học, chính trị học và kinh tế học đến từ các trường đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc học ở Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh đã cùng tham gia Hội thảo  chủ đề “Toàn cầu hóa và địa phương hoá” do Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phối hợp với Hiệp hội nghiên cứu Hàn Quốc khu vực Đông Nam Á (KoSASA), Viện Nghiên cứu Hàn Quốc (AKS) tổ chức.

Đây là cơ hội để các nhà nghiên cứu trao đổi về những kết quả và xu thế mới nhất trong nghiên cứu Hàn Quốc học. Các tham luận tập trung vào các nội dung chính ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với giáo dục đại học nói chung, đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc học nói riêng, cơ hội và thách thức của Hàn Quốc học, kinh nghiệm phát huy ngoại giao công chúng của Hàn Quốc, nhu cầu phát triển ngành Hàn Quốc học ở các địa phương, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu Hàn Quốc, cũng như kinh nghiệm giảng dạy tiếng Hàn ở các cơ sở đào tạo khác nhau. Đồng thời tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, đào tạo Hàn Quốc học gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối, truyền cảm hứng cho sinh viên cũng như đề xuất các ý kiến nhằm thúc đẩy Hàn Quốc học ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo. 

Phát biểu chào mừng hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) nhấn mạnh: “Hàn Quốc học đã và đang được quan tâm chú ý mạnh mẽ. Song hành với sự phát triển của quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc, ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Hy vọng trong thời gian tới, Hàn Quốc học Việt Nam sẽ vươn tới những tầm cao mới, sánh vai với các trường đại học khu vực và thế giới.

Là một trong những cơ sở giáo dục khai mở và đi đầu trong nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN vinh dự là một trong số 5 trường đại học thành viên sáng lập KoSaSa. Đây là lần thứ hai Nhà trường nhận vinh dự đăng cai tổ chức Hội thảo của KoSASA. Nhà trường hy vọng hội thảo sẽ góp phần mở rộng hơn nữa khả năng hợp tác, chia sẻ, kết nối vì sự phát triển của ngành Hàn Quốc học tại Đông Nam Á ở giai đoạn tiếp theo. “

TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội thảo.
TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Ngài Park Noh Wan, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều thành tựu. Hiện nay có trên 9000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở Việt Nam, đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam.

Ông kỳ vọng quan hệ Việt-Hàn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, hướng tới thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2022. Để làm được điều đó, ông đề xuất thành lập mạng lưới các nhà nghiên cứu, đào tạo Hàn Quốc học Việt Nam, những người sẽ góp phần quyết định vào tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Đại sứ Park Noh Wan cũng mong muốn thúc đẩy nỗ lực cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa tiếng Hàn trở thành một ngoại ngữ được giảng dạy chính thức tại các trường phổ thông, xây dựng cơ chế cấp chứng chỉ giảng dạy tiếng Hàn cho các sinh viên Hàn Quốc học, tiếp tục phát triển hệ thống giáo dục trực tuyến giữa hai nước, khai trương chi nhánh của Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam.

TS Phạm Quang Minh - Chủ tịch KoSASA trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo.

TS Phạm Quang Minh - Chủ tịch KoSASA trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo.

Theo báo cáo đề dẫn “Đại dịch Covid-19 và tương lai của Hàn Quốc học” của GS.TS Phạm Quang Minh (Chủ tịch KoSASA), đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra thách thức to lớn, mà còn là cơ hội thúc đẩy giáo dục đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học trực tuyến, dừng đến trường nhưng không dừng học tập. Báo cáo cho rằng Hàn Quốc học chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai vì hai nước có quan hệ chính trị tin cậy, quan hệ kinh tế mang lại nhiều lợi ích và quan hệ văn hóa tương đồng.

KoSASA là một diễn đàn học thuật được thành lập vào năm 2004 tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM với sự hỗ trợ hiệu quả của Sáng kiến Nghiên cứu Hàn Quốc học (KRI) thuộc Đại học New South Wales (Úc) và Quỹ Hàn Quốc. KoSASA có nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu, giảng dạy Hàn Quốc học và áp dụng tri thức Hàn Quốc học tại các quốc gia Đông Nam Á. KoSASA tổ chức hội nghị 2 năm một lần để tổng kết, đánh giá hoạt động của các trường thành viên đối tác, đồng thời triển khai hoặc đề xuất triển khai các hạng mục hợp tác mới.

Tại Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGTPHCM và Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN là hai đối tác tích cực của KoSASA, là đầu tàu kết nối, thúc đẩy đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.