Thư viện trường học còn vắng bóng HS

Thư viện trường học còn vắng bóng HS

(GD&TĐ) - Khi được hỏi về thư viện trường mình, nhiều bạn học sinh cấp THCS, THPT ngạc nhiên: “Trong trường cũng có thư viện à?”. Thực tế đó cho thấy, thư viện trường học, nhân tố góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, thay lối đọc – chép truyền thống và góp phần hình thành “văn hóa đọc” đang dần mai một trong giới trẻ, dường như đang bị học sinh lãng quên.

Hệ thống thư viện trường học chậm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất nghèo nàn, không có phòng đọc, các đầu sách chưa phong phú, không được cập nhật đã dẫn tới tình trạng nghèo nàn nội dung và chậm thông tin, phương pháp quản lý chưa khoa học,… đó là thực trạng đang diễn ra ở nhiều thư viện hiện nay. Thậm chí, nhiều trường nếu có thư viện cũng chỉ là hình thức, không phát huy được hiệu quả, rất ít khi thấy học sinh lên tra cứu tài liệu.

Thư viện vắng bóng cả sách và HS (ảnh mang tính minh họa/internet)
Thư viện vắng bóng cả sách và HS (ảnh mang tính minh họa/internet)

Mơ hồ về thư viện trường

Thư viện trường THCS Phục Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) có khoảng 2.500 đầu sách, nhưng vì không đủ thời gian, không đủ sách nên mở ra chủ yếu để phục vụ việc nghiên cứu và giảng dạy của giáo viên. Năm 2009, trường thử nghiệm mở cửa thư viện cho học sinh vào mượn sách, nhưng cũng chỉ được nửa năm, hoạt động đó lại phải tạm ngừng vì học sinh lên thư viện đọc sách thì ít, mà tụ tập tán gẫu thì nhiều và cũng chỉ do tò mò nên dần dần cũng thưa học sinh.

Bên cạnh đó, sự thiếu kết hợp giữa học sinh và thủ thư cũng dẫn tới hiệu quả mang lại không có. Chị Phạm Hồng Điệp (quản lý thư viện) cho biết: “Hiện nay có rất ít trường làm tốt được công tác thư viện, phần do không có kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới trang thiết bị, phần vì do mục đích trường học là để giảng dạy nhưng lại quên mất vai trò của thư viện”. Chị cho biết thêm, ở huyện Thủy Nguyên, cấp THCS mới chỉ có được thư viện trường Thiên Hương là thu hút được học sinh.

Cô Nguyễn Như Trang (giáo viên bộ môn Hóa, trường THPT Phạm Ngũ Lão, Thủy Nguyên, Hải Phòng) khi được hỏi về thực trạng thư viện trường cô đang theo dạy, tôi cũng nhận được những cái thở dài. Thư viện lập ra là để phục vụ cho cả giáo viên và học sinh nhưng giờ chỉ có giáo viên lên mượn sách vì phòng đọc không có, thẻ mượn sách cũng không nên nhiều khi rất hạn chế và bất cập. Hơn nữa, học sinh cũng có những khái niệm rất mơ hồ về thư viện, các em chỉ coi đó như một kho lưu trữ sách. Một lớp 50 học sinh chắc cũng chỉ được 1, 2 học sinh biết tới hoạt động của thư viện trường. Khi cô Trang thực tập tại trường THPT Gia Lộc (Gia Lộc, Hải Dương), mô hình thư viện ở đó hoạt động tương đối tốt vì có phòng đọc, có thẻ mượn sách và cán bộ thủ thư ở đó rất quan tâm tới học sinh.

Bạn Nguyễn Thị Thu Hà (lớp 10A1, trường THPT Lạng Giang 1, Lạng Giang, Bắc Giang) từ những ngày đi học tới nay hiếm khi bước chân lên thư viện vì thư viện trường rất ít tài liệu và hầu hết đều không được cập nhật. Cần sách gì Hà thường đi mua nếu không mượn bạn bè. Các bạn của Hà thậm chí có người còn chưa bao giờ đặt chân lên thư viện vì đơn giản họ nghĩ lên đó cũng chỉ… để ngắm.

Tôi tình cờ nghe được câu chuyện giữa hai cựu học sinh của trường THPT Mỹ Đức A (Mỹ Đức, Hà Nội) khi lên thư viện đại học để tìm tài liệu. Một người ước thư viện trường mình hoạt động hiệu quả chỉ bằng nửa ở đại học thì học sinh cũng đỡ tốn bao nhiêu tiền mua tài liệu tham khảo, nhưng ý kiến đó lại được bạn bên cạnh phản ứng bằng sự ngạc nhiên “Các trường cấp 2, cấp 3 làm gì có thư viện….???”. Không chỉ có bạn sinh viên đó thờ ơ với hoạt động thư viện mà rất nhiều bạn trẻ khác cũng không biết tới mô hình này vẫn đang tồn tại trong trường.

Vừa yếu vừa thiếu

Chúng tôi đã có buổi gặp gỡ với cô Vũ Thị Phương Anh (hiệu trưởng trường THPT Minh Khai, Cầu Diễn, Hà Nội) để nghe những chia sẻ của cô về thực trạng này. Theo cô Phương Anh, học sinh của mình hiện nay chưa có thói quen đọc sách. Kinh phí đầu tư cho thư viện cũng không nhiều nên từ nhiều năm nay thư viện trường ít có thay đổi cả về trang thiết bị cũng như số lượng sách. Nếu lấy ví dụ, thư viện trường có phòng đọc thì cũng 90% học sinh lên mà không có chỗ ngồi. Nhiều thư viện vẫn được coi là nơi dự trữ nhiều nguồn thông tin chứ không phải là nơi để học sinh lấy thông tin đó. Nhà trường muốn có học sinh lên thư viện nhiều khi phải đưa ra chính sách: tuần sau có bài kiểm tra, giáo viên sẽ ra kiến thức có trong tài liệu mở, tài liệu đó được giáo viên gợi ý nằm trong trang nào, chương nào và chỉ có trên thư viện. Các em sẽ lên để tìm kiếm và tham khảo tại đó. Nguồn học liệu mở cũng chính là những tài liệu chỉ có ở trường đó.

Trường THPT Minh Khai đã có 40 năm hoạt động, số lượng đầu sách tích trữ lại qua các năm cũng lên tới con số hàng nghìn nhưng chất lượng thì chưa được đảm bảo. Một thực tế không thu hút học sinh chính bởi yếu tố con người. Thủ thư mặc dù là những người rất tâm huyết nhưng họ lại thiếu kĩ năng và độ nhạy bén nghề nghiệp nên nhiều khi cung cách phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh, dần dẫn tới thái độ thờ ơ. Hơn nữa, muốn phát huy hiệu quả hoạt động của thư viện trường khối THCS, THPT cũng cần có sự vào cuộc của tất cả các giáo viên để trước hết nâng tầm nhận thức trong học sinh về tác dụng của việc đọc sách. Ngoài ra, số đầu sách của các thư viện chỉ tập trung vào một số chủ đề liên quan đến môn học, các sách tham khảo khác còn ít, việc thực hiện cũng chưa được đồng đều.

Anh Nguyễn Quang Thạch, người đã xây dựng thành công mô hình Tủ sách dòng họ ở nhiều địa phương: Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng,… cũng thừa nhận thực tế này. Theo anh, không phải học sinh mình vì không có thời gian nên không lên thư viện, cái chính là thư viện trường học chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của học sinh và chưa có chính sách thu hút. Với việc mở ra các thư viện dòng họ, anh luôn hi vọng học sinh sẽ tìm được một “sân chơi” bổ ích và phục vụ hiệu quả cho quá trình học và đọc của các em.

Với sự phát triển của internet hiện nay, học sinh có rất nhiều nguồn tìm tài liệu, chỉ cần click chuột là có được kho tàng thông tin chứ không phải dành nhiều thời gian để lên tìm từng cuốn sách trên thư viện. Nhưng cái quan trọng là các em chưa có định hướng về các nguồn thông tin đó. Vì vậy, nhiều trường hiện nay đang hướng tới xây dựng mô hình thư viện điện tử. Đó sẽ là nơi hướng dẫn các em có được những cuốn sách hay và thực sự hữu ích cho việc nghiên cứu vấn đề các em quan tâm. Nhưng nhà trường cũng chỉ là định hướng còn bản thân học sinh vẫn phải tự tìm mua những cuốn sách đó.

Sự ra đời của mô hình thư viện chuẩn nằm trong “Dự án xây mới và cải tạo tổng thể theo hướng đạt chuẩn quốc gia”, hi vọng đây sẽ là một cơ hội rút ngắn khoảng cách giữa học sinh và thư viện trường. 

Thống kê của Bộ GD – ĐT năm học 2009 – 2010: trong tổng số 24.746 trường có thư viện, chỉ có một nửa số này đạt chuẩn (khoảng 13.580 trường). Đội ngũ cán bộ thư viện có 26.578 người, nhưng chỉ có hơn 49% là cán bộ chuyên trách (13.110 người). Kinh phí đầu tư cho thư viện trường học năm 2009 - 2010 là hơn 202 tỷ đồng, bình quân 1 trường học được đầu tư 7,4 triệu đồng.

Nguyễn Huệ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ