Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, đốc thúc chỉnh trang, cải tạo Hồ Tịnh Tâm

Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, đốc thúc chỉnh trang, cải tạo Hồ Tịnh Tâm

Tại đây, ông Thọ yêu cầu UBND TP. Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tập trung ưu tiên dọn dẹp vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp; lên kế hoạch chỉnh trang, bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng tiêu biểu của khu vực Kinh thành Huế.

Thời gian vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai trồng tre dọc hai bên đường Lê Văn Hưu (đê Kim Oanh), đồng thời làm kè tre để giữ đất, chống sạt lở. Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đây là giải pháp tạm thời để giữ đất 2 bên vỉa hè cũng như tạo cảnh quan khu vực hồ, sau này sẽ triển khai nghiên cứu tổng thể để có giải pháp tu bổ và tôn tạo hợp lý, mang tính lâu dài và bền vững.

“Việc chỉnh trang Hồ Tịnh Tâm là việc làm rất thiết thực, một danh thắng từ xa xưa nay được bảo tồn và phát huy giá trị. Hy vọng sắp tới nơi đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của người dân cũng như khách du lịch trong và ngoài nước”, một người dân chia sẻ.

Tại buổi kiểm tra, ông Phan Ngọc Thọ đã đánh giá cao việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai các giải pháp nhằm chỉnh trang khu vực Hồ Tịnh Tâm, khắc phục nguy cơ ô nhiễm môi trường, lấn chiếm Hồ. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đề nghị UBND TP. Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân không xả rác thải xuống hồ, bảo vệ môi trường khu dân cư, kết hợp ra quân Ngày Chủ nhật xanh để làm vệ sinh môi trường xung quanh hồ.

Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, đốc thúc chỉnh trang, cải tạo Hồ Tịnh Tâm ảnh 1
Hàng tre được trồng để giữ đất, chống sạt lở và tạo cảnh quan.

“Việc phục hồi và tu bổ phải tôn trọng tối đa tính nguyên gốc của các yếu tố cấu thành di tích, hạn chế sử dụng các biện pháp can thiệp vào yếu tố gốc làm thay đổi các giá trị của di tích. Việc làm trước mắt và cần làm ngay là phải tập trung xử lý nước thải và cải tạo môi trường; khi người dân có ý thức bảo vệ di sản thì việc phục hồi và tôn tạo mới có ý nghĩa”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Được biết, Hồ Tịnh Tâm thuộc phường Thuận Thành (TP. Huế) là di tích cảnh quan nổi tiếng được xây dựng từ thời triều đình nhà Nguyễn. Đầu thời Gia Long, triều đình cho cải tạo một số đoạn sông và khơi dòng theo hướng khác để tạo thành Ngự Hà và hồ Ký Tế. Hai bãi nổi trong hồ này được dùng làm nơi xây dựng kho chứa thuốc súng và diêm tiêu. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ. Năm 1838, vua Minh Mạng cho di dời hai kho sang phía đông, tái thiết nơi này thành chốn tiêu dao, giải trí và gọi là hồ Tịnh Tâm. Nơi đây cũng được xem là một thành tựu nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan tiêu biểu của Việt Nam ở thế kỉ 19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ