Thừa Thiên - Huế: Tàu thuyền khó ra khơi vì cửa biển… "trơ đáy"!

GD&TĐ - Cửa biển Lạch Giang thuộc xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhiều năm qua luôn trong tình trạng bị bồi lấp nặng, khiến tàu thuyền ra vào khó khăn.

Hàng trăm chiếc thuyền “đắp chiếu” nằm bờ không thể ra biển đánh bắt hải sản vì cửa biển bị bồi lấp.
Hàng trăm chiếc thuyền “đắp chiếu” nằm bờ không thể ra biển đánh bắt hải sản vì cửa biển bị bồi lấp.

Cửa biển liên tục bồi lấp

Cửa biển Lạch Giang đầu tháng 6 nắng đổ lửa. Nhiều tàu thuyền chuẩn bị mọi thứ từ dầu, lương thực, nước uống… nhưng không thể ra khơi vì cửa biển bị bồi lấp. Nhiều ngư dân thất vọng vì không thể vươn khơi. Cửa biển hiện bị bồi lấp rất nghiêm trọng, người dân có thể lội qua dễ dàng với mực nước ngang mắt cá chân.

Ngư dân xã Lộc Vĩnh nhiều tháng qua chờ đợi thủy triều lên và mưa xuống để đưa tàu thuyền vượt qua cửa biển. Nhưng nắng nóng cao điểm từ tháng 5 đến nay khiến tàu thuyền vẫn phải “đắp chiếu”. Một số ít tàu thuyền ra khơi được, nhưng khi vào bờ gặp khó phải xin neo đậu tạm ở cảng nước sâu Chân Mây gần đó.

Ông Phan Văn Nam, thôn trưởng thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh) cho hay: “Tình trạng bồi lấp cửa biển Lạch Giang đã kéo dài lâu 4 - 5 năm qua. Mực nước cạn nhất ở đây khoảng 30cm làm cho toàn bộ tàu thuyền không thể ra biển đánh cá mực.

Thiên nhiên khắc nghiệt, bồi lấp cửa biển khiến chúng tôi rất khó làm ăn. Dù đã có một dự án từng nạo hút cửa biển này nhưng sau một thời gian ngắn, biển lại lấp cửa”.

Trao đổi với PV, trưởng thôn Phú Hải - ông Huỳnh Phước Dũng cho biết: “Cửa biển Lạch Giang trước đây rộng và sâu, nhưng từ khi xây dựng tuyến đường ra bến số 3 cảng Chân Mây cửa biển đã bị bồi lấp, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên.

Do cửa lạch luôn bị bồi lấp, dòng chảy bị thu hẹp khiến hơn 300 tàu thuyền ở thôn Bình An 1, Bình An 2, Phú Hải (xã Lộc Vĩnh) ra vào gặp khó khăn, nhiều tàu thuyền đã bị mắc cạn rất nguy hiểm”.

Minh chứng mới nhất tại cửa biển này là cuối năm 2021, hai chiếc thuyền của ông Võ Lào (thôn Phú Hải) đang trên đường vào bờ đã bất ngờ bị mắc cạn. Vài phút sau, sóng lớn đánh chìm 2 thuyền. Dù may mắn không thuyền viên nào bị thương nhưng ngư dân Võ Lào bị thiệt hại lớn khi thuyền bị hư hỏng nặng. 

Tìm phương án cho ngư dân ra biển

Được biết vào năm 2016, dự án nạo vét, gia cố khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển Lạch Giang đã tiến hành thực hiện. Sau khi dự án hoàn thành, tàu thuyền của ngư dân ra vào thuận lợi, nhưng sau thời gian ngắn cửa biển tiếp tục bồi lấp khiến tàu thuyền không thể ra vào.

Chính quyền địa phương đã kiểm tra tại cửa biển và nhận thấy cửa Lạch Giang ngày càng bị bồi lấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Xuân Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh thông tin, phía trước cửa biển hiện đã bị cát lấp cạn, khi thủy triều xuống, ghe thuyền của ngư dân không di chuyển ra vào.

Do mực nước thấp và dòng chảy yếu, nên nơi đây ngày càng nguy hiểm, mất an toàn cho tàu thuyền, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại buổi làm việc với PV Báo Giáo dục và Thời đại, ông Phan Minh Tâm – Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng - Ban Quản lý Khu kinh tế và Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế thừa nhận dù đã có một dự án nạo vét cửa biển này từ 2016 - 2018 nhưng sau đó lại rơi vào tình trạng bồi lấp.

Hiện theo Quy hoạch chung Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã được Thủ tướng phê duyệt và Quy hoạch chi tiết xây dựng cảng Chân Mây đã được UBND tỉnh phê duyệt, khu vực cửa biển Lạch Giang nằm trong khu vực xây dựng bến cảng số 6 và 7 của cảng Chân Mây.

“Chúng tôi sẽ đề xuất phương án xử lý nạo vét luồng lạch hàng năm để bảo đảm cho tàu thuyền của ngư dân ra vào được an toàn. Về lâu dài khi cửa biển này đưa vào khu vực bến cảng Chân Mây thì sẽ tìm phương án để trổ một cửa biển mới gần đó cho ngư dân ra vào đánh bắt thủy hải sản”, ông Tâm trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.