Đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới

GD&TĐ - Bên cạnh Luật Bình đẳng giới, thời gian qua, Việt Nam liên tục bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam sẽ để lại những hệ lụy khó lường nếu không được kiểm soát. Ảnh minh họa
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam sẽ để lại những hệ lụy khó lường nếu không được kiểm soát. Ảnh minh họa

Bước tiến tại Việt Nam

Nhiều thập kỷ qua, công cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Phụ nữ có nhiều cơ hội để khẳng định bản thân, được tham gia vào nhiều vị trí lãnh đạo, có những đóng góp to lớn trong chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn nặng nề. Tình trạng đó khiến nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới còn hạn chế.

Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung.

Thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này.

Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.

Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định gồm: Quy định tỷ lệ nam nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng; đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam; hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam; quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam; quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam.

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, bên cạnh Luật Bình đẳng giới, thời gian qua Việt Nam liên tục bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý làm cơ sở giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới.

Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, 7 bộ luật, 161 luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh. Trong đó, có khoảng 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

Ngoài ra, Chính phủ ban hành 1.413 nghị định, xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28.

Chính phủ cũng ban hành Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025…

Đặc biệt, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2023 đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Nguy cơ từ mất cân bằng giới tính

Tháng 9, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cùng Cơ quan Liên Hợp Quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội vừa công bố báo cáo về “Tiến triển về các Mục tiêu Phát triển Bền vững: Thực trạng về Giới năm 2023”.

Báo cáo cho thấy, nếu việc thúc đẩy bình đẳng giới vẫn tiếp tục không đạt được tiến bộ, thì hơn 340 triệu phụ nữ và trẻ em gái, tương đương khoảng 8% dân số nữ trên thế giới, sẽ sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030. Ngoài ra, gần 25% sẽ đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức vừa phải hoặc nghiêm trọng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006.

Năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh ở mức rất cao là 112,8 bé trai/100 bé gái. Trong giai đoạn 2016 - 2022, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (112 bé trai/100 bé gái, năm 2022).

Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường, trong đó bao gồm bất bình đẳng giới.

Dựa trên các phân tích chuyên sâu, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã đưa ra kịch bản về sự dư thừa nam giới so với nữ giới độ tuổi từ 20 - 39 tuổi trong giai đoạn 2019 - 2059.

Theo đó, nếu Việt Nam không thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái, sự dư thừa nam giới sẽ tăng từ 563,5 nghìn người nam năm 2019 lên 1,4 triệu người nam năm 2059. Con số này tương ứng sẽ dư từ 3,5% lên 9,7% tổng số nam giới của Việt Nam.

Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình đề nghị các cấp, ngành chú trọng tuyên truyền về nội dung phát huy vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp, tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người. Tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi…

Sở Y tế các địa phương cần tập trung tổ chức sự kiện, chiến dịch truyền thông trọng điểm trên kênh truyền thông đại chúng các cấp và kênh truyền thông trực tiếp tại cơ sở về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới. Triển khai các loại hình cung cấp thông tin, mô hình tư vấn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới… ưu tiên vùng sâu, vùng cao, biển, đảo và ven biển.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội của địa phương. Lồng ghép với các hoạt động truyền thông khác. Đồng thời, tổ chức khảo sát, kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, luật pháp, chính sách, tài liệu hiện hành của Đảng và Nhà nước về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới ở các cấp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ