Trường vắng bóng học sinh
Chỉ tay vào ngôi trường sơn phủ 7 sắc cầu vồng nằm dưới chân một ngọn núi nhỏ, cô bé 9 tuổi Shin Chae Ni hào hứng kể, ở trường cháu được chơi đùa, không có bài tập về nhà hoặc học thêm sau giờ học. “Cháu chuyển từ Seoul tới đây hồi tháng 6 năm ngoái và cháu thích học ở đây hơn ở thành phố. Những tiết học rất hấp dẫn, cháu cũng được học võ taekwondo, đàn piano, đàn ukulele (gần giống đàn guitar), tất cả đều miễn phí” – Chae Ni vui vẻ kể. Chae Ni đang học tại điểm trường Jangrak thuộc Trường Tiểu học Meewon tại làng Seorak, nằm ở hạt Gapyeong, tỉnh Gyeonggi, cách Seoul 55 km về phía đông bắc.
Tại điểm trường Pungdo thuộc Trường Tiểu học Daenam, cũng là điểm trường duy nhất trên đảo Pung ngoài khơi bờ biển phía Tây, chỉ có 3 học sinh. Đóng cửa trường này cũng đồng nghĩa tước đi giáo dục của trẻ em bởi phương tiện đi lại từ thành phố cảng Incheon đến đảo Pung mất 2 tiếng đi phà và chỉ có 2 chuyến phà/ngày.
Từng có 200 học sinh vào những năm 1990, sĩ số học sinh của trường đã giảm khi những người trẻ tuổi bắt đầu di cư tới Seoul và những thành phố khác. Trường vẫn cố gắng duy trì với chỉ 7 học sinh năm 2013 nhưng nay chỉ còn lại 3.
Tìm hướng tồn tại
Những trường mini - có ít hơn 20 học sinh – đã tăng nhanh và nhiều trường bị đóng cửa để chuyển đổi thành cơ sở dưỡng lão. Những trường có ít hơn 60 học sinh tại tỉnh lẻ bị sát nhập và tại những thành phố lớn hơn thì sát nhập những trường có ít hơn 200 học sinh. Có khoảng 1.700 trường trong diện bị sát nhập.
Mặc dù chưa bị sát nhập hay đóng cửa nhưng nhiều trường học mini đang nỗ lực tìm phương thức GD mới để có thể duy trì số học sinh ít ỏi còn lại và thậm chí thu hút thêm học sinh mới.
Trường Tiểu học Gaeguin mở các lớp học đặc biệt trong kì nghỉ để giúp trông trẻ hộ phụ huynh. Một trường khác tại tỉnh Nam Jeolla cho phép học sinh ở lại trường sau giờ học và tổ chức học vi tính và âm nhạc. Điểm trường Jangrak của Trường Tiểu học Meewon mở hàng loạt chương trình học trải nghiệm và phối hợp với những trường khác ở những dự án đặc biệt về robot và thiên văn học. Trường này cũng nhắm đến thu hút những phụ huynh Seoul tìm một môi trường giáo dục ít sức ép cho con cái họ.
8 trong 14 học sinh của trường hiện nay chuyển tới từ Seoul, trong đó có Chae Ni. Bố của Chae Ni đang điều hành một tiệm ăn tại thủ đô trong khi mẹ bé chuyển tới làng Seorak cùng con gái. “Hầu hết phụ huynh cho con về học trường làng là vì hạnh phúc của con trẻ. Có những trẻ tự ti nhút nhát đã trở nên tự tin và yêu thích học tập khi chuyển về đây” – Hiệu trưởng cho biết. Trong các chương trình trải nghiệm, học sinh được ra đồng, leo núi, đến công viên giải trí; được tham gia vào các hoạt động như leo núi, cắm trại, thu hoạch cà chua – tất cả chi phí đều từ ngân sách của trường.
Hiệu trưởng kì vọng nhờ những cải tiến về chương trình, sẽ sớm tăng số học sinh lên 25. “Trường của chúng tôi nhỏ nhưng chúng tôi tự hào vì mang lại niềm vui cho học sinh và cả phụ huynh” – Hiệu trưởng chia sẻ.