Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên viên thư viện được nâng cấp ở mức chuyên nghiệp và các dịch vụ cũng được thiết kế đa dạng, thân thiện với người sử dụng.
Không ngừng cải tiến, cập nhật
Trước đây, nhiều người thường cho rằng, làm công tác tại thư viện thường rất nhàn, chủ yếu là cho mượn và thu hồi sách. Tuy nhiên, quan niệm này không còn phù hợp nữa. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, thư viện phải là nơi nổi bật nhất của trường ĐH. Lãnh đạo nhiều trường ĐH đã không ngần ngại đầu tư hàng tỷ đồng cho thư viện.
Có quy mô trong một tòa nhà 7 tầng với tổng kinh phí đầu tư 129 tỷ đồng, thư viện truyền cảm hứng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), khánh thành năm 2017 từng gây sốt vì quá đẹp và sang chảnh. Không chỉ là nơi học, thư viện TDTU còn là địa điểm sinh viên có thể thoải mái xem phim, chụp ảnh thậm chí là ngủ lại qua đêm.
Chị Trương Thị Ngọc Mai (Giám đốc thư viện TDTU) cho biết, việc tự học, tự nghiên cứu tài liệu thông qua thư viện được giảng viên và sinh viên của TDTU rất chú trọng và lãnh đạo trường rất quan tâm. “Hàng tháng, chúng tôi đều có chương trình báo cáo về kết quả tự học, tự nghiên cứu của SV cho từng khoa chuyên môn và phối hợp với các khoa chuyên môn phân tích, tìm ra giải pháp để SV ngày càng có thói quen đọc sách hơn và thấy được việc đọc sách mang lại lợi ích rõ ràng trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập”, Giám đốc thư viện TDTU chia sẻ.
“Ngoài ra, ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường ĐH, SV đã tham gia các chương trình tập huấn khai thác hiệu quả thư viện, thông qua đó được truyền cảm hứng đọc sách, biết cách tìm kiếm và đọc sách hiệu quả cũng như biết cách sử dụng tất cả các dịch vụ tại thư viện để phục vụ cho việc học tập…”, chị Trương Thị Ngọc Mai thông tin thêm.
“Chúng tôi sản xuất video giới thiệu tài liệu cụ thể trong thư viện. Sản xuất audio book để khuyến khích các bạn nghe, đọc tài liệu vì hiện tại, xu thế tiếp nhận thông tin qua các kênh nghe - nhìn được người trẻ quan tâm hơn. Định kỳ tặng quà là sách cho các bạn thông qua trò chơi nhỏ trên Facebook...”, ThS Thái Thị Thu Thắm chia sẻ.
Hoạt động ở thư viện Trường ĐH Văn Lang (VLU, TPHCM) cũng rất phong phú. Theo ThS Thái Thị Thu Thắm - Giám đốc thư viện VLU, những hoạt động mà VLU thường tổ chức để nâng cao văn hóa đọc là giới thiệu thư viện và các loại hình tài liệu khi SV mới vào trường; Biên soạn thư mục tài liệu cập nhật mới và gửi email thông báo cho SV hàng tháng. Ngoài ra, thư viện còn sử dụng các kênh truyền thông online để giới thiệu dịch vụ và tài liệu trong thư viện đến với SV (Facebook, Zalo, Instagram, website)….
Thúc đẩy văn hóa đọc
Có một thực tế là tỷ lệ đọc sách của người Việt nói chung và SV, HS nói riêng chưa cao. Do đó, để việc đọc sách trong nhà trường được nâng cao thì vai trò của các thư viện là rất lớn.
Chị Trương Thị Ngọc Mai (Giám đốc thư viện TDTU) cho biết, thư viện TDTU được SV xem là giảng đường thứ hai. Sau giờ lên lớp, SV luôn tìm đến thư viện để tự học và giải trí lành mạnh.
“Muốn kết nối chặt chẽ, được SV xem là giảng đường thứ hai, thì thư viện phải có không gian được bố trí hợp lý và thu hút. Đồng thời, nguồn tài nguyên thông tin phải phong phú, phù hợp với chương trình học tập và các dịch vụ phải đa dạng, được thiết kế phù hợp với từng đối tượng người dùng. Ngoài ra, việc kết nối giữa thư viện với các khoa chuyên môn trong trường cũng rất quan trọng, đây là cấu nối giúp thư viện gắn kết chặt chẽ với SV hơn”, chị Trương Thị Ngọc Mai chia sẻ.
Còn với ThS Thái Thị Thu Thắm để thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường thì cần có những quan niệm đúng đắn về thư viện trong trường học hiện nay. “Thư viện không chỉ có sách in, mà phải là nơi cung cấp được thông tin. Hơn thế nữa, thư viện không chỉ lưu trữ sách mà phải là nơi cung cấp các dịch vụ thông tin và tạo dựng được cộng đồng người dùng tin - những người chia sẻ, cộng tác với nhau để tiếp nhận và tạo ra kiến thức”, ThS Thái Thị Thu Thắm chia sẻ.
ThS Thái Thị Thu Thắm thông tin thêm: “Muốn SV kết nối với thư viện thì cần để SV nhận thức được thư viện có thể hỗ trợ, cung cấp gì để họ có thể xây dựng nguồn lực thông tin hữu ích cho mình một cách rất cụ thể. Chẳng hạn, thư viện có tài liệu cho một môn học cụ thể nào đó của họ hay không? Thư viện có tài liệu cho một đề tài cụ thể nào đó của họ hay không? Thư viện có tài liệu cho một kỹ năng nào đó mà họ muốn phát triển hay không?”.
Với quy mô gần 20 nghìn SV nên thư viện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) đã không ngừng nỗ lực trong việc thu hút SV, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong toàn trường.
ThS Vũ Trọng Luật - Giám đốc thư viện HCMUTE cho biết, thời gian qua thư viện đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về sách, khơi gợi nhu cầu hứng thú đọc trong SV như trưng bày giới thiệu sách, trao đổi sách cũ, tổ chức tọa đàm về kỹ năng đọc sách, viết cảm nhận về sách, thi ảnh đẹp với sách, thi xếp sách nghệ thuật...
Xây dựng nhiều không gian đọc sách bên ngoài thư viện, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhu cầu tự học của SV. Xây dựng các “kệ sách lớp học” đặt trong các phòng học. Liên kết, chia sẻ và hợp tác với Thư viện Q.Thủ Đức (TPHCM), thư viện của 30 trường ĐH, CĐ ở phía Nam. Thực hiện hợp đồng liên kết chia sẻ tài nguyên với Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TPHCM...
Theo ThS Vũ Trọng Luật, để việc đọc sách trong nhà trường được nâng cao, thư viện cần nắm rõ nhu cầu của người học. Từ đó tạo ra một số dịch vụ mới nhằm mang đến sự khác lạ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và thu hút người học đến thư viện. Thư viện phải tương tác với bạn đọc như là một “khách hàng”.